Đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở công nhân: Những tiền đề cơ bản Bình Dương để phát triển bền vững
Để phát triển công nghiệp nhanh và bền vững, Bình Dương quan tâm đến nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực qua đào tạo, tập trung xây dựng nhà ở cho công nhân là những nhiệm vụ hàng đầu mà Bình Dương đã và đang triển khai rất hiệu quả... Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và nhà ở công nhân sẽ tạo nền tảng vững chắc để phát triển công nghiệp nhanh và bền vững. Trong ảnh: Sản xuất găng tay xuất khẩu tại Công ty TNHH Showa Gloves Việt Nam
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực
Bình Dương hiện có hơn 13.000 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đang hoạt động sản xuất - kinh doanh. Sự lớn mạnh nhanh chóng về số lượng DN tất yếu đã thu hút một lực lượng lớn lao động (LĐ) đến từ mọi miền đất nước, đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 720.000 LĐ làm việc tại các DN. Để đáp ứng nhu cầu LĐ phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, song hành với việc chủ động liên kết với các địa phương trong cả nước để cung ứng LĐ cho tỉnh, Bình Dương luôn chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề.
Trong giai đoạn 2006-2010 đã đào tạo 88.640 học viên, tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo gần 90%. Tuy nhiên nếu so với thực tế, tỷ lệ LĐ qua đào tạo còn thấp so với yêu cầu. Để bảo đảm phát triển công nghiệp bền vững cho những năm tới, Bình Dương tập trung cho nguồn lực qua đào tạo. Cùng với sự đầu tư kinh phí cho các cơ sở công lập từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách tỉnh, Bình Dương đã khuyến khích các cơ sở dạy nghề tư thục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị, đa dạng ngành nghề đào tạo, góp phần đáng kể vào việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cho tỉnh. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn tỉnh có 41 cơ sở dạy nghề, so với năm 2006 tăng 11 cơ sở. Cùng với phát triển cơ sở hạ tầng đào tạo, nội dung chương trình đào tạo không ngừng được phát triển mở rộng phù hợp với nhu cầu người học và người sử dụng LĐ, chuyển đào tạo theo hướng cung sang cầu có sự liên kết đào tạo theo nhu cầu giữa DN và các trường dạy nghề trong tỉnh.
Bên cạnh phát triển cơ sở hạ tầng đào tạo nghề, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bình Dương vừa xây dựng, vừa hợp tác liên kết xây dựng phát triển các dự án giáo dục và đào tạo; đến nay trên địa bàn tỉnh có đến gần 10 trường đại học, 6 trường cao đẳng và một số dự án giáo dục trọng điểm đang được triển khai; trong đó nổi bật như trường Đại học Quốc tế Miền Đông, trường Đại học Thủ Dầu Một, trường Đại học Việt Đức... Chính hạ tầng giáo dục này sẽ đáp ứng được yêu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các ngành hàng thiên về công nghệ mới mà DN cần.
Quan tâm về nhà ở công nhân
Trong tổng số 720.000 LĐ tại tỉnh, công nhân LĐ ngoài tỉnh có hơn 602.000 người, chiếm 84% và 90% thành phần này có nhu cầu về nhà ở. Giải quyết các chế độ phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế cho người lao động (NLĐ) để giúp họ an tâm làm việc, ổn định cuộc sống là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu mà Bình Dương tiến hành trong suốt thời gian qua. Nhà ở công nhân có vai trò rất quan trọng đến phát triển công nghiệp bền vững, Trong ảnh: Khu nhà ở công nhân do Công ty TNHH Showa Gloves Việt Nam đầu tư xây dựng
Từ sự hỗ trợ, khuyến khích, động viên của tỉnh, nhiều DN nhận thức được tầm quan trọng của việc ổn định LĐ và nâng cao chất lượng LĐ nên đã đầu tư, xây dựng nhà trọ miễn phí và các công trình phúc lợi dành cho công nhân. Nhờ vậy đến nay đã có 260 DN tham gia xây dựng nhà ở cho NLĐ như Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương, Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, Công ty TNHH Giày Thái Bình, Công ty TNHH Phước Dũ Long, Công ty TNHH Ta Tung Việt Nam, Công ty TNHH Dệt Kondo, Công ty TNHH CF Vina... Qua đó đã giải quyết 60.000 chỗ ở cho NLĐ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nhà ở công nhân và nhà ở cho người có thu nhập thấp. Đến nay toàn tỉnh có 18.522 hộ cho thuê mướn nhà trọ giải quyết chỗ ở cho hơn 500.000 LĐ. Tuy nhiên, đa số nhà trọ chất lượng còn kém; không bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho NLĐ như diện tích chật hẹp, điều kiện vệ sinh và an ninh trật tự chưa bảo đảm, đời sống tinh thần còn hạn chế.
Trước hạn chế trên, để ổn định nguồn nhân lực, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, Bình Dương đã triển khai kế hoạch xây nhà ở cho công nhân, NLĐ có thu nhập thấp. Theo đó sẽ có 104 chung cư được xây dựng tại TX.TDM, Thuận An, Dĩ An; huyện Bến Cát và Tân Uyên với tổng vốn đầu tư thực hiện chương trình gần 12.000 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư cho nhà ở công nhân là 8.115 tỷ đồng. Với diện tích căn hộ vừa phải, từ 30 - 50m2, phù hợp với nhu cầu và khả năng có hạn của NLĐ, chương trình này sẽ giúp công nhân sở hữu được nhà gần nơi làm việc.
Cùng với đầu tư nhà ở công nhân, Bình Dương cũng chú trọng xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng như khu vui chơi giải trí, công viên, bệnh viện, trường học... để phục vụ đời sống tinh thần cho công nhân LĐ. Sự quan tâm vào nguồn lực này sẽ giúp NLĐ thực sự được “an cư, lập nghiệp” khi đến làm việc tại Bình Dương. Đây cũng chính là động lực quan trọng góp phần vào quá trình phát triển nhanh và bền vững mà Bình Dương đặt ra.
T.MINH