Dấu ấn 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Thứ tư, ngày 13/09/2023

(BDO) Sau 20 năm triển khai, Ngày hội Đại đoàn kết (ĐĐK) toàn dân tộc đã được tổ chức nề nếp, rộng khắp trong cả nước. Tại Bình Dương, ngày hội góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, củng cố tình làng, nghĩa xóm, phát huy sức mạnh của cộng đồng, tạo sự gắn bó mật thiết giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân.

Nhân dân tham gia tích cực

20 năm qua, việc tổ chức Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc ở các khu dân cư được Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp trong tỉnh tổ chức đều khắp ở các khu dân cư. Việc tổ chức ngày hội thể hiện sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đặc biệt là thu hút sự tham gia tích cực của nhân dân, từ công tác chuẩn bị tổ chức ngày hội đến các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, trong đó nổi bật là các trò chơi dân gian, điệu múa, bài ca của đồng bào dân tộc. Hình ảnh của đồng bào các tôn giáo tổ chức những hoạt động ra quân vệ sinh môi trường, thi nấu ăn, trao tặng quà cho người nghèo… là những dấu ấn đặc biệt của Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc trong 20 năm qua.

Các địa phương chú trọng tổ chức phần hội trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên tham gia trò chơi dân gian tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc khu phố 4, phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một năm 2022. Ảnh: THU THẢO

Tại huyện Bàu Bàng, 20 năm qua, công tác tổ chức ngày hội được phối hợp tổ chức chu đáo, chất lượng tổ chức ngày càng được nâng cao. Theo ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bàu Bàng, thời gian qua Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc tại các khu dân cư được các Ban công tác Mặt trận trên địa bàn huyện xây dựng phù hợp với từng địa phương bảo đảm cả phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng, tập trung ôn lại truyền thống lịch sử của MTTQ Việt Nam; báo cáo kết quả thực hiện các cuộc vận động. Bên cạnh đó là các hoạt động như trao nhà ĐĐK, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tặng quà các gia đình chính sách, biểu dương các tấm gương tiêu biểu, người tốt việc tốt trong khu dân cư… Phần hội có các hoạt động biểu diễn các tiết mục văn nghệ nhằm phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tinh thần văn hóa văn nghệ của nhân dân; tổ chức các trò chơi dân gian… tạo khí thế sôi nổi, vui tươi trong ngày hội.

Bà Trần Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, khẳng định: Ngày hội ĐĐK đã trở thành nét đẹp truyền thống, góp phần đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân. Qua đó, tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nêu cao truyền thống đoàn kết, tinh thần vượt khó. Đây cũng chính là sức mạnh to lớn, là tài sản vô giá để lớp lớp thế hệ hôm nay và mai sau kế thừa và phát huy, tiếp tục sứ mệnh của mình, nuôi lớn khát vọng cống hiến, xây dựng quê hương Bình Dương giàu đẹp, nghĩa tình…

Tương tự, ở huyện Bắc Tân Uyên, các ấp, khu phố tổ chức ngày hội bảo đảm theo yêu cầu phần lễ và phần hội. Cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia ngày hội đạt từ 92% trở lên; trên 60% các khu dân cư tổ chức “Bữa cơm ĐĐK”. Thông qua ngày hội khẳng định sự gắn kết cộng đồng và vai trò tự quản là giá trị xuyên suốt. Cũng từ đó, nhân dân hiểu rõ hơn về nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, phát huy tốt vai trò của từng cá nhân trong việc tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 20 năm qua, MTTQ từ huyện đến cơ sở đã phối hợp cùng chính quyền các địa phương vận động nhân dân đóng góp, bê tông hóa, tu sửa 278 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí hơn 111 tỷ đồng…

Phát huy vai trò tự quản

Tại TP.Thủ Dầu Một, Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc là giải pháp để phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Theo ông Huỳnh Văn Thanh, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Thủ Dầu Một, thời gian qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được triển khai rộng khắp. 20 năm qua, cuộc vận động đã không ngừng được phát huy, mở rộng và ngày càng nâng cao về chất lượng và hiệu quả. Đến nay, thành phố có 1.755 lượt khu dân cư đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa (78%); có hơn 823.000 lượt gia đình được công nhận Gia đình văn hóa (99%); 100% khu dân cư xây dựng, bổ sung quy ước. Tỷ lệ đăng ký thực hiện các danh hiệu Gia đình văn hóa, Khu phố văn hóa, Khu nhà trọ văn hóa, Phường đạt chuẩn văn minh đô thị ngày càng tăng, chất lượng các danh hiệu được nâng cao.

Tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách…

Tại TP.Thuận An, Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc còn là giải pháp để phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư. Trước khi diễn ra ngày hội, thành phố và các xã, phường, khu phố, ấp đều tổ chức thông báo, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân nắm bắt được mục đích, ý nghĩa của ngày hội cũng như Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam. Ngày hội cũng là đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, qua đó từng cá nhân, hộ gia đình tham gia thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do MTTQ và đoàn thể các cấp phát động. Thành phố đã xây tặng 320 căn nhà ĐĐK; sửa chữa 67 căn; tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với hơn 42.000 lượt hộ; tặng quà cho hơn 3.000 lượt em học sinh… Toàn thành phố đã thành lập, duy trì tổ chức và hoạt động 92 tổ tự quản bảo vệ môi trường với hơn 5.400 thành viên tham gia; xây dựng 56 “Tuyến đường văn minh đô thị do MTTQ chủ trì - Nhân dân tự quản”, “Khu phố, ấp không rác”… 

HUỲNH THỦY