Đặt kỳ vọng từ những chỉ số tăng trưởng tích cực

Thứ năm, ngày 14/12/2023

(BDO) Khó khăn, thách thức đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vẫn còn nhưng đã xuất hiện tín hiệu tích cực trong những tháng cuối năm. Sự nỗ lực và quyết tâm của cộng đồng DN trong việc duy trì sản xuất, cải tiến công nghệ, tiếp cận và đa dạng thị trường mới là nền tảng trọng tâm để vững tin bước vào năm 2024.

 Lãnh đạo ngành công thương thăm, nắm bắt tình hình hoạt động của DN trên địa bàn TP.Dĩ An

 Kinh tế chuyển biến tốt

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2023, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 5,97%, GRDP bình quân đầu người đạt 172 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng 66,26% - 23,71% - 2,64% - 7,39% (kế hoạch 67,0% - 23,09% - 2,49% - 7,42%).

Điểm sáng rõ nét nhất là tăng trưởng kinh tế (GRDP) có sự chuyển biến tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của toàn nền kinh tế, chiếm 66,26% tỷ trọng, đóng góp khoảng 70% vào tổng giá trị tăng thêm. Cơ cấu nội ngành công nghiệp cơ bản có chuyển biến tích cực, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng, các ngành thâm dụng lao động chuyển sang công nghiệp công nghệ cao. Tuy vẫn còn nhiều DN bị cắt giảm đơn hàng, phải thu hẹp quy mô, song với sự nỗ lực cao độ từ các cấp chính quyền, DN, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 5,95% so với năm trước.

Theo ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn DN tỉnh, trước khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới, chi tiêu thắt chặt nên đa số các mặt hàng xuất khẩu đều khó khăn, kéo theo tăng trưởng công nghiệp năm 2023 thấp hơn so với cùng kỳ. Tuy vậy, chỉ số tăng trưởng này cũng là con số ghi nhận sự cố gắng của cộng đồng DN trong hành trình vượt khó, duy trì sản xuất. Quý IV, đà phục hồi nhanh ở hầu hết các ngành nhờ nỗ lực mở rộng sản xuất, kinh doanh của các DN, bù lại khoảng thời gian bị ảnh hưởng về đơn hàng.

Trong khó khăn chung, cộng đồng DN đã có quyết tâm cao để vượt lên. Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, chia sẻ năm 2023 là một năm có nhiều biến động, nhiều ẩn số khó lường, công ty xác định đầu ra cho sản phẩm là quan trọng nhất. Mặc dù thương hiệu Tôn Đông Á gồm tôn kẽm, tôn màu, tôn lạnh… đã được xuất khẩu sang thị trường của 50 quốc gia trên thế giới, song do ảnh hưởng của chiến tranh, lạm phát, công ty cũng mất đi nhiều đơn hàng. Sức mua thị trường trong nước giảm 30%, Tôn Đông Á bù đắp bằng cách tăng vị thế ở thị trường xuất khẩu. Trước tình hình này, công ty đã có những cách làm sáng tạo, linh hoạt để tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, duy trì việc làm ổn định cho công nhân. Đặc biệt, công ty cũng đã ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất để tăng năng suất lao động.

Ông Hồ Phi Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam, chia sẻ năm 2023, công ty gặp nhiều khó khăn về đơn hàng. Với thị trường trong nước, để có đơn hàng, công ty tăng cường đội ngũ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm ở tất cả công trình đang xây dựng. Những công trình gặp khó về chi phí thì công ty hỗ trợ cho trả sau nhằm lấy đơn hàng để công nhân có việc làm. Hiện công ty đang có chiến lược xuất khẩu thay vì chỉ cung ứng cho nội địa. “Nhựa Tiền Phong hiện đang xuất khẩu một số phụ kiện qua Anh, Úc, Đức. Công ty cũng đang dự định làm một số sản phẩm mới chuyên dùng xuất khẩu. Khả năng đến cuối năm 2024 sẽ xuất đi Mỹ”, ông Hồ Phi Hải cho biết.

Chủ động nắm bắt cơ hội

Theo đánh giá của cộng đồng DN, dù thị trường nhiều tiềm năng, nhưng đà tăng của DN vẫn sẽ còn lực cản khi phải đối mặt với những vấn đề như gián đoạn nguồn cung hàng hóa, biến động giá nguyên vật liệu, biến động tỷ giá và sự bất ổn định trong dòng tiền của DN. Khó khăn là rõ ràng nhưng đây là bước thử lửa, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Hiện những vấn đề khó dự báo, cùng với sự biến động của thị trường bên ngoài, đòi hỏi sự nhanh nhạy của các DN, nhất là vào dịp cuối năm. Cộng đồng DN nỗ lực theo hướng đổi mới sáng tạo, đột phá trong hợp tác về khoa học công nghệ để phát triển bền vững.

Ở góc nhìn rộng hơn, ông Mai Hữu Tín nhận định: “Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới mang tính đột phá, đưa sản phẩm hàng hóa Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Việt Nam đang trở thành tâm điểm để các đối tác bên ngoài chú ý tới nhiều hơn. Chúng ta tự tin rằng năm 2024 sẽ là đón nhận nhiều thành tựu vượt bậc hơn so với năm 2023”.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Tỉnh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tốt hơn, tạo ra môi trường thuận lợi hơn để thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức gặp gỡ các đơn vị, hiệp hội, ngành hàng, chủ đầu tư để cùng trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từ đó tạo môi trường thuận lợi nhất để DN phát triển trong giai đoạn tới.

TIỂU MY - CẨM TÚ