Đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe cho đồng bào dân tộc thiểu số: Chủ trương đúng, phù hợp với thực tế
(BDO) Bình Dương là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sinh sống. Để tạo thuận lợi cho đồng bào tiếp cận và chấp hành Luật Giao thông đường bộ tốt hơn, Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) Bình Dương vừa tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe mô tô hạng A1 cho ĐBDTTS có trình độ văn hóa thấp. Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông.
ĐBDTTS tham gia lớp đào tạo, sát hạch cấp GPLX mô tô thi phần thực hành
Vui mừng và chờ đợi!
Ở cái tuổi ngoài tứ tuần nhưng anh A Zít (dân tộc Chăm) tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng vẫn chưa có giấy phép lái xe (GPLX) mô tô hạng A1. Anh cho biết, do mặc cảm tuổi tác và học thấp nên anh không đi thi bằng lái xe. Ngày được cán bộ xã thông báo đăng ký học bằng lái xe tại địa phương, anh mạnh dạn đăng ký và đã thi đậu. “Được giáo viên dạy về luật an toàn giao thông, những quy định trong luật tôi mới biết rằng bản thân mình cần phải đi học, phải nắm luật để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Mình sẽ về nhà truyền đạt lại cho con cháu để chúng nó đi học có cái bằng mà chạy xe cho an toàn”, anh A Zít nói.
47 tuổi và không biết chữ, để đi học và có được GPLX mô tô là điều không hề dễ dàng gì với anh Mô Ha Mách Sa Liêm (người Chăm), thế nhưng anh đã làm được. Học xong cấp I, anh nghỉ học làm nông. Sau mấy chục năm quên dần con chữ nên khi học lái xe, học luật anh không thể đọc hiểu và trả lời các câu hỏi lý thuyết. Do vậy, trước đây anh đã đăng ký học nhưng đành bỏ ngang. Mới đây, được Sở GT-VT mở lớp dạy lái xe mô tô cho người ĐBDTTS anh đăng ký lại. Phần lý thuyết, anh cố gắng nghe hiểu và nhớ để thi. Cuối cùng anh đã thi đậu và đang chờ ngày lấy GPLX. Anh Mô Ha Mách Sa Liêm nói: “Có cái giấy này, mỗi lần ngồi lên xe máy mình yên tâm, không còn sợ mấy chú công an đứng đường kiểm tra bằng lái. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã cho bà con ĐBDTTS cơ hội am hiểu thêm Luật Giao thông đường bộ”.
Đó chỉ là 2 trong số 51 thí sinh đăng ký học và thi GPLX mô tô hạng A1 vừa được Sở GT-VT Bình Dương tổ chức tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng. Kết quả kỳ thi này, 100% thí sinh đã thi đậu và chờ đạt kết quả được cấp GPLX trong thời gian tới.
Truyền dạy đơn giản, dễ hiểu
Đó là cách mà cán bộ lớp đào tạo, sát hạch cấp GPLX mô tô hạng A1 cho ĐBDTTS có trình độ văn hóa thấp đã thực hiện. Hình thức đào tạo, giảng dạy bằng phương pháp trực quan, hình ảnh sinh động, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Nội dung sát hạch, thí sinh phải đạt kết quả sát hạch lý thuyết và thực hành mới được công nhận đạt kết quả để được cấp GPLX. Việc sát hạch lý thuyết nếu kết quả đạt từ 8/12 câu hỏi trở lên sẽ được công nhận đạt lý thuyết, trong khi đó các thí sinh khác phải trả lời đúng 16/20 câu hỏi lý thuyết. Việc sát hạch thực hành được thực hiện qua 4 bài hình liên hoàn theo quy đinh tại Văn bản số 3093/TCĐBVN-QLPT&NL ngày 30-5-2017 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Điền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo và sát hạch cấp GPLX Sở GT-VT, cho biết vấn đề lo ngại nhất khi mở lớp đào tạo, cấp GPLX mô tô cho bà con ĐBDTTS là trình độ học vấn của nhiều người còn thấp, khó tiếp thu khi học Luật Giao thông đường bộ. Hạn chế này đã bộc lộ ngay trong khóa đầu tiên tổ chức sát hạch để cấp bằng vào năm 2015. Do vậy, Sở GT-VT đã không ngừng thay đổi linh hoạt phương pháp tổ chức giảng dạy với từng trường hợp khác nhau. Các học viên được cán bộ giáo viên giảng dạy chủ yếu bằng phương pháp trực quan, hướng dẫn cặn kẽ từng câu hỏi và thi bằng phương pháp hỏi đáp. “Chúng tôi sẽ mạnh dạn tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Sở GT-VT mở thêm nhiều khóa đào tạo, sát hạch cấp GPLX mô tô cho ĐBDTTS với mục đích giúp bà con nâng cao nhận thức khi tham gia giao thông”, ông Điền nói.
Được biết, việc mở khóa đào tạo, sát hạch cấp GPLX mô tô cho ĐBDTTS có trình độ văn hóa thấp là hoạt động nằm trong kế hoạch tổ chức đào tạo, sát hạch được thực hiện theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Việc làm này đã được người dân đồng tình và ủng hộ cao, qua đó giúp cho người dân hiểu Luật Giao thông đường bộ, hạn chế tai nạn giao thông, đủ điều kiện khi điều khiển phương tiện trên đường.
THIÊN LÝ