Đào tạo nhân lực Công nghệ thông tin: Với tầm nhìn thành phố thông minh tương lai!

Thứ năm, ngày 07/12/2017

(BDO) Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh số 1404/KH-UBND về ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, Quyết định số 3206/QĐ-UBND về Đề án thành phố thông minh, cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, Ban chỉ đạo Chương trình CNTT tỉnh đã tập trung thực hiện công tác đào tạo, liên kết đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về CNTT và truyền thông để góp phần phát triển nguồn nhân lực về CNTT và truyền thông phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và Đề án Thành phố thông minh của tỉnh.


Đào tạo tin học văn phòng cho cán bộ công chức tại Trung tâm Công nghệ Thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương

Đào tạo nhân lực cho chính quyền điện tử

Tiếp tục triển khai dự án “Bảo đảm nguồn nhân lực CNTT tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013-2017”, năm 2017, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức 3 đợt đào tạo, với 35 lớp cho khoảng 710 cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) trên địa bàn tỉnh tham dự với kinh phí gần 1,6 tỷ đồng. Về chương trình phát triển nhân lực CNTT trong cơ quan Nhà nước, hiện tỉnh vẫn duy trì chế độ ưu đãi cho cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách CNTT. Theo đó, Sở TT&TT đã tổ chức một đợt xét ưu đãi cho các trường hợp thay đổi phát sinh cho 12 cơ quan, tổng số CBCCCC đang được hưởng ưu đãi là 131 người.

Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT), là đơn vị trực thuộc Sở TT&TT, được giao nhiệm vụ tư vấn dự án, triển khai ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ về lĩnh vực CNTT&TT nhằm hỗ trợ phát triển ngành CNTT của tỉnh nhà. Nhờ áp dụng chu trình PDCA: lập kế hoạch (P - Plan); thực hiện (D - Do); kiểm tra (C - Check); điều chỉnh, cải tiến (A - Act) trong điều hành hoạt động dịch vụ đã nâng cao trình độ đội ngũ, từng người đã có bản lĩnh hơn trong công tác và phối kết hợp tốt hơn tạo mối đoàn kết trong nội bộ cũng như các đối tác. Năm 2016, Trung tâm CNTT&TT đã được Bộ TT&TT tặng bằng khen về thành tích hoàn thành tốt các nhiệm vụ dịch vụ kỹ thuật, tư vấn phát triển, đặc biệt là công tác đào tạo, truyền thông.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT&TT cho biết: “Trung tâm có chức năng nhiệm vụ tư vấn dự án, triển khai ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ về lĩnh vực CNTT&TT nhằm hỗ trợ phát triển ngành CNTT của tỉnh nhà. Trung tâm đã luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Trong năm 2017, trung tâm được Sở TT&TT giao đào tạo một số lớp tin học văn phòng, dự án triển khai phần mềm, thi công giám sát một số dự án CNTT, cán bộ viên chức cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ trên.

Ông Nguyễn Ngọc Chí, Phó Trưởng phòng Đào tạo - Truyền thông của Trung tâm CNTT&TT cũng là người trực tiếp đứng lớp đào tạo cho biết: “Có 2 dạng lớp liên kết và đào tạo qua đó cung cấp kiến thức hiệu quả phù hợp các chuẩn theo Thông tư 03, vừa hỗ trợ nghiệp vụ văn phòng cho CBCCVC, vừa giúp học viên trong việc thi sát hạch cấp chứng chỉ CNTT căn bản hoặc nâng cao. Chúng tôi có tinh thần cầu thị, thu thập ý kiến đóng góp, cải tiến giáo trình, để việc đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Công đoàn viên chức, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng là học viên các lớp tin học này cho biết: Qua khóa học Microsoft Powerpoint Thuyết trình, tôi thấy chương trình học rất phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ CBCCVC. Hiện tôi đang nghiên cứu làm bài thuyết trình về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất công phu. Qua khóa học, tôi ứng dụng rất tốt trong công việc, nhất là cho việc thuyết giảng, phát biểu chỉ đạo...

Và tầm nhìn thành phố thông minh

Nhìn chung bộ phận đào tạo của Sở TT&TT đã năng động sáng tạo, chủ động nắm bắt yêu cầu đào tạo nâng cao và đáp ứng được nhu cầu của học viên trong việc soạn tài liệu giảng dạy theo kiến thức mới, dễ tiếp thu bảo đảm đúng yêu cầu, chất lượng và thời lượng chương trình, trước mắt đáp ứng được nhu cầu nhân lực CNTT trong cơ quan Nhà nước và trong tỉnh.

Trên lộ trình thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020, trong đó có hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực CNTT, Sở TT&TT tiếp tục triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng CNTT cho CBCCVC trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, toàn tỉnh đang tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi cho cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách CNTT và rà soát, bố trí vốn để thực hiện những hạng mục, dự án đầu tư thiết bị bảo mật cho các Trung tâm dữ liệu (IPS, WAF, hạ tầng chứng thực số, hệ thống xác thực đa nhân tố), đầu tư trang bị công cụ cho nhiệm vụ ứng cứu khẩn cấp máy tính, đầu tư cho sinh viên Khoa CNTT, Điện tử viễn thông trên địa bàn tỉnh nâng cao khả năng học tập, thực nghiệm. Triển khai các chương trình đào tạo bắt buộc về hệ thống quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO 27001:2013. Bổ sung chế độ ưu đãi cho cán bộ cấp xã; Tinh giản, tổ chức lại đội ngũ cán bộ chuyên trách cho các cơ quan trong khu hành chính tập trung.

Sau chặng đường gần 10 năm Bình Dương xây dựng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử, với sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo tỉnh, Bình Dương đã đặt nền móng vững chắc về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nguồn nhân lực CNTT, đưa ứng dụng CNTT - truyền thông phục vụ rộng rãi tổ chức, cá nhân, tiến đến phát triển mô hình thành phố thông minh. Theo đúng như ý kiến nhấn mạnh của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm tại phiên Hội nghị toàn thể, diễn đàn chính của Chương trình Hội nghị Thành phố thông minh Bình Dương năm 2017 (do UBND tỉnh Bình Dương phối hợp Lãnh sự quán Hà Lan tại TP.Hồ Chí Minh tổ chức): “Trọng tâm của thành phố thông minh là con người và tri thức”, thì Bình Dương cần đặc biệt chú trọng tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực CNTT đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng thành công thành phố thông minh Bình Dương trong tương lai.

Hiện tỉnh đang ứng dụng bài học kinh nghiệm “Tam giác vàng”, “3 nhà phối hợp” của hình mẫu Thành phố thông minh Hà Lan: Nhà nước, nhà trường và nhà DN. Để làm được điều này, theo các chuyên gia, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cao, để bảo đảm sự phát triển bền vững. Hơn lúc nào hết nhiệm vụ đào tạo nhân lực CNTT đang được đặt lên hàng đầu. Với những thành quả đã đạt được và định hướng trong thời gian tới, Ban chỉ đạo CNTT tỉnh đang chạy nước rút thực hiện các giải pháp cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ đào tạo CNTT và thúc đẩy chất lượng dạy và học CNTT trong các trường đại học của tỉnh, từng bước tiến tới đổi mới hệ thống các cơ sở đào tạo, đổi mới cơ chế tự chủ của các trường đại học, xây dựng và triển khai mô hình quản trị đại học tiên tiến, ứng dụng CNTT trong quản lý, bảo đảm cung ứng nguồn nhân lực CNTT cho công cuộc xây dựng tỉnh nhà nói chung và thành phố thông minh nói riêng.

Phát biểu tại Hội nghị Thành phố thông minh Bình Dương 2017, bà Nienke Trooster - Đại sứ Hà Lan cho biết: “Chúng ta thường nghe thấy từ thành phố thông minh và tất cả những gì mà mọi người liên tưởng đến là ứng dụng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên những gì chúng ta cần ở đây không chỉ là những tiện ích CNTT mới nhất. Ý tôi muốn nói thành phố thông minh không phải là một thành phố mới được xây dựng với tất cả các ứng dụng CNTT hiện đại nhất. Thành phố thông minh là một môi trường đô thị nơi các quy trình được kết nối một cách thông minh với sự tham gia của các bên liên quan và sử dụng cách tiếp cận đa lĩnh vực. Muốn làm được điều đó, cần sử dụng các ứng dụng phần mềm, hạ tầng cơ sở và mạng lưới phù hợp. Nhưng để quyết định được điều gì là phù hợp cần trao đổi thông tin và xem xét các vấn đề từ những khía cạnh khác nhau để tạo ra một phương án tổng thể phù hợp nhất. Cách tiếp cận này đã thành công ở Eindhoven và được áp dụng rộng rãi hơn nữa ở Hà Lan và tôi hoàn toàn tự tin để phát biểu rằng cách tiếp cận này sẽ thành công ở Bình Dương.

 

BẢO ANH