Dấu hiệu bệnh lý tâm thần?
Vừa qua xảy ra một số vụ án xuất phát từ những nguyên nhân rất đỗi... lạ lùng: kẹt xe dẫn đến cự cãi rồi lao vào ẩu đả sau khi trước đó đã “đường ai nấy đi”; thậm chí tuần qua ở TP.HCM xảy ra án mạng cũng vì va quẹt cự cãi, tưởng rằng mọi chuyện êm đẹp vì đôi bên đều lên xe chạy tiếp, ai dè lại bất ngờ vung dao đâm một nhát chí mạng... Ngay cả ghen tuông cũng đưa đến án mạng lạ lùng: người chồng vì ghen vợ nên tự tử và giết luôn đứa con bé bỏng của mình!
Các bác sĩ tâm thần phân tích là do chứng bệnh nóng giận không kiểm soát gọi là “road rage” khiến có những hành vi bạo động mà không nghĩ tới hậu quả. Theo bác sĩ tâm thần, thì chứng nóng giận có nhiều trình độ khác nhau. Nhẹ thì có thể bực tức không nói ra và nặng thì có thể có những hành vi bạo hành hoặc đi đến giết người. Nóng giận có thể do những yếu tố từ bên ngoài hay bên trong gây ra. Ví dụ như từ bên ngoài có thể bực bội bởi kẹt xe, bị bạn bè hay đồng nghiệp khinh thường đối xử bất công, đè nén, xỏ xiên... Còn những nguyên nhân từ bên trong, có thể do những tổn thương có từ trước để lại trong tâm tư, tiềm thức tạo nên những mặc cảm.
Tuy vậy, chứng nóng giận là một phản ứng tự nhiên của con người hay cả thú vật để sinh tồn khi phải đối diện với những thử thách từ thiên nhiên hay trong xã hội. Ví dụ như một con thú hay người tiền sử bị đe dọa thì bắt buộc phải có những phản ứng “nóng giận” để chống lại hay chạy trốn thì mới có thể tồn tại được. Nhưng trong một xã hội có trật tự không thể có những phản ứng mang tính chất bạo hành như đả thương, ẩu đả dù bằng lời nói hay hành động vì luật pháp và phép tắc xã hội không cho phép.
Các nhà tâm lý học cho biết là: có thể chuyển hóa những phản ứng nóng giận bằng cách có những thái độ thẳng thắn và tự chủ, thay vì có những hành vi hay lời nói nông nổi. Người có các mặc cảm hoặc nóng giận bị đè nén sẽ rất nguy hiểm, vì sẽ có những thái độ bất thường, vui buồn thất thường, như trường hợp của ông chồng ghen tuông, bình thường thì nhẫn nại chịu đựng, nhưng đôi lúc lại có những phản ứng bạo hành bất ngờ khi phải đứng trước một hoàn cảnh nào đó; ví dụ như khi thấy người vợ sắp sửa chia tay, trong khi nhìn lại thân phận hẩm hiu của bản thân mình... Có người dễ nổi nóng thường xuyên vì những lý do nhỏ nhặt, cũng có người chịu đè nén sự nóng giận nhưng bị chứng bất mãn kinh niên, khó kết bạn với mọi người vì tự ti mặc cảm. Nguyên do có thể do di truyền hoặc do hoàn cảnh gia đình, xã hội khó khăn hoặc không được huấn luyện về cách chế ngự tình cảm. Ảnh hưởng của gia đình rất quan trọng vì nhiều khảo cứu cho biết là những trẻ em lớn lên trong một gia đình đông đúc, có nhiều xung khắc cãi cọ thì dễ trở nên hay nóng giận hơn.
Ngày nay vấn đề nóng giận được coi là một chứng bệnh tâm thần có thể chữa trị hay ít nhất phòng ngừa được. Theo tư vấn của thầy thuốc, có thể tập những tác động làm chủ hơi thở của pháp môn yoga, võ thuật cổ truyền, khí công đều có hiệu quả. Cần tập hàng ngày đều đặn khiến mỗi khi hữu sự thì có thể đem ra áp dụng một cách tự nhiên giống như là một hình thức tập Nhu đạo, Vovinam về tư tưởng theo nguyên tắc “nhu thắng cương, nhược thắng cường”.
Một người có tính dễ nóng giận thường hay có những phản ứng mau lẹ thì nên tập cách phản ứng chậm rãi hơn, lắng nghe nhiều hơn trước khi có phản ứng. Sau cùng tính tình hài hước, cởi mở có thể làm giảm sự căng thẳng và tránh được sự nóng giận rồi đưa đến xung đột không cần thiết. Những hài hước phải có tính cách xây dựng, còn nếu có tính cách châm biếm thì lại là một hình thức chọc giận khác đôi khi còn tai hại hơn.
CAO TRÍ