Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Thiết thực, hiệu quả
(BDO) Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) ở tỉnh trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho LĐNT tích cực tham gia học nghề phù hợp với khả năng, việc làm để tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Một trong những thành tích đáng ghi nhận là các cơ sở đào tạo nghề và địa phương đã tích cực xây dựng nhiều mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, thu hút nhiều lao động.
Tư vấn học nghề cho lao động nông thôn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh
Gắn đào tạo với giải quyết việc làm tại chỗ
Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, có 31 nghề được đưa vào trong danh mục đào tạo của tỉnh, trong đó có 19 nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp: Bảo mẫu, cắm hoa, cắt, uốn tóc, đan thủ công (đan mây tre nứa), điện công nghiệp, điện dân dụng, lái xe nâng hàng… 12 nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp: Trồng bưởi theo công nghệ VietGAP, trồng hoa lan, trồng rau an toàn, trồng và khai thác một số cây dưới tán rừng... Hàng năm, danh mục nghề của tỉnh đều được cập nhật để bảo đảm đầy đủ nhu cầu học tập của người dân.
Đối với các đô thị có từ trước và mới hình thành như: TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát, tỉnh tập trung công tác tuyên truyền, tư vấn học các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp đô thị để khi học xong, người lao động có thể tự tạo việc làm tại nhà như: Trồng và nhân giống nấm, tạo dáng và chăm sóc cây cảnh, trồng rau an toàn, trồng hoa lan... Đối với các huyện phía bắc của tỉnh còn quỹ đất để phát triển nông nghiệp gồm: Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Phú Giáo và Dầu Tiếng, tỉnh tập trung đào tạo các ngành nghề như: Trồng bưởi theo công nghệ VietGAP, chăn nuôi, trồng nấm, trồng - chăm sóc và khai thác mủ cao su…
“Thời gian tới, việc triển khai đào tạo nghề cho LĐNT theo yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được nghiên cứu thực hiện có chất lượng và ngày càng hiệu quả hơn, bảo đảm người lao động sau khi học xong có thể làm được việc. Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 80%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 30%. Đối tượng tập trung đào tạo gồm thanh niên trong độ tuổi lao động ở thành thị, nông thôn, vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số chưa có việc làm; bộ đội xuất ngũ...”. (Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) |
Học viên sau khi học nghề đa phần đều có việc làm, nếu không làm việc tại doanh nghiệp sẽ tự hành nghề tại địa phương (đạt tỷ lệ trên 80%). Các nghề có việc làm chiếm tỷ lệ cao tập trung vào nhóm phục vụ nguồn lực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp như: Lái xe nâng hàng, cắm hoa, trang điểm, pha chế, may công nghiệp, may gia dụng, thiết kế - tạo mẫu tóc... Chị Phạm Thị Thận (khu phố 9, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo) là một điển hình. Gia đình khó khăn, một mình chị Thận phải nuôi hai con ăn học. Xét thấy hoàn cảnh của chị, địa phương đã tư vấn chị tham gia học lớp đào tạo nghề cho LĐNT, nghề may gia dụng. Sau khóa học năm 2018, chị về nhà mở tiệm may để có thêm thu nhập.
Như vậy, việc tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT mang lại hiệu quả thiết thực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chương trình xây dựng xã nông thôn mới. Giai đoạn 2016-2018, tổng số LĐNT được học nghề là 4.073 người; trong đó, nhóm nghề nông nghiệp 1.425 người, nhóm phi nông nghiệp 2.648 người. Riêng năm 2019, toàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho 1.958/1.960 người là lao động nông thôn (đạt tỷ lệ 99,9%). Trong đó, nhóm nghề phi nông nghiệp 1.620/1.400 người (đạt tỷ lệ 116%), nhóm nghề nông nghiệp 338 người (đạt tỷ lệ 60,4%).
Những chính sách đặc thù của địa phương
Từ năm 2004 đến 2010, Bình Dương đã chủ động thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT. Khi có Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, để tiếp tục thực hiện tốt chính sách này, Bình Dương tiếp tục thực hiện 4 nội dung mới trên cơ sở kế thừa Đề án đào tạo nghề cho LĐNT trước đây, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh và tạo điều kiện cho nhân dân được tham gia học tập đông đảo, cụ thể người học thuộc đối tượng 3 vẫn được hưởng tiền ăn 10.000 đồng/ngày thực học.
Nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thuận lợi trong việc mời các giáo viên tham gia hỗ trợ đào tạo, Bình Dương đã điều chỉnh mức thù lao giáo viên thuộc Đề án đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh (trình độ sơ cấp) tăng từ 37.500 đồng/giờ lên 52.500 đồng/giờ. Đối tượng LĐNT khác cũng được mở rộng cho phù hợp với tên gọi địa giới hành chính của tỉnh.
Khi tổ chức triển khai đề án, nếu ngành nghề nào thay đổi so với kế hoạch đã phê duyệt của năm, tỉnh cho phép các huyện, thị, thành phố chủ động thay đổi kế hoạch mở lớp với điều kiện ngành nghề thay đổi phải nằm trong danh mục nghề và không vượt định mức kinh phí đã được phân bổ.
Nhìn chung, công tác này được sự đồng thuận của các cấp, các ngành và người lao động. Nhận thức của người lao động về việc học nghề dần chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Các khóa đào tạo ngắn hạn đã trang bị cho người học các kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ công việc cơ bản nhất để họ có thể tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm nuôi sống bản thân, gia đình; từ đó, góp phần cải thiện đời sống, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động. Việc tổ chức đào tạo nghề đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - dịch vụ.
T.VY