Đào tạo nghề trọng điểm tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Thứ sáu, ngày 14/12/2018

(BDO)  Theo Quyết định số 854 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) “Phê duyệt nghề trọng điểm và trường được lựa chọn nghề trọng điểm, giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong tỉnh đã và đang lựa chọn đào tạo các ngành nghề trọng điểm, chuẩn đào tạo cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế. Qua đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Đề án Thành phố thông minh Bình Dương trong thời gian tới.

Xây dựng các nghề trọng điểm

Thời gian qua, Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) đã đề nghị các trường nghề có phân tích, đánh giá kết quả tuyển sinh, đào tạo và kết quả tốt nghiệp có việc làm hàng năm, từ đó xác định quy mô đào tạo hàng năm đến năm 2020 cho từng ngành nghề trọng điểm ở từng cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia trên cơ sở dự báo nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các ngành nghề trọng điểm đến 2020. Tổng cục GDNN cũng yêu cầu các cơ sở GDNN lựa chọn đào tạo các ngành nghề phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương, vùng, ngành, lĩnh vực, thị trường lao động trong và ngoài nước.

 

Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ dạy, học các nghề trọng điểm

Thực hiện nhiệm vụ trên, trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương (TP. Thủ Dầu Một) đang đầu tư cho ngành, nghề trọng điểm. Mục tiêu trường đặt ra, đến năm 2020, nhà trường có đủ năng lực đào tạo các nghề cấp độ quốc tế như: Cắt gọt kim loại; cơ điện tử; điện công nghiệp; điện tử công nghiệp; hàn. Mỗi nghề sẽ tuyển sinh từ 100 đến 430 học sinh, sinh viên. Nhà trường sẽ đầu tư cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình, trang thiết bị dạy và học để từng bước hoàn thiện theo hướng công nghệ cao, đúng tầm là trường cao đẳng đạt chuẩn chất lượng cao khu vực ASEAN và quốc tế.

Tại trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An (TX.Dĩ An), trường đang xây dựng đào tạo các nghề trọng điểm như: Cơ khí; điện - điện tử; công nghệ thông tin; công nghệ ô tô. Thầy Tạ Xuân Tề, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An, cho biết việc triển khai đào tạo các nghề trọng điểm trình độ nghề quốc tế sẽ tạo cho học sinh, sinh viên của trường có trình độ chuẩn chung và cơ hội nghề nghiệp rộng mở, có thể hành nghề ở bất cứ đâu với trình độ chuẩn nghề đã được công nhận. Nhà trường đầu tư hơn 200 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị đào tạo hiện đại được sản xuất từ các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… để phục vụ công tác giảng dạy, thực hành và nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo các nghề có hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành công nghiệp trong thời kỳ hội nhập. Trường liên kết với một số doanh nghiệp như Intel, tập đoàn Masan… về chương trình đào tạo kỹ năng làm việc thực tế tại doanh nghiệp.

Tập trung nguồn lực

Lợi ích dễ nhận thấy là cơ hội cho học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp các nghề đào tạo ở cấp độ khu vực và thế giới rất rộng mở. Tay nghề vững, chuẩn kỹ năng, người lao động có thể lựa chọn nơi làm việc, mức thu nhập tương ứng với trình độ, tay nghề. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề trọng điểm cấp khu vực và thế giới đang từng bước triển khai tại tỉnh sẽ là cơ sở để Bình Dương có nguồn nhân lực tốt giúp tỉnh phát triển trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn, nhà đầu tư lớn đang hoạt động và chuẩn bị đầu tư vào địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Ngoài việc đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh theo phân cấp, các cơ sở GDNN thuộc tỉnh còn được đầu tư thêm từ nguồn vốn Trung ương theo dự án nghề trọng điểm và đề án trường nghề chất lượng cao. UBND tỉnh đã có Quyết định 102/QĐ-UBND và Quyết định 1982/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Dự án đầu tư nghề trọng điểm giai đoạn 2011-2015 của nghề nguội, sửa chữa máy công cụ và nghề điện dân dụng. Giai đoạn 2011-2015, tổng số kinh phí đầu tư là 42,08 tỷ đồng, được phân bổ cho 5 trường có nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, ASEAN và quốc tế; trong đó, trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore được phân bổ là 34,08 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc đào tạo nghề. UBND tỉnh đã có Quyết định 1915/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án đầu tư trường cao đẳng nghề chất lượng cao đến năm 2020. Trong 2 năm 2017- 2018, trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore được đầu tư 10 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình việc làm và dạy nghề để đầu tư mua sắm trang thiết bị các nghề trọng điểm. Trong năm 2016-2017, trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương nhập các trang thiết bị dạy nghề từ phía đối tác Hàn Quốc theo Dự án ODA của hai Chính phủ Việt Nam - Hàn Quốc với giá trúng thầu là 113,991 tỷ đồng (Dự án ODA 6 triệu đô la Mỹ).

Đối với dự án nghề trọng điểm của Trung ương, công tác đào tạo giáo viên dạy nghề cũng được tỉnh chú trọng thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có trình độ về sư phạm, nghiệp vụ với khả năng đào tạo nghề tương ứng với cấp đào tạo đạt chuẩn khu vực ASEAN và quốc tế. Ngoài ra, định kỳ 3 năm 1 năm một lần, Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh và chọn cử giáo viên đi thi toàn quốc. Hội giảng là nơi giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm đổi mới phương pháp giảng dạy ở các trường nghề trên cả nước. 

 “Thực hiện dự án đào tạo nghề trọng điểm, Sở LĐ-TB&XH thường xuyên chỉ đạo các cơ sở GDNN thực hiện. Sở còn xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kỹ năng nghề cho đội ngũ giáo viên các cơ sở GDNN để nâng cao chất lượng trong giảng dạy; đồng thời tổ chức cho giáo viên tham quan học tập các công nghệ mới được sử dụng tại doanh nghiệp để cập nhật kiến thức”.

(Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH)

 

THIÊN LÝ