Dấu ấn từ sự đoàn kết, đổi mới và phát triển
(BDO) Sau 24 năm tái lập huyện Phú Giáo (20.8.1999 - 20.8.2023), phát huy truyền thống anh hùng, với tinh thần đoàn kết, đổi mới và phát triển, địa phương này đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Đời sống của nhân dân trên địa bàn không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Phát huy truyền thống anh hùng, huyện Phú Giáo vững bước trên đường phát triển. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Mở đường kết nối
Những năm qua, huyện Phú Giáo đã huy động tối đa các nguồn lực và phương thức đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, kết nối các địa phương lân cận trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh cùng với việc chủ động xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp (DN) đầu tư và sự ủng hộ của nhân dân, huyện đã tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cấp và chỉnh trang đô thị, góp phần tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) theo đúng định hướng đã đề ra, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải của tỉnh và tiêu chí đô thị loại IV.
Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết từ khi tái lập huyện đến nay, Phú Giáo luôn xác định đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là khâu đột phá quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH. Huyện đã huy động nhiều nguồn lực kết hợp với nguồn vốn ngân sách được phân bổ, tập trung đầu tư hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn kết nối liên thông và đồng bộ. Các trục giao thông Bắc - Nam, Đông - Tây, các khu dân cư, khu sản xuất nông nghiệp… được đầu tư hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông theo quy hoạch. Công tác vận động nhân dân tham gia đầu tư hệ thống giao thông nông thôn được đẩy mạnh với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Huyện đã nhựa hóa và bê tông hóa hàng trăm tuyến đường trục xã, cứng hóa các đường trục thôn xóm...
Hiện nay, nhiều công trình giao thông trên địa bàn huyện Phú Giáo đã được đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả thúc đẩy phát triển KT-XH, như đường ĐH507, ĐH519, ĐH515... Đặc biệt, dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023, kết nối liên tỉnh, tạo động lực thúc đẩy KT-XH của huyện phát triển nhanh hơn… |
Hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ đã thúc đẩy KT-XH phát triển. Cụ thể, trong những năm gần đây kinh tế của huyện luôn duy trì tốc độ tăng cao, nông nghiệp có giá trị tăng bình quân 6,94%/năm; công nghiệp tăng bình quân 13,35%/ năm; thương mại - dịch vụ tăng bình quân 21,52%/năm. Trong đó, kinh tế nông nghiệp phát triển đúng định hướng, ứng dụng công nghệ cao để phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sinh học, hữu cơ cho sản phẩm có chất lượng, an toàn và giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được huyện triển khai đồng bộ, quyết liệt, đã huy động trên 1.070 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân tiếp tục được nâng lên. Thu nhập bình quân theo đầu người đạt 76,5 triệu đồng/người/năm. Đến nay, toàn huyện đã có 10/10 xã đạt NTM, 7/10 xã đạt NTM nâng cao. Huyện có 21 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao. Công nghiệp cũng đang được đầu tư phát triển, hiện nay trên địa bàn huyện đã có 1 cụm công nghiệp đi vào hoạt động; đồng thời huyện đang rà soát, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, tổng diện tích trên 4.000 ha.
Đánh thức tiềm năng, thế mạnh
Những thành tựu, nhất là những bài học kinh nghiệm quý báu được đúc kết qua 24 năm xây dựng và phát triển sẽ là tiền đề, động lực to lớn để huyện Phú Giáo vượt qua những khó khăn, thử thách, tiếp tục gặt hái thêm thành tựu lớn hơn trong thời gian tới. Đây cũng là nền tảng để huyện thực hiện thành công mục tiêu phát triển tổng quát đến năm 2025 đã được Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, đó là: “Tập trung xây dựng Đảng bộ huyện trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao năng lực điều hành, quản lý nhà nước; phát huy và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của huyện kết hợp huy động tối đa các nguồn lực tập trung đầu tư hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, điện. Tiếp tục xác định kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tích cực mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đi đôi với phát triển kinh tế, chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh, phấn đấu xây dựng huyện Phú Giáo thành huyện NTM nâng cao, phát triển bền vững”.
Ông Nguyễn Khoa Hải, Bí thư Huyện ủy Phú Giáo, cho biết để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện Phú Giáo nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, toàn Đảng bộ phải phấn đấu không ngừng, năng động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, huyện tiếp tục phát triển KT-XH theo đúng các quy hoạch đã được phê duyệt; tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phát huy tối đa các nguồn lực; phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ gắn với phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục chỉnh trang, nâng chất các tiêu chí, phấn đấu đến năm 2025 thị trấn Phước Vĩnh cơ bản đạt đô thị loại IV; chủ động phối hợp mời gọi đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp và đô thị theo quy hoạch; phấn đấu hết nhiệm kỳ có thêm khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động, sẵn sàng đón các DN đến đầu tư và các DN ở phía nam thực hiện chính sách di dời lên phía bắc theo kế hoạch của tỉnh.
Huyện tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để tạo động lực phát triển KT-XH. Trong đó, huyện sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường dọc theo sông Bé nhằm khai thác lợi thế cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái; phối hợp với tỉnh triển khai tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (đoạn qua huyện Phú Giáo có chiều dài 27km) để tăng tính kết nối vùng...
Huyện tiếp tục phát triển nông nghiệp thông minh, sinh thái, nông thôn văn minh, nông dân hiện đại; đồng thời tập trung huy động các nguồn lực kết hợp thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng NTM, phấn đấu đưa 3/10 xã còn lại đạt NTM nâng cao, 3/10 xã NTM nâng cao đạt xã NTM kiểu mẫu và thực hiện đề án làng thông minh trên địa bàn huyện.
Mặt khác, huyện tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ các DN, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao liên kết phát triển; mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, huyện phối hợp quảng bá, tìm kiếm, mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm; phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu đạt chứng nhận OCOP.
Cùng với đó, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục và công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân; nghiên cứu định hướng xây dựng mô hình điểm “Bệnh viện thông minh”, “Trường học hạnh phúc”...; phát huy hiệu quả, công năng sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa cấp xã, giữ gìn phát huy các truyền thống văn hóa tốt đẹp trong các tôn giáo, đồng bào các dân tộc thiểu số; thực hiện tốt Đề án 06, công tác cải cách thủ tục hành chính; kiện toàn hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng, đầu tư trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến...
ĐỖ TRỌNG