Đau đáu bài học vở lòng
Thế hệ chúng tôi là những người được học bài học vở lòng về sự giàu có của tài nguyên đất nước với những câu chữ mượt mà, êm ái như đất nước ta rừng vàng, biển bạc, đất đai phì nhiêu, trong lòng đất chứa nhiều khoáng sản... Ắt hẳn những người viết sách giáo khoa ngày ấy muốn truyền đạt cho thế hệ học trò chúng tôi ít nhiều kiến thức về những tiềm năng của đất nước để cố công học hành có ngày đem những tài nguyên ấy làm giàu đất nước. Chớp mắt chưa đầy 20 năm, bài học vở lòng ngày nào đã thay đổi! Rừng vẫn còn đó nhưng không còn là rừng vàng mà xác xơ vì sự chặt phá vô tội vạ của con người. Biển bạc còn đúng nghĩa đen với những con sóng bạc đầu vì nguồn hải sản bị tận diệt. Các con sông ngừng chảy vì con người ngăn dòng làm thủy điện và chỉ chực chờ trút cơn thịnh nộ mỗi khi có dịp. Sau tất cả các nguồn tài nguyên nói trên, khoáng sản trong lòng đất cũng đang bị lăm le đào bới đem bán!
Đành rằng nguồn tài nguyên phải được sử dụng nhằm phục vụ sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đã đến lúc cần phải khai thác một loại tài nguyên cụ thể nào đó chưa và sử dụng nguồn tài nguyên đó như thế nào cho hợp lý, mà dự án khai thác bô-xít ở Tây nguyên là một ví dụ. Sau bao tranh cãi không chính thức về hiệu quả kinh tế, vấn đề môi trường và các vấn đề an sinh xã hội của dự án, cuối cùng dự án này cũng được chính thức được đưa lên bàn nghị sự của Quốc hội. Để có cơ sở sớm trả lời với dân, mới đây Quốc hội cũng đã cử đoàn công tác đến tận nơi để thị sát các vấn đề mà dân đặt ra.
Về hiệu quả kinh tế, báo cáo với đoàn nhà đầu tư cũng chỉ dừng lại ở mức nếu tính hết các chi phí, thuế thì kết quả cho thấy dự án có hiệu quả khoảng 12%. Theo tính toán của phía đầu tư thì giá alumin trên thị trường thế giới hiện khoảng 340 USD/tấn và chỉ cần bán với giá 333 USD/tấn là hòa vốn. Như vậy, nếu bán được đúng giá thị trường thì có nghĩa mỗi tấn alumin khai thác được có lãi 7 USD. Câu hỏi đặt ra là tại sao phải vội vã quyết định khai thác mỏ bô-xít này khi chưa chắc chắn có lãi, nếu không muốn nói là lỗ vì chưa tính đến sự biến động giá của thị trường và giá trị diện tích đất phục vụ dự án? Trong khi đó, diện tích đất cho riêng hồ chứa bùn đỏ của dự án này trong giai đoạn I đã lên tới 110 ha. Còn tiêu tốn bao nhiêu đất để xây dựng nhà máy, các hạng mục khác như đường giao thông để vận chuyển quặng, bãi chứa quặng và đất trong quá trình khai thác mỏ chưa thể đưa vào sử dụng... Với số lãi trên mỗi tấn alumin khai thác được liệu có đủ để bù đắp những thiệt hại này?
Bên cạnh hiệu quả kinh tế thấp, vấn đề cần làm rõ ở dự án này làm người dân lo lắng là chất thải bùn đỏ gây ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí và vấn đề mất đa dạng sinh học... Đây mới là nội dung chính trong đợt thị sát của đoàn công tác của Quốc hội. Trả lời vấn đề này, những người thực hiện dự án thề sống thề chết “sẽ đi tù nếu để xảy ra sự cố”. Thiết nghĩ đó là điều tất nhiên, nhưng một người đi tù thì liệu có giải quyết được vấn đề, bởi tác động của dự án lên môi trường không phải diễn ra tức thời, mà lâu dài và để lại hậu quả nặng nề cho nhiều thế hệ sau.
Vội vàng khai thác tài nguyên, bán tháo những gì đất nước đang có, chúng ta phải trả lời ra sao với con cháu đời sau. Đau đáu bài học vở lòng là vì vậy.
LÊ QUANG