Đào tạo theo nhu cầu xã hội: Đôi bên cùng có lợi
Ngày hội việc làm giúp sinh viên sau tốt nghiệp có cơ hội tìm được việc làm phù hợp
Thay đổi ngành nghề đào tạo
Đã qua rồi cái thời các trường chỉ chuyên đào tạo những ngành nghề truyền thống. Trước sự ra đời ồ ạt nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội, cũng như xu hướng phát triển ở một số lĩnh vực, các trường chuyên nghiệp đã thoát ra khỏi cái bóng của mình và bổ sung thêm ngành đào tạo cho phù hợp với nhu cầu xã hội. Chỉ tính trên địa bàn tỉnh, nếu như ngày trước, chỉ vài trường đào tạo khối ngành kinh tế, tài chính ngân hàng, thì nay đa số các trường đại học (ĐH), cao đẳng, TCCN có mở các ngành này. Đây là xu hướng tất yếu cho sự phát triển như nấm của hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Tương tự, trong bối cảnh mạng lưới y tế tư nhân phát triển nhanh chóng, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, thì nguồn nhân lực ở ngành này thiếu trầm trọng. Tỏ ra linh động và nhạy bén, các trường như: ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, Trung cấp Bách khoa Bình Dương đã mạnh dạn mở các ngành y, dược. Từ khi mở những khối ngành này, ở mỗi kỳ tuyển sinh các trường luôn tuyển đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Ngày nay, mạng lưới trường học công lập và tư thục ở các cấp học phát triển nhanh chóng, hàng năm ngành GD-ĐT tuyển vài ngàn chỉ tiêu, nhưng gần như không năm nào tuyển đủ, thiếu nhiều nhất là giáo viên mầm non. Không bỏ qua cơ hội này, ngoài trường ĐH Thủ Dầu Một, một số trường khác cũng có bổ sung thêm ngành sư phạm tiểu học, sư phạm mầm non với hàng trăm chỉ tiêu mỗi năm. Ông Huỳnh Văn Trọng, Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế - Công nghệ Đông Nam chia sẻ: “Khi mở 2 ngành này, chúng tôi đã nghiên cứu thị trường kỹ càng. Cho đến giờ này có thể nói trường đã thay đổi đúng hướng, các ngành sư phạm đã thu hút lượng lớn học sinh theo học”.
Theo thạc sĩ Trần Minh Đức, ĐH Thủ Dầu Một thì để tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa cơ sở đào tạo với các đối tượng sử dụng lao động, đặc biệt là các DN đầu tiên phải nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn và xu thế phát triển của thị trường lao động. Trong thời gian qua, nhiều trường ĐH chỉ đào tạo những cái mình có mà chưa chú ý đến nhu cầu, yêu cầu của thị trường lao động trong thực tiễn hiện tại và tương lai. Khi hợp tác với các DN, nhà trường sẽ nắm bắt được thông tin đầy đủ, chính xác về nhu cầu, yêu cầu thị trường lao động để xây dựng và kiểm định chương trình đào tạo; theo dõi tình hình việc làm sinh viên (SV) sau khi tốt nghiệp; đánh giá của DN về các sản phẩm đào tạo của nhà trường, để từ đó có những điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động.
Đẩy mạnh liên kết đào tạo
Trước sự ra đời ngày càng nhiều trường ĐH, cao đẳng, TCCN, các trường đã cung cấp cho xã hội một số lượng lớn nguồn nhân lực. Chính nguồn cung nhiều sẽ là cơ hội tốt để các DN sàng lọc những người gạo cội. Để tạo uy tín cho xã hội, các trường đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của DN.
Ngay từ những năm đầu thành lập, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ cán bộ giảng viên, trường ĐH Thủ Dầu Một cũng đã đặt mối quan hệ với các DN, công ty nhằm phục vụ cho công tác đào tạo. Theo ông Ngô Hồng Điệp, Trưởng phòng GD-ĐT nhà trường, mối quan hệ hợp tác đào tạo giữa trường và đơn vị sử dụng lao động thông qua nhiều hình thức, như: đưa SV đến cơ sở thực tập, thỉnh giảng, hội thảo, hội nghị... Trong đó, việc phối hợp với đơn vị sử dụng lao động trong việc tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, thực hành rất quan trọng. Bởi vì, qua đó giúp SV, giảng viên của trường có dịp cọ xát với thực tế, giúp nhà trường bổ sung phần thực tế vào chương đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo cơ hội việc làm cho SV. Thời gian qua, hầu hết SV tốt nghiệp ra trường đều có việc làm…
Ngoài việc cung cấp cho SV các kiến thức chuyên môn, các trường còn trang bị cho các em kiến thức về tin học, tiếng Anh qua những chứng chỉ, bằng cấp tùy từng cấp học các em được đào tạo. Ông Trần Thanh Vũ, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương còn cho biết, trường còn chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho SV. Tham gia những khóa học này, SV được trang bị các kỹ năng: học và tự học, tư duy sáng tạo, lập kế hoạch và tổ chức công việc, kỹ năng lắng nghe, thuyết trình, giao tiếp và ứng xử, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, đàm phán… Ở trường ĐH Bình Dương cũng vậy, để tăng thêm uy tín cho nhà trường, ngoài những công việc như các trường đã làm, trong năm nay trường còn tổ chức cho SV ĐH và cao đẳng khóa I kiến tập ở các DN. Đây là năm đầu tiên trường tổ chức chương trình kiến tập cho SV, nhằm giúp các em làm quen với công việc trong tương lai và biết DN muốn gì, cần gì ở nhân viên mới, từ đó các em chuẩn bị kiến thức, hành trang vững vàng trước khi vào đời. Trong tháng 11 vừa qua, trường đã ký kết hợp tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực theo nhu cầu DN với gần 40 DN. Theo đó, nhà trường sẽ điều chỉnh chương trình đào tạo, bổ sung một số môn học tự chọn đào tạo theo nhu cầu DN; bồi dưỡng một số kỹ năng cho SV; tổ chức cho SV kiến tập; cung ứng lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có phẩm chất đạo đức và tác phong công nghiệp.
Vài năm trở lại đây, mỗi đợt trao bằng tốt nghiệp cho SV, các trường còn phối hợp tổ chức ngày hội việc làm, với sự tham gia của nhiều DN trong và ngoài tỉnh. Đây là dịp để DN tuyển chọn những ứng viên đáp ứng được yêu cầu công việc, các SV có cơ hội tìm được việc làm phù hợp với sở thích và ngành nghề đào tạo. Do vậy, để đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa DN và các trường đòi hỏi cơ sở đào tạo phải chủ động tìm đến DN. Các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan cần tiếp tục tạo cơ hội để cơ sở đào tạo và DN xích lại gần nhau hơn, thông qua các hội thảo, hội nghị, sàn giao dịch việc làm... Có như vậy, uy tín và thương hiệu của nhà trường tăng lên trong DN và xã hội. Còn DN sẽ tuyển dụng được nguồn nhân lực có chất lượng, lại vừa giảm bớt thời gian và chi phí đào tạo lại.
A.SÁNG - N.THANH