Đất anh hùng nở hoa
(BDO) Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Chiến khu Đ luôn là nỗi kinh hoàng đối với kẻ thù bởi “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”. Và hôm nay đây, TX.Tân Uyên một địa phương của Chiến khu Đ vẫn giữ vững truyền thống quý báu đó để vượt qua mọi thử thách, bứt phá, vươn mình mạnh mẽ. Vùng đất anh hùng lại nở những mùa hoa tươi thắm.
Một góc đô thị TX.Tân Uyên
Tự hào quê hương “đặc công”
Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, với địa hình rừng rú hiểm trở, Chiến khu Đ đã trở thành mật khu căn cứ, nơi trú giấu lực lượng, kho tàng dự trữ vũ khí, lương thực và phát triển mọi hoạt động của cách mạng. Ngoài việc giữ vị trí chiến lược nối nhiều chiến trường ở Nam bộ và là “trạm trung chuyển” quan trọng từ miền Bắc vào miền Nam, Chiến khu Đ còn là ưu thế của một “bàn đạp” tấn công vào các mục tiêu chính trị, quân sự, kinh tế của địch ở Sài Gòn và nhiều tỉnh miền Đông Nam bộ.
Với vị trí chiến lược của mình, Chiến khu Đ được coi như một “trung tâm kháng chiến”, là nơi ra đời của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ, đã lập nên những chiến công vang dội, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của cả nước trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong đó phải kể đến một trận đánh đặc biệt, thể hiện cho tinh thần mưu trí sáng tạo, quyết đánh, quyết thắng của lực lượng ta mãi đi vào lịch sử - đó là trận đánh Tháp canh cầu Bà Kiên ngày 19-3- 1948. Sau đó, ngày này được chọn là Ngày truyền thống của Binh chủng Đặc công, một lực lượng “chân trần, chí thép”. Và người có công đầu trong việc xây dựng, hình thành lối đánh đặc công không ai khác chính là Đại tá Trần Công An (còn gọi là Hai Cà), người con ưu tú của xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên.
“Thang tre lựu đạn tung đồn bốt/ Mở lối đặc công cách đánh hay/ Sân bay Biên Hòa trên họng pháo/ Kho Long Bình trong túi đặc công/ Bao mùa chiến dịch ghi chiến tích/ Hòa cùng truyền thống đất miền Đông”. Đây là những câu thơ khắc họa hình ảnh của chàng trai Trần Văn Kìa (tức Trần Công An, Hai Cà). Ông thoát ly theo cách mạng từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, luôn nung nấu ý chí giải phóng quê hương.
Theo sử sách còn ghi lại, đêm 18 rạng sáng 19-3-1948, ông Hai Cà chỉ huy một tổ gồm 2 du kích Trần Văn Nguyên và Hồ Văn Lung bí mật xâm nhập trận địa. Phía bên ngoài, ông cử 2 du kích Nguyễn Văn Ai và Trần Văn Hỏi làm nhiệm vụ cảnh giới. Nhờ ngụy trang tốt và giữ được yếu tố bất ngờ, cả 3 người xâm nhập thành công vào trận địa cùng với chiếc thang dùng để leo tường. Theo sự phân công, du kích Nguyên leo lên tầng tháp trên, du kích Lung leo lên tầng giữa, ông Hai Cà ở tầng dưới vừa đánh vừa chỉ huy, mỗi người thống nhất ném vào mỗi lỗ châu mai 3 quả lựu đạn. Sau khi ném 3 quả lựu đạn, nghi bọn địch chưa chết hết, ông Hai Cà “tặng” chúng thêm một khối thuốc nổ. Sức nổ quá mạnh khiến ông bị thương, nhưng trận đánh đã giành thắng lợi lớn, ta tiêu diệt 11 tên địch, thu 8 súng và 20 lựu đạn.
Từ kinh nghiệm đó, tháng 11- 1949, Bộ Chỉ huy Khu 7 tổ chức hội nghị chuyên đề về đánh tháp canh, ông Hai Cà được chọn báo cáo kinh nghiệm và cách đánh tháp canh của địch. Sau hội nghị này, Bộ Tư lệnh Khu 7 rút ra được nhiều kinh nghiệm chỉ đạo và kết luận ta có thể đánh tháp canh với điều kiện phải làm tốt công tác điều nghiên, áp sát tháp canh một cách bí mật, đồng thời phải có vũ khí với sức công phá mạnh để đánh tháp. Sau này, ngày 19-3 được chọn là Ngày truyền thống Bộ đội Đặc công.
Sức sống mới
Theo dòng chảy của lịch sử, chiến tranh lùi xa, TX.Tân Uyên - Chiến khu Đ năm xưa đang chuyển mình mạnh mẽ. TX.Tân Uyên được thành lập là bước ngoặt của sự phát triển kinh tế - xã hội, đô thị, tạo động lực thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân. Đến cuối năm 2018, Tân Uyên đã trở thành đô thị loại III. Việc trở thành đô thị loại III sau chưa đầy 5 năm chia tách đã khẳng định vị thế, tầm vóc của thị xã, mở ra nhiều cơ hội phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội.
Di tích bia chiến thắng Tháp canh cầu Bà Kiên trên địa bàn phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên
Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Bí thư Thường trực TX.Tân Uyên, đánh giá trong nhiệm kỳ 2015-2020, các chỉ tiêu nghị quyết của TX.Tân Uyên đã cơ bản hoàn thành, đạt và vượt. Cơ cấu kinh tế của thị xã chuyển dịch theo đúng định hướng, tốc độ tăng trưởng của các ngành công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp tăng dần theo từng năm. Các ngành công nghiệp chủ lực của thị xã tiếp tục duy trì và phát triển ổn định. Thu hút đầu tư được thực hiện tốt; đầu tư hạ tầng kinh tế - kỹ thuật được chú trọng, nhất là các công trình trọng điểm, kết nối với các địa phương đang phát triển, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ - thương mại. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân từng bước được cải thiện. Quốc phòng - an ninh được giữ vững và ổn định; việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân, xây dựng khu vực phòng thủ được củng cố, phát triển ngày càng vững chắc; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn bảo đảm ổn định, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Song song đó, công tác xây dựng Đảng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ thị xã tiếp tục được nâng lên. Hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng. Tinh thần trách nhiệm, tác phong trong công tác và ý thức rèn luyện, giữ gìn đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu được nâng lên; tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân ổn định, tin tưởng vào đường lối đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước...
Phát huy truyền thống cách mạng của vùng đất Chiến khu Đ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX.Tân Uyên không ngừng đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm đưa địa phương tiến nhanh về mọi mặt theo đúng định hướng, làm nên sự đổi thay tích cực của một vùng đất giàu truyền thống này.
THU THẢO