“Đầu độc” kênh, rạch
Trong số báo ngày 11-12, báo Bình Dương đã có bài phản ánh về tình trạng một số kênh, rạch trên địa bàn TX.Thuận An bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo phản ánh của người dân thì tình trạng này ở địa bàn TX.Dĩ An cũng đang ở mức báo động và cần có biện pháp kịp thời. Theo phản ánh của người dân thì các suối, kênh, rạch như Cầu Đá, Mù U (P.Tân Bình), Lồ Ồ (P.Bình An), rạch Ông Đạm, Bà Hiệp (P.Bình Thắng) có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và thoát nước đô thị, tuy nhiên, các suối, rạch trên đang bị ô nhiễm nghiêm trọng vì nước thải từ các lò mổ, các công ty và nước thải sinh hoạt...
(BDO) Rạch Bà Hiệp bị ô nhiễm nghiêm trọng vì nhiều hộ dân sống hai bên bờ vô tư xả nước sinh hoạt trực tiếp xuống rạch
Lò mổ “đầu độc” suối Cầu Đá
Suối Cầu Đá chảy uốn mình ôm trọn KP.Tân Thắng, P.Tân Bình, TX.Dĩ An. Trước đây con suối này rất sạch và là nguồn cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Nhưng hơn năm nay, con suối đang bị “bức tử” vì nguồn nước ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Anh Nguyễn Văn Thành, người dân ở đây cho biết: “Trước kia, nước con suối Cầu Đá rất trong, tôm cá rất nhiều nhưng thời gian gần đây ngay cả con ốc cũng không sống nổi. Đặc biệt, từ khi lò mổ heo ở đầu nguồn con suối hoạt động ngày đêm, con suối phải “gồng mình” chịu đựng nước thải từ lò mổ”. Chị Đinh Thị Hạnh vừa bịt mũi vừa chỉ tay vào dòng nước đen ngòm nói: “Nước ô nhiễm vậy làm sao chúng tôi chịu nổi. Mỗi khi lò mổ xả thải xuống dòng suối, mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc, gặp đang lúc gia đình đang ăn cơm phải bỏ dở”.
Ông Đặng Văn Năm, Chủ tịch UBND P.Tân Bình cho rằng: “Không riêng gì các hộ dân sống dọc suối Cầu Đá chịu cảnh mùi hôi thối từ lò mổ mà cán bộ, viên chức UBND, Công an và Ban Chỉ huy Quân sự của phường Tân Bình cũng bị vạ lây khi gặp cơn gió thổi từ lò mổ heo qua. Hiện UBND phường đang kiến nghị lên UBND TX.Dĩ An có biện pháp xử lý”.
Trước phản ánh của người dân, ngày 18-11, đoàn kiểm tra liên ngành TX.Dĩ An đã tiến hành kiểm tra cơ sở giết mổ nói trên. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện hàng loạt sai phạm như: Số lượng heo giết mổ vượt quá công suất của lò mổ từ 10 đến 12 lần; không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường thẩm duyệt theo quy định và không có giấy phép thăm dò, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước…
Từ những sai phạm trên, đoàn kiểm tra đã tham mưu với UBND TX.Dĩ An lập biên bản vi phạm hành chính và tờ trình trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính chủ cơ sở giết mổ nói trên với 4 hành vi là: Không có báo cáo đánh giá tác động môi trường thẩm duyệt theo quy định; khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép; sử dụng đất sai mục đích và không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y với tổng số tiền phạt từ 234 triệu đồng đến 306 triệu đồng. Đồng thời, đoàn kiểm tra cũng kiến nghị UBND TX.Dĩ An yêu cầu UBND P.Tân Bình tiến hành tổ chức tháo dỡ công trình nhà xưởng vi phạm nội dung Quyết định số 195/ QĐ-UBND của UBND P.Tân Bình về việc đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị (kể cả hệ thống xử lý nước thải trên hành lang bảo vệ suối Cầu Đá) và yêu cầu Phòng Tài chính và Kế hoạch thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó yêu cầu Trạm Thú y không tổ chức hoạt động kiểm dịch thú y tại cơ sở giết mổ này.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng kiến nghị UBND TX.Dĩ An ban hành quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn 12 tháng đối với cơ sở giết mổ nói trên nhằm ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Ao cá bỏ phế
Cách đây không lâu, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung (ngụ KP.Trung Thắng, P.Bình Thắng) đã gọi điện đến Báo Bình Dương kêu cứu vì cá trong ao của gia đình bà bị chết hàng loạt. Nguyên nhân ban đầu khiến hơn 250kg cá chép, rô phi, mè, trắm cỏ bị chết không phải do dịch bệnh mà cá chết đột ngột do thiếu oxy. Ao cá của bà Dung lấy nước từ rạch Bà Hiệp. Đây là lần thứ tư cá trong ao nhà bà Dung chết, gây thiệt hại không nhỏ đến kinh tế của gia đình bà.
Bà Dung rưng rưng nước mắt: “Sau 2 tháng kể từ ngày cá trong ao bị chết, gia đình tôi không dám nuôi cá nữa vì nước rạch Bà Hiệp ô nhiễm nặng quá. Gia đình đành ngậm ngùi bỏ hoang ao cá vì bao công sức và tâm huyết dành cho ao cá bỗng tan thành mây khói. Đưa ông Táo năm nay, chúng tôi cũng không có cá chép mà bán nữa”.
Hàng xóm của bà Dung có ông Trần Thanh Phong, người trước đây từng dẫn nước từ rạch Bà Hiệp để nuôi cá nhưng hơn 1 năm nay phải ngừng nuôi cá vì nước rạch ô nhiễm, khiến cá chết hàng loạt. Ông Phong lắc đầu ngán ngẩm: “Chăn nuôi không được lợi nhuận bao nhiêu, chủ yếu là lấy công làm lời. Biết bao nhiêu tiền bạc và công sức dồn hết cho ao cá mà chỉ sau một đêm, cá phơi bụng trắng ao. Từ đó, tôi không đủ can đảm để thả cá nữa”. Cùng cảnh ngộ với ông Phong, ông Đặng Văn Quý và ông Nguyễn Văn Thuận cũng buộc phải bỏ ao vì nước rạch Bà Hiệp ô nhiễm.
Theo tìm hiểu của P.V, rạch Bà Hiệp có thượng nguồn chảy qua khu dân cư tổ 2, 3 và 4 (KP.Tân Thắng) và hạ nguồn là điểm xả thải của Nhà máy Nông dược Việt Nam. Dọc theo con rạch, P.V nhận thấy dày đặc ống xả thải được những hộ dân sống hai bên bờ lắp đặt. Thậm chí có hộ dân còn xây nhà vệ sinh tạm bợ trên con rạch và chất thải được đưa trực tiếp xuống rạch.
Ảnh hưởng đến thoát nước đô thị
Ngoài cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, các kênh, rạch và suối trên địa bàn TX.Dĩ An còn góp phần vào thoát nước đô thi, chống ngập úng vào mùa mưa. Tuy nhiên, ngoài những nguyên nhân gây ô nhiễm do sản xuất công nghiệp, hiện nay nhiều người dân do thiếu ý thức bảo vệ môi trường đã trực tiếp vứt rác thải sinh hoạt xuống suối, kênh, rạch, gây ách tắc dòng chảy.
Suối Lồ Ồ (P.Bình An) là một trong những “nạn nhân” của hành động trên. Theo quan sát của P.V, dọc hai bờ suối đã bị các hộ dân biến thành bãi rác khi vô tư đổ rác sinh hoạt xuống. Rác lâu ngày tích tụ, bốc mùi hôi thối nồng nặc, là điều kiện lý tưởng cho ruồi, muỗi phát triển truyền bệnh. Không những thế, vào mùa mưa, do bị tắc dòng chảy, nước thoát không kịp, gây cho khu vực KP.Nội Hóa bị ngập cục bộ.
Một thống kê cũng đáng lưu tâm, mùa mưa vừa qua trên địa bàn TX.Dĩ An có 29 điểm ngập nước cục bộ, trong đó có 10 điểm ngập nặng, gây ảnh hưởng đến tuổi thọ của mặt đường, an toàn giao thông và đời sống sinh hoạt của người dân. Theo người dân, ngoài những nguyên dân do cơ sở hạ tầng thì tình trạng vứt rác, xả thải xuống kênh, rạch và suối của người dân là một trong những nguyên nhân chính gây tắc dòng chảy, ngập nước cục bộ.
Ông Nguyễn Văn Thiên Đăng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TX.Dĩ An cho biết: “Trước mắt, phòng tham mưu với UBND thị xã tăng cường công tác nạo vét, khơi thông các kênh, rạch, suối nhằm bảo đảm không ách tắc, gây ngập cục bộ. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành và đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao tinh thần chấp hành pháp luật và bảo vệ môi trường cho người dân, đặc biệt là các gia đình sống cạnh kênh, rạch, suối. Ngoài ra, công tác phòng chống hành vi hủy hoại môi trường tiếp tục được duy trì thường xuyên. Hiện nay Phòng TNMT cùng với Sở TNMT thực hiện đề án đánh giá chất lượng nước bề mặt của kênh, rạch, sông suối. Việc thực hiện đề án sẽ góp phần hạn chế và khắc phục tình trạng ô nhiễm của các kênh, rạch, sông và suối ở nhiều địa phương”.
NGUYỄN HẬU