Đau đầu với tin nhắn rác

Thứ năm, ngày 07/01/2016

Thời gian gần đây, vấn đề tin nhắn rác, cuộc gọi rác “khủng bố” người sử dụng điện thoại di động mặc dù đã được các cơ quan báo chí phản ánh nhiều nhưng tình hình vẫn chưa có nhiều chuyển biến.


Tin nhắn rác đang “khủng bố” người sử dụng điện thoại di động.
Ảnh: NHI VÂN

Thông tin khách hàng bị mua bán

Anh Nguyễn Thanh Hải, ở phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, than phiền rằng thời gian gần đây anh thường xuyên nhận được tin nhắn, cuộc gọi từ các ngân hàng, đại lý bán bảo hiểm, bán xe ô tô… “Trước đây tôi còn lịch sự cáo bận, nhưng giờ thì không đủ kiên nhẫn, phải lớn tiếng khi nhận được những cuộc gọi vớ vẩn. Nhiều lúc đang lái xe bị tắc đường hoặc có cuộc họp quan trọng của công ty, đủ thứ đang phải lo nghĩ trong đầu thì bị nhân viên tiếp thị gọi tới “xin vài phút” để tư vấn, rất phiền phức”, anh Hải nói.

Một nhà chuyên môn cho biết ngoài hình thức chia sẻ, trao đổi, mua bán danh sách khách hàng từ những đối tượng phụ trách thông tin khách hàng của những công ty, đơn vị với nhau, thì một lý do khác làm thông tin cá nhân rò rỉ là việc sử dụng số điện thoại để đăng ký tài khoản trên các diễn đàn. Những công cụ marketing dễ dàng thu thập thông tin một cách tự động. Mặt khác, tin nhắn rác đã mang lại một khoản lợi nhuận đáng kể cho các nhà mạng, cho nên họ cũng lờ đi. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc đăng ký thông tin sim chính chủ trả trước vẫn bị các nhà mạng làm ngơ, từ đó hình thành một thị trường sim sôi động để các đối tượng sử dụng vào mục đích khác nhau, trong đó có cả mục đích lừa đảo.

Theo nhiều người sử dụng điện thoại di động, việc tiếp thị bằng cách gọi điện như thế có thể không có gì quá đáng. Điều làm họ bức xúc là tất cả thông tin cá nhân như họ tên, độ tuổi, lĩnh vực nghề nghiệp… đều được nhân viên gọi đến nêu chính xác. Điều đó chứng tỏ đã có một sự thỏa thuận mua bán, trao đổi giữa các bên để có được những thông tin này, chứ không chỉ đơn thuần là họ gọi vào một số bất kỳ. Điều đó cho thấy họ đã không có sự tôn trọng khách hàng.

Hạn chế bằng cách nào?

Đã có nhiều giải pháp từ phía các nhà mạng như chặn bằng từ khóa, theo tần suất… nhưng hầu hết chỉ là giải pháp tình thế, không mang lại hiệu quả. Vì mỗi lần đối tượng nhắn tin, gọi đến là một đầu số khác nhau, từ những công ty khác nhau với mục đích khác nhau nên không thể chặn hết được. Hay khi dùng điện thoại thông minh vào mạng, người sử dụng vô tình bấm vào các quảng cáo bị trừ tiền, tự động cài dịch vụ, mã độc... Vì vậy, không ít người trở thành nạn nhân của những vụ “móc túi”, bị trừ tiền sử dụng các dịch vụ mà không hiểu lý do.

Theo những người có kinh nghiệm, để có thể hạn chế được phần nào tình trạng số điện thoại bị mang ra mua bán trái phép, trở thành nạn nhân khi bị làm phiền bởi các tin nhắn rác, cuộc gọi rác, khi đăng ký số điện thoại trên các diễn đàn, mua sắm online, giao dịch tại ngân hàng… người dùng nên sử dụng thêm một số điện thoại phụ để khai báo, không nên dùng số điện thoại chính dành cho công việc để hạn chế được những phiền toái có thể xảy ra về sau.

“Vào những đợt cao điểm như lễ, tết, chúng tôi đều có cảnh báo đến khách hàng các hình thức lừa đảo qua tin nhắn đang trở nên rất phổ biến như hiện nay để các cá nhân, tổ chức nâng cao cảnh giác tự bảo vệ mình. Khi khách hàng phản hồi và có yêu cầu hỗ trợ, chúng tôi luôn có trách nhiệm kịp thời xử lý”, một cán bộ văn phòng Mobifone khu vực Bình Dương, cho biết.

Theo nhiều chuyên gia, với vai trò là đầu mối tập trung tất cả tin nhắn trước khi chuyển đến cho người sử dụng, nhiều nhà mạng hiện nay chưa can thiệp kiểm soát ngay từ đầu. Cụ thể, các nhà mạng thực hiện đăng ký thông tin thuê bao trả trước, kiểm tra tính xác thực thông tin... còn lỏng lẻo, hoặc chỉ giải quyết sự vụ, dù cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra và đã xử phạt nhiều trường hợp nhưng thực tế mức xử phạt chưa đủ sức răn đe.

NHI VÂN