Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
(BDO) Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hướng tới vận hành thành phố thông minh Bình Dương là mối quan tâm lớn của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) hiện nay. Mục tiêu này đang được các cơ sở GDNN đặt lên hàng đầu và đang chủ động nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ về đào tạo nguồn nhân lực.
Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương lựa chọn các ngành nghề đào tạo phù hợp với cuộc cách mạng 4.0 và thành phố thông minh Bình Dương
Lực chọn nghề phù hợp
Hai năm trở lại đây, cụm từ “cách mạng công nghiệp lần thứ 4” được nhắc đến ngày một nhiều hơn ở các cơ sở GDNN, bởi đây là môi trường đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Các trường và học sinh, sinh viên là những đối tượng chính chịu tác động của cuộc cách mạng công nghiệp này. Chính vì vậy, các cơ sở GDNN đã và đang thay đổi từng bước ngành nghề đào tạo cho phù hợp với xu thế chung. Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cho biết theo phương châm “Chú trọng chất lượng hơn số lượng”, các cơ sở GDNN đã căn cứ vào thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo hiện có để xác định ngành nghề đào tạo, mạnh dạn bỏ những ngành nghề tuyển sinh không hiệu quả, lựa chọn những ngành nghề trọng điểm đáp ứng với nhu cầu xã hội để ưu tiên đào tạo, tuyển sinh. Đó là sự thay đổi lớn của các cơ sở GDNN để đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, đáp ứng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thành phố thông minh Bình Dương.
Với phương châm “Chú trọng chất lượng hơn số lượng”, trường Cao đẳng Nghề số 22 (TX.Dĩ An) đã bỏ đi các nghề không phù hợp, lựa chọn các nghề trọng điểm để đào tạo là công nghệ ô tô, cơ khí và điện. Còn đối với trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore (TX.Thuận An) đã chọn cho mình các nghề như cắt gọt kim loại, cơ điện tử, điện tử công nghiệp, sửa chữa máy công cụ làm nghề trọng điểm tuyển sinh, đào tạo. Là đơn vị trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh, những năm qua, trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ công đoàn (TX.Thuận An) tập trung thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học cũng như chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động ở các nghề lập trình máy tính và điện công nghiệp.
Những năm gần đây, bên cạnh việc lựa chọn ngành nghề đào tạo, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh công tác điều tra nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và xã hội. Qua đó, trường liên kết với doanh nghiệp để biến cái mình có sang đào tạo cái xã hội cần; nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội. Ông Lê Nho Lượng, Hiệu trưởng trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ công đoàn, cho biết: “Nhu cầu tuyển dụng nhân lực thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, điện công nghiệp rất lớn, nhất là các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh luôn đặt hàng tuyển dụng một số lượng lớn nhân lực ở lĩnh vực này. Vì vậy, nhà trường cũng chuyển hướng đào tạo trọng tâm để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, cũng như tạo điều kiện để học viên ra trường có việc làm ngay”.
Đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp
Lựa chọn được các nghềphùhợp, các cơ sở GDNN trong tỉnh bắt tay vào công tác đào tạo để những “sản phẩm” mình đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu của cuộc cách mạng 4.0 và thành phố thông minh Bình Dương. Các cơ sở GDNN quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất, phòng thực hành để học sinh, sinh viên có nơi vừa học vừa hành. Đơn cử như trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương. Cô Nguyễn ThịXuân Mai, Phó Hiệu trưởng nhà trường, khẳng định học sinh trong trường dành 70% là thực hành, chính vì vậy khu vực thực hành được nhà trường mở rộng, kêu gọi đầu tư. Là các ngành nông nghiệp nên trường thường đưa các em tham quan các mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao để có thêm kiến thức, cũng như tư duy về phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời ứng dụng mạnh của khoa học công nghệ.
Đối với các nhóm nghề kỹ thuật, một trong những biện pháp mà các trường đang áp dụng là liên kết, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, công ty… trong quá trình đào tạo. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngoài việc tổ chức các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, các trường còn đến các doanh nghiệp để tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu lao động, trên cơ sở đó cùng doanh nghiệp trao đổi để có định hướng đào tạo đáp ứng. Mặt khác, các trường còn mời chuyên gia có trình độ tay nghề và kinh nghiệm thực tế đang làm việc tại các doanh nghiệp tham gia giảng dạy nhằm thực hiện phương châm “đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp”. Thầy Trần Hùng Phong, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore, nói học nghề bắt buộc người học ngoài lý thuyết phải vững thực hành. Chính vì vậy, nhà trường liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp tạo mọi điều kiện cho học sinh, sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp. Trong quá trình vừa học, vừa làm các em có thêm kiến thức, cũng như thích ứng với môi trường công việc. Nhiều em sau khi thực tập xong được doanh nghiệp giữ lại làm việc với mức lương khá cao.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho rằng việc đào tạo nghề tại Bình Dương hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và cũng chưa thật sự đột phá trong tình hình mới. Hiện nay, Bình Dương đang có sự bứt phá mạnh mẽ với hàng loạt các tập đoàn lớn đầu tư tại tỉnh với rất nhiều dự án quan trọng, điều này đặt ra vấn đề về đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực đáp ứng hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Do đó, ngành LĐ-TB&XH sẽ chủ động nắm bắt kịp thời tình hình lao động việc làm trên địa bàn tỉnh để tham mưu, đề xuất với tỉnh các giải pháp trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề tại các cơ sở GDNN.
THIÊN LÝ