Dấu ấn anh hùng Hồ Giáo

Thứ sáu, ngày 16/10/2015

(BDO) Nói đến Anh hùng Lao động Hồ Giáo, nhiều cán bộ lão thành cách mạng, người dân tỉnh Sông Bé (trước đây) và Bình Dương vẫn còn in đậm hình ảnh một người nông dân chất phác, hiền hòa, luôn tận tụy với công việc và gắn bó cả cuộc đời mình cho sự nghiệp chăn nuôi trâu, bò.

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng (phải), Anh hùng Lao động Hồ Giáo (giữa), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé Đỗ Văn Nuống (trái) thăm Trung tâm Nghiên cứu đồng cỏ và trâu sữa huyện Bến Cát năm 1980 Ảnh: DUY HIỀN 

Sáng 15-10, sau khi biết tin Anh hùng Lao động Hồ Giáo qua đời, ông Nguyễn Hậu Tài, cán bộ lão thành cách mạng (ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) đã bày tỏ niềm thương tiếc. Ông Tài kể, khoảng cuối thập niên 70 của thế kỷ trước ông làm Trưởng ban Khoa học - Kỹ thuật của tỉnh Sông Bé nên biết rất rõ về Anh hùng Lao động Hồ Giáo. Ít nhất 2 lần ông đã gặp ông Hồ Giáo tại Lai Khê, Bến Cát.

“Lúc đó tôi là cán bộ khoa học - kỹ thuật mới chuyển từ Đà Lạt về tỉnh Sông Bé. Khi hay tin Trung ương cử anh Hồ Giáo về phát triển mô hình chăn nuôi trâu Mura của Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu trâu và đồng cỏ Đông Nam bộ ở xã Lai Khê, huyện Bến Cát ai cũng vui mừng vì tài năng của anh”, ông Tài nói.

Ông Hồ Giáo sinh năm 1930, tại thôn Bình Thọ, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi; tham gia cách mạng năm 1948. Ông là người duy nhất trong ngành chăn nuôi được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động 2 lần vào các năm 1966 và 1986.

Ông Tài cho biết thêm, anh Hồ Giáo là một nông dân hiếm thấy của Việt Nam. Nhiều lần đoàn cán bộ kỹ thuật của tỉnh Sông Bé xuống trại chăn nuôi trâu Mura để tìm hiểu thì luôn thấy ông gần gũi, dễ gần, ông thường trực tiếp cầm những bó cỏ cho đàn trâu ăn. Điều này đã làm cho các thành viên trong đoàn mến phục ông.

Năm 1960, ông Hồ Giáo chuyển ngành từ bộ đội về Nông trường Ba Vì, Hà Tây. Sau những thành công nuôi bò sữa tại Ba Vì, năm 1966 ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 1976, ông chuyển về công tác tại Trung tâm Nghiên cứu trâu và đồng cỏ Đông Nam bộ đặt tại tỉnh Sông Bé. Tại đây, ông đã phát triển đàn trâu Mura lên đến trên 1.000 con, trong đó có con đạt trên 1 tấn thịt. Ngay cả giống cỏ voi mang tên ông lúc bấy giờ cũng phát triển khắp nơi trong tỉnh Sông Bé. Từ đó tạo thành tiếng vang lớn, nhiều đoàn của các địa phương trong cả nước đến học tập, tìm hiểu và áp dụng vào địa phương mình.

Năm 1977, Chính phủ Ấn Độ tặng Việt Nam 502 con trâu giống Mura với mục đích làm sức kéo và lấy sữa, trong đó có 2 con do bà Thủ tướng Indira Gandhi tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sau đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã giao 2 con này cho ông Hồ Giáo chăm sóc và nhân giống. Năm 1986 có nhiều con trong đàn trâu Mura đạt trọng lượng 1 tấn, nhiều con biết tự bước lên cân để kiểm tra trọng lượng khi nghe ông gọi đến tên của nó. Đó là điều hiếm thấy nhất ở Việt Nam và trên thế giới.

Cả đời ông Hồ Giáo 2 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho mỗi công việc là nuôi trâu, bò. Tháng 1-1972, nhà thơ Tố Hữu đã có bài thơ “Gặp anh Hồ Giáo”: Lần trước gặp anh. Chăn bò trên Tam Đảo. Sáng nay lại gặp anh Hồ Giáo. Chăn bò ở Ba Vì. Hỏi anh: Có thú vui gì? Anh cười: Vui thú đời đi chăn bò... Cách mạng cần, việc nhỏ việc to. Đánh Mỹ, nuôi bò, việc gì cũng quý.

Việc ra đi về cõi vĩnh hằng của Anh hùng Lao động Hồ Giáo đã để lại nhiều thương tiếc cho người dân Việt Nam nói chung và người dân tỉnh Bình Dương nói riêng. Ông đến Sông Bé chỉ vài năm nhưng đã truyền đạt và để lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho ngành chăn nuôi của vùng đất này, để rồi sau đó nhiều người chăn nuôi ở đây luôn nghĩ cách làm giàu cho đất nước thông qua ngành chăn nuôi.

 

 

 HỒ VĂN