Dấu ấn đậm nét trong xã hội hóa
(BDO) Trong giai đoạn 2015- 2020, công tác xã hội hóa (XHH) trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao đã góp phần giảm bớt gánh nặng ngân sách Nhà nước, nâng cao đời sống người dân Bình Dương. Với chủ trương “trải thảm đỏ”, Bình Dương không mời gọi XHH bằng mọi cách mà thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng theo quy định của pháp luật. Công tác XHH đã thu hút doanh nghiệp, tập thể, cá nhân đầu tư trên các lĩnh vực, thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.
Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh giám sát lĩnh vực y tế thực hiện XHH. Trong ảnh: Các thành viên đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh tham quan máy đo huyết áp tự động tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1
“Trái ngọt” xã hội hóa
Thực hiện chủ trương XHH, 5 năm qua, Bình Dương đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên lĩnh vực xã hội. Hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao phát triển đồng bộ nhờ những chính sách khuyến khích phát triển XHH theo đúng quy định pháp luật. Qua mô hình XHH, hiện nay mạng lưới giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của tỉnh phát triển rộng khắp với 70 cơ sở ngoài công lập. Cụ thể, trong 70 cơ sở GDNN ngoài công lập có 2 trường cao đẳng (trường Công nghệ cao Đồng An, trường Nghề Thiết bị y tế Bình Dương), tổng số vốn đầu tư khoảng 660 tỷ đồng, quy mô tuyển sinh hàng năm khoảng 1.620 học sinh, sinh viên; 6 trường trung cấp, mỗi trường có tổng diện tích từ 1.000 đến 10.000m2, hàng năm tuyển sinh toàn khối là 1.500 học sinh.
Đặc biệt, trường Trung cấp Kinh tế công nghệ Đông Nam đang trong giai đoạn gia hạn thực hiện dự án đầu tư nâng cấp thành trường cao đẳng theo Quyết định số 802/QĐ của UBND tỉnh; 6 trung tâm GDNN, hàng năm số lượng tuyển sinh chiếm 74% cơ sở GDNN trên toàn tỉnh. Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Những năm qua, khối GDNN ngoài công lập được hình thành, hoạt động ổn định, đào tạo đa ngành nghề, có nhiều đóng góp lớn cho công tác đào tạo nguồn lực của tỉnh. Đây chính là nhân tố thúc đẩy phát triển, kích thích sự tích cực và năng động của các cơ sở GDNN công lập, từ đó tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa khối công lập và ngoài công lập”.
Cùng với đó, hệ thống cơ sở giáo dục - đào tạo các cấp học đạt nhiều thành tựu, góp phần giảm áp lực trường lớp cho địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có 400/785 cơ sở ngoài công lập gồm 290 cơ sở giáo dục mầm non, 1 cơ sở giáo dục tiểu học, 4 cơ sở giáo dục THCS, 8 cơ sở giáo dục THPT, 94 cơ sở giáo dục thường xuyên và 3 cơ sở giáo dục đại học. Kết quả huy động số người học cơ sở giáo dục ngoài công lập cả mầm non và phổ thông của Bình Dương đạt cao hơn chỉ tiêu nghị quyết của Chính phủ đề ra.
Song song với sự phát triển của giáo dục, y tế, lĩnh vực văn hóa, thể thao cũng phát triển rộng khắp, thu hút doanh nghiệp, tập thể, cá nhân tích cực tham gia đầu tư. Tiêu biểu phải kể đến Khu du lịch Đại Nam (TP.Thủ Dầu Một) do Công ty Cổ phần Đại Nam làm chủ đầu tư có tổng diện tích 450 ha với nhiều công trình văn hóa đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Nhà hát sân khấu ngoài trời ở Mỹ Phước (TX. Bến Cát) do Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư thường xuyên tổ chức các chương trình biểu diễn phục vụ công nhân lao động tại Khu công nghiệp Mỹ Phước.
Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có 6 rạp chiếu phim được đầu tư khang trang với trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao của người dân. Lĩnh vực thể thao có các công trình quy mô lớn đã hình thành và hoạt động, như: Sân Golf Sông Bé, Công viên Văn hóa Thanh Lễ, Trung tâm Thể dục thể thao cộng đồng thành phố mới Bình Dương. Đặc biệt, trường đua Đại Nam là một trong những công trình trọng điểm của Khu du lịch Đại Nam, được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng là trường đua phức hợp có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Năng động, tham mưu thực hiện chính sách xã hội hóa
Xác định tầm quan trọng của XHH đối với sự phát triển của địa phương, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt nhằm vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương tham gia công tác XHH. Từ các hoạt động này đã tạo nên những chuyển biến tích cực, tạo thêm cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Thực tế, giai đoạn 2015- 2020, Sở Xây dựng luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện chính sách XHH trên nguyên tắc cắt giảm những thủ tục không cần thiết, tạo thuận lợi tối đa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Cụ thể, Sở Xây dựng đã thực hiện tốt nhiệm vụ thẩm định, cấp phép xây dựng cho các dự án XHH. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan. Theo đó, nếu hồ sơ của chủ đầu tư đáp ứng đủ điều kiện thì thời gian tiếp cận giấy phép xây dựng được giảm đáng kể nhờ thực hiện song song các thủ tục hành chính trong xử lý hồ sơ, từ 82 ngày giảm xuống còn 57 ngày.
Ghi nhận của chúng tôi từ các sở, ngành cho thấy, hiện nay quá trình thực hiện XHH trong tỉnh còn hạn chế do vướng mắc về quy định pháp luật chuyên ngành của từng đơn vị. Trong khi đó, các cơ sở thực hiện XHH phải đáp ứng các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, Bình Dương là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, lực lượng lao động từ các tỉnh thành đến sinh sống làm việc đông nên lĩnh vực giáo dục khó đạt được các điều kiện để hưởng chính sách theo quy định. Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết, hiện nay ở khối các trường mầm non, số lượng các trường XHH chiếm trên 70% số lượng các trường học trên địa bàn. Phần lớn các trường mầm non XHH chưa đạt tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn do Thủ tướng Chính phủ quy định. Vướng mắc do các trường này thường thuê nhà để thành lập trường, phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất (đất ở sang đất giáo dục) và chuyển đổi công năng cơ sở vật chất (từ nhà ở sang trường học). Với 2 yêu cầu chuyển đổi trên, chủ sở hữu nhà thường không chấp thuận, dẫn đến không đủ điều kiện cấp phép thành lập trường, không được hưởng chính sách.
KIM HÀ