Đất nước trọn niềm vui - Bài 22
Bài 22: Bình Cơ, Bình Mỹ - vang dội chiến công
(BDO) Dù cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã lùi xa 40 năm nhưng chiến thắng Bình Cơ, Bình Mỹ vẫn được người dân Bình Dương nhớ mãi. Đây là một chiến công vang dội, có ý nghĩa chiến lược để lực lượng ta vững bước tiến công giải phóng tỉnh lỵ cũng như Sài Gòn.
Bộ mặt nông thôn của Bình Mỹ hôm nay đã có nhiều đổi thay
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại Bình Mỹ, nay thuộc huyện Bắc Tân Uyên có 2 ấp chiến lược án ngữ phía Đông - Bắc Thủ Dầu Một là Bình Mỹ, Bình Cơ. Vị trí này lúc đó như một cửa ngõ, đại quân ta nếu muốn tiến vào giải phóng Thủ Dầu Một và tiến công vào giải phóng Sài Gòn từ phía Tây Bắc đều phải vượt qua cửa ngõ này. Do án ngữ vị trí quan trọng nên địch đã xây dựng ở Bình Mỹ 3 đồn hình tam giác kiên cố, trong đó đồn ở ấp 2 là sở chỉ huy tiểu đoàn địch. Tại đây, địch điều tiểu đoàn bảo an 306, một đơn vị mạnh về phòng thủ. Ở mỗi đồn, chúng đều bố trí một đại đội với quân số, vũ khí đầy đủ. Trong thế kìm kẹp của địch, quân, dân xã Bình Mỹ vẫn kiên cường đấu tranh, bám trụ xóm làng. Nhân dân tại đây đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh với địch như chống lại cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân xã bằng hình thức xé phiếu bầu cử, gạch xóa cho phiếu bầu trở nên không hợp lệ, thậm chí dùng nước cốt trầu bôi lên phiếu bầu và nhiều người cố tình trì hoãn, đến trễ giờ bỏ phiếu.
Ngày 26-4-1975, khi tiếng súng mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, 5 binh đoàn cơ động chiến lược của ta từ 5 hướng đánh vào Sài Gòn. Trên đường tiến quân vào nội ô, các binh đoàn lần lượt đập tan các tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, hỗ trợ cho lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương giải phóng quê hương. Ở hướng Bắc, sau khi tổ chức vượt sông Bé ở bến Bàu, Sư đoàn 312 và Sư đoàn 320 B đã sẵn sàng ở vị trí tập kết chờ lực lượng Tiểu đoàn Phú Lợi 2 đánh phá 2 ấp chiến lược Bình Mỹ, Bình Cơ. Tại hội nghị bàn phương án tác chiến mở cửa Bình Mỹ, Bình Cơ giữa Bộ Tư lệnh Sư đoàn 312 và Ban Chỉ huy tiền phương Tỉnh đội Thủ Dầu Một, sư đoàn sẽ tăng cường cho Tiểu đoàn Phú Lợi 2 một đại đội bộ binh và 2 khẩu đội ca nông 85 nòng dài. Nhưng sau khi thảo luận, thấy khả năng Tiểu đoàn Phú Lợi 2 có thể một mình giải quyết trận đánh nhanh gọn nên việc đánh Bình Mỹ, Bình Cơ giao cho Tiểu đoàn Phú Lợi 2 đảm nhiệm. Sư đoàn chỉ tăng cường 2 khẩu ca nông 85 và 3 khẩu cối 120 ly. Đại đội 5 được giao nhiệm vụ đánh đồn ấp 1, Bình Mỹ; Đại đội 6 đánh đồn ấp 2, cũng là Sở chỉ huy tiểu đoàn bảo an 306; Đại đội 7 tiến công đồn ấp 3, Bình Cơ. Các đại đội đều có du kích xã phối hợp tác chiến nhịp nhàng.
Đại tá Lê Viết Viên, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 nhớ lại: “Lúc này một tiểu đoàn của Trung đoàn 141 cùng với một đại đội xe bọc thép phối hợp với pháo binh và Tiểu đoàn Phú Lợi 2 được giao nhiệm vụ luồn sâu, đánh địch tại cụm cứ điểm Bình Cơ, Bình Mỹ và chuẩn bị một lực lượng trên đường 16 để chặn địch tháo chạy, khai thông trục đường số 16, tạo điều kiện cho mũi thọc sâu của quân đoàn chiếm lĩnh vị trí xuất phát, tiến công vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy”.
18 giờ ngày 26-4, đội hình bộ binh và xe tăng của Sư đoàn 312 đã nhích dần lên chỉ cách Bình Mỹ 1km chờ mở thông cửa là tiến quân. Đến 19 giờ, khẩu ca nông 85 nòng dài và 3 khẩu cối 120 nhả đạn dữ dội vào sở chỉ huy địch ở đồn ấp 2, Bình Mỹ làm sập các lô cốt địch. Cùng lúc các Đại đội 5, 6, 7 đồng loạt xung phong. Trước uy lực của pháo bắn thẳng, cối hạng nặng và khí thế xung phong áp đảo của các chiến sĩ, cả Tiểu đoàn bảo an 306 ở 3 đồn không chịu nổi đã bỏ chạy, nhiều tên hạ súng đầu hàng. Tên tiểu đoàn trưởng bỏ mạng ngay từ loạt pháo 85 đầu tiên. Bình Cơ, Bình Mỹ bị mất, toàn bộ lực lượng địch chốt dọc đường 16 hoảng loạn tháo chạy về Sài Gòn, cánh cửa phía Tây Bắc Sài Gòn và phía Đông - Đông Bắc Thủ Dầu Một đã được mở toang.
Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng chiến thắng Bình Cơ, Bình Mỹ vẫn được nhiều người nhắc nhở. Đây là chiến công vang dội, có ý nghĩa chiến lược để lực lượng ta tiến bước giải phóng Sài Gòn. Phát huy truyền thống cách mạng, giờ đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Mỹ đang tích cực ra sức thi đua để đưa địa phương ngày càng phát triển. Hạ tầng kinh tế - xã hội của Bình Mỹ hôm nay đã được đầu tư xây dựng, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên là những điều dễ dàng nhận thấy rõ nhất khi đến thăm lại vùng đất anh hùng này.
Bài 23: Tân Uyên - vùng đất kiên cường
CAO SƠN - KIẾN GIANG