Đào tạo thế hệ công dân số
Cuộc thi “Sáng tạo Robotics và Trí tuệ nhân tạo” tỉnh Bình Dương lần thứ 2, năm 2024 vừa khép lại nhưng đã mở ra cánh cửa trong việc thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo cho học sinh các cấp khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thời gian qua, để kịp thời đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp số, bên cạnh các giải pháp khác, tỉnh Bình Dương cũng đang đổi mới mạnh mẽ các chương trình giáo dục, khởi nghiệp và phát triển khoa học, công nghệ.
Có thể thấy, song song với các phương pháp giáo dục truyền thống, thời gian qua, việc dạy và học theo phương pháp giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) ở Bình Dương đã dần khẳng định tầm quan trọng. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay từ năm học 2023-2024, Bình Dương đã triển khai thí điểm giáo dục STEM ở một số cơ sở giáo dục, sau đó triển khai đại trà tại tất cả các trường tiểu học trên toàn tỉnh vào năm học 2024-2025. Mô hình giáo dục này được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm trang bị nhiều kỹ năng mềm cần thiết cho học sinh, như kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện và làm việc nhóm...
Nhằm phục vụ chiến lược lâu dài để cạnh tranh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số, việc đầu tư vào nguồn lực con người, đặc biệt là thế hệ trẻ đã được tỉnh đặc biệt chú trọng. Cùng với nhiều phương pháp đào tạo khác, cuộc thi Sáng tạo Robotics và Trí tuệ nhân tạo tỉnh Bình Dương qua 2 lần tổ chức được xem là một điểm nhấn thúc đẩy tinh thần sáng tạo; đồng thời, qua đó giúp nâng cao năng lực về khoa học, công nghệ và trí tuệ nhân tạo cho học sinh, sinh viên trong tỉnh. Đây là sân chơi tạo ra một thế hệ trẻ sẵn sàng đối mặt với các thách thức và cơ hội của thời đại 4.0; là bước đi tiên phong của tỉnh trong việc xây dựng nền tảng cho thế hệ trẻ bước vào kỷ nguyên số.
Tham dự vòng chung kết cuộc thi “Sáng tạo Robotics và Trí tuệ nhân tạo” tỉnh Bình Dương lần thứ 2, bên cạnh động viên để các em học sinh phát huy tài năng, trí tuệ, Bí thư Tỉnh ủy còn yêu cầu ngành giáo dục, khoa học công nghệ và các ngành liên quan tập trung nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, cần nghiên cứu đưa vào giảng dạy công nghệ số từ các cấp tiểu học, để các em làm quen từ nhỏ và đào tạo lớp công dân số trong tương lai. Các trường đại học cùng với các sở, ngành nghiên cứu, hiến kế, đóng góp xây dựng các chính sách đặc thù của tỉnh để thu hút các ngành công nghiệp mới…
Kết quả từ cuộc thi cho thấy, việc trang bị kỹ năng số cho học sinh ngay từ bậc tiểu học đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Với tư duy nhanh nhạy, có tinh thần nhiệt huyết, đam mê khám phá, lứa tuổi học sinh, sinh viên sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, áp dụng trí tuệ nhân tạo, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đó cũng chính là điều kiện để Bình Dương xây dựng thành công thành phố thông minh, phát triển bền vững trong thời gian tới.
K.TÂN