Đào tạo nghề gắn với thị trường lao động

Thứ hai, ngày 14/11/2022

(BDO) Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 52.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Với số lượng DN lớn như thế, nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động rất cao. Bắt kịp xu thế phát triển của tỉnh, những năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mở thêm nhiều ngành đào tạo gắn với thị trường, giúp học sinh, sinh viên (HSSV) tăng cơ hội tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.


Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương trao bằng tốt nghiệp trung cấp cho HS vào ngày 30-10 vừa qua

Đa dạng ngành đào tạo

Hiện nay, nhiều em HS đã có suy nghĩ con đường vào đại học không phải là lối mở duy nhất vào đời. Thực tế đã chứng minh, nhiều em sau khi tốt nghiệp đại học khó tìm được việc làm hoặc làm việc trái nghề. Đây là lý do có những HS chuyển sang học cao đẳng sau khi tốt nghiệp THPT, hoặc các em quyết định chọn lối rẽ học nghề sau khi tốt nghiệp THCS để tăng cơ hội việc làm sau tốt nghiệp, đồng thời rút ngắn thời gian học tập.

Chúng tôi còn nhớ, cuối tháng 10 vừa qua, trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương đã tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp trung cấp năm 2022 cho 94 HS. Thay mặt cho các em HS tốt nghiệp, em Nguyễn Thị Hường, Khoa Kinh tế - Quản trị hứa sẽ cố gắng trên bước đường sự nghiệp để trở thành những người có ích. Em chia sẻ, trước đây khi chọn ngành học, em đã tìm hiểu nhu cầu của thị trường lao động. Với hành trang là kiến thức và kỹ năng nghề thầy cô đã trang bị trong quá trình học tập, em tự tin bước vào đời và nguyện đem công sức, trí tuệ đóng góp cho đơn vị các em chọn để theo đuổi sự nghiệp. Ban Giám hiệu nhà trường vui mừng thông tin, qua thống kê của trường, có khoảng 97% HS có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Sở dĩ HSSV không khó tìm việc làm sau khi tốt nghiệp là do các trường cao đẳng, trung cấp đã thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu của người sử dụng lao động. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của DN và nguyện vọng của người học, các trường đã bổ sung thêm những ngành nghề đào tạo xã hội đang cần. Đối với trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương, trường đã xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo, đồng thời xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ và nhu cầu thực tế của các DN. Theo đó, HS có 30% thời gian học lý thuyết và 70% học thực hành, thực tập. Không chỉ thực hành trên các mô hình, thiết bị, máy móc trong trường, HSSV còn thường xuyên được tham quan, thực tập và làm việc tại các DN.

Tương tự, trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Bình Dương ngoài duy trì đào tạo những ngành truyền thống, như: Chăn nuôi thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật, quản lý đất đai, trường còn đào tạo những ngành xã hội cần, như: Kế toán DN, tiếng Anh, quản lý tài nguyên và môi trường, tin học ứng dụng, marketing. Chương trình đào tạo được trường liên tục cập nhật, bổ sung gắn với thực tế.

Thực hành thực tế

Nhiều năm qua, Bình Dương đã thực hiện tốt việc phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS. Theo lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo, hàng năm chỉ có 70% HS tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 tại các trường công lập, còn lại 30% vào học các trường ngoài công lập và trường nghề. Và có một thực tế, những em sớm chuyển hướng sang học nghề thay vì tiếp tục học phổ thông thì được lợi về thời gian, tiền bạc.

Em Nguyễn Thành Long, SV trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương đã chia sẻ, trước đây em học đại học, bước sang năm thứ hai em nhận thấy mình không phù hợp với ngành học đã chọn và quyết định chuyển sang học cao đẳng để dễ dàng tìm việc làm sau khi ra trường. “Vào đây học, SV được học thực hành tại các nhà xưởng thực hành của trường. Bên cạnh đó, SV còn được thực hành, thực tập tại các dây chuyền sản xuất tại các DN. Vì vậy, em được cọ xát với công việc mình sẽ theo đuổi sau này. Năm nay em bước vào năm cuối và tin rằng bản thân không khó tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường”, Long bộc bạch.

Rõ ràng, để đáp ứng thị trường lao động ngày càng khó tính như hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng chương trình đào tạo với thời lượng 70% là thực hành thực tập, đặc biệt là việc gắn kết với DN trong quá trình đào tạo. Tại trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore, vừa qua SV khóa 2021 đã được tham gia lớp học tập trải nghiệm (STEM) tại phòng thí nghiệm chế tạo (Fablab) cơ - điện của trường. Các em thực hiện thiết kế và tạo mẫu 3D; lắp ráp và lập trình mô hình hệ thống công nghiệp; vận hành máy CNC kết hợp với tự động hóa. Các em tỏ ra thích thú vì lần đầu tiên được tiếp cận kỹ thuật công nghệ. Việc sớm được trải nghiệm tiết học STEM giúp các em có cái nhìn rõ nét về lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và tạo động lực cho việc hình thành ý tưởng và hiện thực hóa ý tưởng trong tương lai.

Giờ đây, HS chọn học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã yên tâm bởi các em được học lý thuyết và thực hành, thực tập thực tế. Với những em chọn học ngành y tại trường Cao đẳng Y tế Bình Dương, các em thường xuyên được đến các bệnh viện, nhà thuốc, công ty sản xuất dược phẩm để thực tập. Giữ vững chất lượng đào tạo, trường tích cực đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, áp dụng chương trình đào tạo của các nước tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực ngành y của các cơ sở y tế.

Để đáp ứng thị trường lao động ngày càng khó tính như hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng chương trình đào tạo với thời lượng 70% là thực hành thực tập, đặc biệt là việc gắn kết với DN trong quá trình đào tạo.

HỒNG THÁI