Dấu ấn Trên đường phát triển- Kỳ 2

Thứ tư, ngày 07/10/2020

(BDO) Kỳ 1: Mở lối tiên phong

Kỳ 2: “Gặt hái” thành quả

Một góc Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị

Bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng và các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 2, 3 (khóa VIII), Bình Dương chính thức quy hoạch, xây dựng và phát triển mô hình kinh tế khu, cụm công nghiệp tập trung. Do mới mở cửa, phát triển, các nhà đầu tư cũng chưa biết nhiều về Bình Dương. Đến những năm đầu thập niên 2000 môi trường khu, cụm công nghiệp tập trung của Bình Dương mới thật sự khiến các nhà đầu tư lớn ở các quốc gia phát triển chú ý. Các nhà đầu tư bắt đầu có những chuyến công tác, tham quan các khu công nghiệp của tỉnh. Lòng nhiệt tâm, hiếu khách, cầu thị của chính quyền và nhân dân Bình Dương đã “đốn ngã trái tim” của những nhà đầu tư khó tính đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu…

* Với tốc độ phát triển như vũ bão cả về quy mô và chất lượng của các khu, cụm công nghiệp tập trung, nhất là xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị, ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục là điểm sáng cho cả nước. Tính đến nay, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp đạt 24,6%/năm, trong đó tăng cao nhất là giai đoạn 2001-2005, đạt 35,6%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 của tỉnh đạt 240.000 tỷ đồng, tăng gấp 60,3 lần so với năm 1997 (3.978 tỷ đồng), ngành công nghiệp tiếp tục đóng vai trò chủ lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh.

* Mô hình khu, cụm công nghiệp tập trung được phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy nhóm ngành dịch vụ - thương mại - xuất nhập khẩu phát triển theo. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 1997- 2019 tăng bình quân 20,9%%/năm, năm 2019 tăng 19,2%, đạt 227.805 tỷ đồng, tăng 74,9 lần so với năm 1997 (3.042 tỷ đồng). Mạng lưới cơ sở hạ tầng thương mại cũng được đầu tư mở rộng, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại được đầu tư xây dựng (Trung tâm Thương mại Aeon Mall, Lotte Mart, Trung tâm Thương mại Becamex, Big C, Co.opmart…) tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 27.766 tỷ USD, gấp 76,4 lần so với năm 1997 (363,2 triệu USD); kim ngạch nhập khẩu năm 2019 đạt 20,795 tỷ USD, gấp 68 lần so với năm 1997 (305,4 triệu đô la Mỹ), tốc độ tăng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa từ 1997-2019 ước tính đạt mức trung bình 25%/năm.

* Cuối tháng 10-2019, Bình Dương được Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới (ICF) vinh danh là 1 trong 21 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu thế giới. Theo đó, ICF đặc biệt đề cao về hai yếu tố cốt lõi mà Bình Dương đạt được, gồm: Đô thị xanh gắn với kinh tế tri thức và Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Trước đó, Hiệp hội Trung tâm Thương mại Thế giới (WTCA) cũng đồng ý đã kết nạp Bình Dương làm thành viên chính thức sau khi nhận được hồ sơ tham dự với Đề án Phát triển Khu phức hợp thương mại quốc tế tại Thành phố mới Bình Dương do Becamex IDC thực hiện.

* Mặc dù diện tích sản xuất nông nghiệp giảm mạnh so với những năm trước, nhưng nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động chăn nuôi, trồng trọt nên giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh luôn đạt mức tăng trưởng mạnh. Hiện tại, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang tích cực tuyên truyền định hướng nông dân chuyển hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ để tạo giá trị cung ứng tốt cho thị trường địa phương và chuẩn bị cho việc xuất khẩu nông sản đến những thị trường lớn.

Từ những bước đi đầu tiên cho sự phát triển, kỳ vọng đổi thay của vùng đất thuần nông được thắp lên, củng cố. Giai đoạn 2000- 2010, tiếp nối thành công từ những quyết sách sáng suốt của những năm trước đó, tỉnh tiếp tục chọn phát triển mô hình khu, cụm công nghiệp tập trung làm mũi nhọn đột phá trong chiến lược chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho một đô thị công nghiệp - thương mại - dịch vụ phát triển mạnh.

Hẳn nhiều người còn nhớ hình ảnh những vùng đất hoang sơ của các địa phương phía bắc tỉnh thời chưa phát triển. Hai bên các tuyến đường liên huyện, liên xã bằng sỏi đỏ là những cánh rừng cao su xen lẫn những cánh đồng lúa, khoai mì nhỏ lẻ. Nếu chạy xe dọc những con đường đó vào thời những năm 2000, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà nhỏ lụp xụp và những người nông dân đang loay hoay làm cỏ cao su, khoai mì…

Những con đường sỏi đỏ giờ đây đã được láng nhựa sạch đẹp, rộng rãi, những ngôi nhà lụp xụp hai bên đường ngày nào giờ đã được thay vào bằng những ngôi nhà khang trang, phía sau là những cánh rừng cao su, vườn cây ăn trái được đầu tư và quy hoạch chỉn chu, khoa học. Cách đó không xa là các khu, cụm công nghiệp tập trung, nơi mà những người công nhân đang hăng say làm việc mỗi ngày để tạo nên thương hiệu những sản phẩm chất lượng “Made in Vietnam”.

Vùng đất thuần nông nghèo ngày nào giờ đây đã thay da đổi thịt. Những người nông dân đã tiếp cận được khoa học công nghệ và ứng dụng vào hoạt động trồng trọt, chăn nuôi cho ra sản phẩm với chất lượng và giá thành cao. Một lực lượng lao động cũng có thể lựa chọn kinh doanh buôn bán, đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng trên địa bàn tỉnh hoặc làm công nhân ở các nhà máy có dây chuyền hiện đại đang hoạt động trên chính địa phương mình. Dù chọn làm gì, chỉ cần siêng năng, chịu khó, sẽ không một người Bình Dương nào phải sống trong cảnh khó khăn, đói nghèo.

Đi khắp các xã, phường, huyện, thị, thành phố từ nam lên bắc, từ đông qua tây của Bình Dương đều dễ dàng nhận thấy diện tích đất canh tác nông nghiệp, đất ở, đất phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ đều được quy hoạch chỉn chu, khoa học. Vệ tinh xung quanh các khu, cụm công nghiệp tập trung là các khu đô thị, khu dân cư và vùng canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… (Còn tiếp)

ĐÌNH THẮNG