Đào tạo nghề góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
(BDO) Hội nhập quốc tế đã và đang đặt ra yêu cầu cao đối với thị trường lao động. Từ đó, phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực, không chỉ phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập. Đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực ngày càng cao của doanh nghiệp, các cơ sở GDNN trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động, đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh.
Sinh viên khoa công nghệ thông tin trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương trong giờ học thực hành
Nâng cao chất lượng để hội nhập
Hiện nay, toàn tỉnh có 108 cơ sở GDNN, trong đó có 7 trường cao đẳng, 1 phân hiệu Cao đẳng Đường sắt phía Nam, 10 trường trung cấp, 19 trung tâm GDNN và 71 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN. Các trường cao đẳng, trung cấp trực thuộc tỉnh đều tập trung ở thành phố, thị xã, nơi có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp là điều kiện để các trường đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp, hợp tác với doanh nghiệp đồng hành giải quyết bài toán đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng GDNN và giải quyết việc làm. Theo định hướng phát triển từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030, tỉnh sẽ huy động nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở GDNN (Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore, Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương…) để trở thành trường chất lượng cao, đào tạo đa ngành nghề, trong đó có các nghề trọng điểm chuẩn quốc tế, khu vực ASEAN, quốc gia, đào tạo thí điểm một số nghề theo chương trình hợp tác chuyển giao từ nước ngoài (như nghề cắt gọt kim loại theo chương trình của Đức). Đây là cơ sở để tỉnh nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nhằm thu hút đầu tư, đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Muốn nâng cao chất lượng, trước hết đội ngũ nhân lực phải bảo đảm đạt chuẩn theo quy định. Tại các trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc tỉnh, có trên 39% cán bộ quản lý và nhà giáo có trình độ thạc sĩ trở lên, còn lại đạt trình độ đại học và cao đẳng. Tất cả cán bộ quản lý và nhà giáo đều đạt trình độ về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm theo quy định. Ông Võ Đông Duy, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết công tác đào tạo nghề của tỉnh hiện nay đã từng bước gắn với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Các trường cao đẳng, trung cấp đã thay đổi tư duy trong tổ chức đào tạo, tuyển sinh, gắn tuyển dụng, đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động.
Đội ngũ nhà giáo được nâng cao về chất lượng và chuẩn hóa. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của cơ sở GDNN được đẩy mạnh và đem lại kết quả tích cực. Nhiều cơ sở GDNN đã thực hiện chuyển hướng tuyển sinh, đào tạo và quản lý kết quả đào tạo trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho người học. Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng dạy thực hành nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ nhà giáo GDNN. Sở cũng tổ chức các hội thi, hội giảng, tạo phong trào thi đua học tập, nghiên cứu, tự chế tạo thiết bị đào tạo góp phần nâng cao sức sáng tạo cho đội ngũ nhà giáo GDNN, thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo.
Cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy cũng được tăng cường, bổ sung, đáp ứng yêu cầu học đi đôi với thực hành thực tế. Cùng với đó, các trường cũng đổi mới chương trình, phương thức đào tạo, bảo đảm chuẩn đầu ra đạt chất lượng, có kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động.
Các trường chủ động
Có thể nói, lao động qua đào tạo của tỉnh đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, các trường cao đẳng, trung cấp đã chủ động nâng cao chất lượng để đáp ứng nguồn nhân lực cho xã hội. Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương là một địa chỉ học sinh, sinh viên lựa chọn để gửi gắm tương lai. Bên cạnh hệ thống nhà xưởng thực hành, lý thuyết hiện đại hiện có, nhà trường còn được đầu tư 6 triệu USD (khoảng 130 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc để trang bị các thiết bị, máy móc thực hành tiên tiến cho các xưởng thực hành, như: Công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, cơ điện tử, tự động hóa quá trình sản xuất, hàn, điện tử công nghiệp, điện công nghiệp, công nghệ thông tin, hệ thống phòng học mô phỏng…
Ngoài ra, trường còn đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp với xu thế phát triển, chú trọng đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Nhờ được đầu tư có trọng tâm, chất lượng đào tạo của trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương ngày càng được khẳng định. Số liệu thống kê cho thấy, trên 90% học sinh, sinh viên của trường có việc làm ngay khi tốt nghiệp ra trường, đặc biệt một số ngành nghề tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 100%.
Tương tự, trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore cũng luôn quan tâm đến chất lượng đào tạo. Nhà trường khuyến khích giảng viên, nhân viên tích cực học tập nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Trường còn chọn cử giảng viên đi bồi dưỡng ở nước ngoài để tiếp cận các mô hình GDNN tiên tiến của thế giới; tích cực đổi mới chất lượng đào tạo của trường, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Qua thống kê cho thấy tỷ lệ học sinh, sinh viên, người học nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 90%. Trong đó, có một số ngành nghề thuộc khối kỹ thuật có số lượng học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp chiếm tỷ lệ cao, một số trường đạt 100%, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng ngay khi các em còn đang thực tập… |
HỒNG THÁI