Đất nước khắc ghi dáng hình của mẹ
Trong chiến tranh, các mẹ hy sinh tình riêng khi các con mình quyết định đi theo cách mạng. Bản thân các mẹ còn tham gia tiếp tế, nuôi giấu cách mạng. Chiến tranh đã lùi xa, nỗi đau mất chồng, mất con của những người vợ, người mẹ đã dần nguôi ngoai…
Vui vì con biết đến nghĩa lớn
Một chiều đầu năm 2015, chúng tôi có dịp về thăm mẹ Lê Thị Lãnh, sinh năm 1926. Mẹ Lãnh có tất cả 11 người con, trong đó có 5 người thoát ly theo cách mạng. Hiện mẹ đang sống cùng gia đình người con trai út ở ấp Tân Phú, phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên. Mẹ bảo, niềm vui của mẹ trong những ngày xế chiều chính là luôn có con cháu bên cạnh, hiếu thảo với mẹ và sống hòa thuận với nhau.
Dù luôn được con cháu quan tâm, chăm sóc, nhưng nỗi nhớ về 2 người con đã hy sinh trong mẹ không bao giờ nguôi. Trong căn nhà nhỏ giữa cánh rừng cao su ở ấp Tân Phú, kể cho chúng tôi về 2 trong 5 người con thoát ly theo cách mạng và đã hy sinh nơi chiến trường. Hồi đó, gia đình mẹ ở xã Phú Chánh, nhưng vì con đông nên phải đến xã Tân Hiệp làm ruộng để nuôi con. Chồng mẹ từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Mẹ thường hay dẫn những người con lớn đi làm rẫy, làm ruộng. Các anh chị rất chăm chỉ, nhanh nhẹn và sớm giác ngộ cách mạng. “Không biết chúng quen ai dẫn dắt đi không, nhưng đứa thứ 2, rồi đứa thứ 4, thứ 5, thứ 6 và thứ 7 đều trốn mẹ đi theo cách mạng. Lúc chúng trốn đi mẹ có biết gì đâu, chờ mấy ngày không thấy con về là biết chúng theo cách mạng rồi nên mình cũng yên tâm”, mẹ Lãnh kể.
Người con thứ 4 của mẹ, anh Nguyễn Văn Báo tham gia cách mạng từ năm 1960. Sinh ra và lớn lên trong thời buổi chiến tranh, từ nhỏ anh Báo đã chứng kiến được bao cảnh đau thương, khổ cực mà bọn giặc Mỹ đã gây ra cho bà con trên quê hương mình. Một ngày nọ, đang đi chăn trâu anh trốn vào rừng và theo cách mạng từ đó. Mẹ Lãnh nói, không nhớ rõ nhưng lúc đó anh Báo chỉ mới mười mấy tuổi. Mấy năm bặt tin con, mẹ được bà con cho hay, anh Báo đang công tác ở đơn vị 303 ở khu vực Tân Uyên. Nhận được tin con, mẹ mừng lắm: “Lúc mới đi nó còn nhỏ, mấy năm sau chắc lớn rồi nên mấy chú cách mạng đã cho nó cầm súng đánh giặc rồi đây”. Lòng mẹ thấy vui hơn vì con mình đã trưởng thành và biết làm công việc có ích cho quê hương. Mẹ có đến thăm anh Báo một lần và sau đó, mẹ nhận được hung tin anh đã hy sinh. Đó là ngày 30-12-1969, anh hy sinh khi đang làm tiểu đội trưởng.
Người con thứ 6 của mẹ là anh Nguyễn Văn Ri, cũng tiếp bước con đường cách mạng mà cha mình trước đây và các anh, chị đã chọn. Mẹ kể, một ngày vào năm 1972, đang đi làm ruộng ngoài đồng, nó trốn mẹ đi theo cách mạng lúc nào không hay. Nghe nói, nó công tác ở đơn vị C62 ở huyện Tân Uyên, nhưng mẹ chưa có dịp đi thăm nó lần nào. Năm 1973, mẹ nhận được tin báo anh Ri đã hy sinh. Mẹ chỉ nghe mấy anh em đi công tác chung với con về kể lại. Lúc đó, anh Ri cùng đơn vị tham gia một trận đánh ở vùng Tân Khánh. Trên đường đánh trận trở về thì hy sinh do nổ trái B40, đó là ngày 10- 8-1973.
Nỗi đau mất con như cắt từng khúc ruột, tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng vì các con còn sống, mẹ lại gắng gượng dậy để tiếp tục cuộc sống, nuôi các con nên người. Vừa tham gia lao động sản xuất, mẹ vừa tham gia tiếp tế, nuôi giấu cán bộ cách mạng. “Hồi đó, mấy chú bộ đội hành quân, nghỉ chân ở cánh rừng gần nơi gia đình mẹ làm ruộng. Một lần, mẹ vô rừng bẻ măng thấy mấy chú bộ đội trong đó. Mẹ về nhà xúc gạo nấu cơm, lấy thêm nước mắm, mắm nêm quay gánh vào rừng cho mấy chú ăn để có sức chiến đấu”, mẹ Lãnh kể. Mẹ còn mang gạo, mắm tiếp tế cho lực lượng du kích địa phương. Sau này, mẹ còn nuôi giấu nhiều đoàn cán bộ thành lên công tác. “Chắc mình là người tốt nên ai cũng tin tưởng. Mỗi lần, mấy chú cán bộ cách mạng dưới Sài Gòn lên đây công tác, mẹ vừa tham gia nuôi giấu, gửi họ cho những nhà dân tin tưởng, vừa làm liên lạc cho họ. Thời đó, khoảng những năm 60 nhưng năm nào mẹ không nhớ rõ”, mẹ Lãnh nhớ lại.
2 người con của mẹ đã hy sinh là anh Nguyễn Văn Báo, Nguyễn Văn Ri đều được công nhận liệt sĩ. Riêng bản thân mẹ, bây giờ cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Mẹ bảo: “Mất con ai không đau đớn, nhưng con mẹ hy sinh vì nghĩa lớn nên mẹ cũng được an ủi phần nào. Bây giờ Nhà nước còn quan tâm đến mẹ như thế này, mẹ thấy rất vinh dự. Vinh dự cho bản thân mình thì ít, mà vinh dự vì có 2 người con hy sinh vì độc lập của dân tộc thì nhiều…”.
Các con của mẹ vẫn sống trong lòng đất nước
Chiến tranh đã đi qua, nhưng hồi ức về những mất mát, đau thương vẫn còn đó. Biến đau thương thành sức mạnh là những gì mà chúng tôi cảm nhận được khi có dịp trò chuyện cùng mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngâu. Mẹ sinh năm 1925, quê ở xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng.
Sắp bước qua tuổi 90, mẹ không còn nhớ được nhiều nhưng qua lời kể của người con trai thứ 7, anh Trần Văn Cửa cũng giúp chúng tôi hình dung được phần nào công lao to lớn của mẹ. Mẹ có 10 người con, trong đó có 2 người là liệt sĩ, anh Trần Văn Cửa cũng đi bộ đội C64 Dầu Tiếng, hiện là thương binh. Ngót nghét cũng đã 46 năm trôi qua kể từ khi người con trai thứ 4 là anh Trần Văn Sắc hy sinh. Lúc còn nhỏ ở nhà anh Sắc đã hăng hái tham gia du kích xã Thanh An. Năm 1960, lúc bước qua tuổi 17, anh chính thức lên đường nhập ngũ vào bộ đội C61 Dầu Tiếng. Năm 1969, thời gian địch phản công quyết liệt ở chiến trường Đông Nam bộ, trong đó có vùng trọng điểm Bến Cát - Dầu Tiếng. Chúng dùng bom pháo, rải thảm chất độc ở cả vùng ven, vùng trung tuyến và căn cứ phía sau của ta hòng ngăn chặn ta tiếp tục tấn công vào Sài Gòn và hỗ trợ cho chương trình “bình định cấp tốc” ở vùng ven. Quân và dân ta đã chiến đấu vô cùng anh dũng, trong đó có người con của mẹ, chiến sĩ quả cảm Trần Văn Sắc và anh đã ngã xuống trong trận chiến ác liệt này. Cầm trên tay tờ giấy báo tử, dẫu biết chiến tranh sinh tử cách nhau trong gang tấc nhưng nỗi đau của một người mẹ mất đi “núm ruột” của mình vẫn không gì tả nổi. Nén nỗi đau vào lòng, mẹ tiếp tục hăng hái lao động sản xuất, nuôi dạy các con trưởng thành.
Người con thứ hai của mẹ là Trần Văn Bìa, chiến sĩ an ninh Quân khu 1, tham gia chiến đấu năm 1963. Năm 1970, anh đã anh dũng hy sinh. Chỉ trong vòng một năm, mẹ đã mãi mãi mất đi hai người con. Chưa bao giờ mẹ cảm nhận rõ nỗi đau, nỗi mất mát chiến tranh lớn đến thế. Nhưng rồi mẹ tự nhủ rằng, các con mẹ vẫn sống trong lòng đất nước, nhân dân và trong lòng mẹ.
Những năm chiến tranh, Thanh An là một trong những vùng đất bị địch đánh phá ác liệt, nhưng người dân nơi đây vẫn kiên quyết bám đất bám làng. Mẹ cùng với dân làng đào hầm, tiếp tế lương thực cho bộ đội. Mẹ coi các chiến sĩ như con của mẹ. Mẹ nấu cho các anh ăn, vá áo cho các anh mặc, lo cho các anh ngủ.
Tuy vậy, điều làm mẹ vẫn luôn day dứt đó cho đến nay là mẹ vẫn chưa biết được hài cốt của các con hiện đang ở đâu. Mẹ và gia đình vẫn mong mỏi được một lần thắp nén hương trên mộ các anh. Trong làn hơi khó nhọc mẹ vẫn cầm tay chúng tôi dặn dò: “Có được ngày hôm nay các con phải biết nhớ tới thế hệ cha anh đã đổ bao mồ hôi, xương máu. Các con hãy học tập và làm việc thật tốt để xứng đáng với những gì mà thế hệ trước đã cống hiến cho Tổ quốc”.
Chia tay mẹ lòng chúng tôi rưng rưng, bỗng nhớ tới những câu thơ trong bài Đất nước của Tạ Hữu Yên đã được phổ nhạc thành bài hát cùng tên: “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu. Nghe nặng nỗi đau của mẹ. Ba lần tiễn con đi. Hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về lòng mẹ lặng im”. Với mẹ, chúng tôi cảm nhận được một đức hy sinh và một tấm lòng nhân hậu còn hơn thế.
H.NGỌC-H.THỦY