Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại TP.Thuận An: Chất lượng đào tạo được cải thiện đáng kể

Thứ năm, ngày 10/12/2020

(BDO)  Qua 10 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề của TP.Thuận An vượt so với mục tiêu kế hoạch. Chất lượng LĐNT trên địa bàn đã có bước cải thiện đáng kể. Công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần giúp cho hàng ngàn lao động có việc làm, cải thiện được đời sống gia đình.

 Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội TP.Thuận trao giấy chứng nhận cho học viên hoàn thành khóa đào tạo nghề cho LĐNT

 Nhiều kết quả tích cực

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020, trong năm 2010, TP.Thuận An đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”. Đến năm 2012, UBND thành phố đã ban hành quyết định thành lập lại ban chỉ đạo; bên cạnh đó, công tác kiện toàn bộ máy chỉ đạo, điều hành và hệ thống cơ quan tham mưu, giúp việc tổ chức quản lý cũng đã được thực hiện.

Hàng năm, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp các cơ sở dạy nghề trên địa bàn, Phòng Quản lý Dạy nghề của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức các buổi tập huấn về đào tạo nghề cho LĐNT; qua đó trang bị cho cán bộ công chức nắm bắt và hiểu sâu hơn các thông tin, chính sách về đào tạo nghề. Kết quả, giai đoạn 2010 - 2015, tổng số LĐNT học nghề theo kế hoạch giai đoạn là 549 người; trong đó, nhóm nghề phi nông nghiệp là 549 người, tỷ lệ người học có việc làm sau đào tạo là 100%.

Bước sang giai đoạn 2015 - 2020, tổng số LĐNT học nghề theo kế hoạch giai đoạn là 1.030 người; trong đó, nhóm nghề nông nghiệp 21 người, còn lại là nhóm nghề phi nông nghiệp. Tỷ lệ người học có việc làm sau đào tạo đạt 100%. Ước thực hiện công tác này của thành phố trong năm 2020 là 375 người, tỷ lệ người học có việc làm sau đào tạo đạt 100%. Các nghề được đào tạo gồm: Cắm hoa, nấu ăn đãi tiệc, thiết kế tạo mẫu tóc, trang điểm...

Đào tạo gắn với nhu cầu người học

Từ kết quả thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” đã hình thành một số mô hình có hiệu quả về kinh tế - xã hội, phù hợp với địa phương và đang được triển khai nhân rộng; đã có sự gắn kết hơn giữa đào tạo nghề với việc làm sau đào tạo, góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với đó, thông qua chương trình đào tạo nghề đã thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Người lao động được đào tạo có nhiều cơ hội tìm việc làm mới, tăng số lao động được giải quyết việc làm hàng năm, bảo đảm định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điển hình như hộ chị Nguyễn Thị Hải Yến ở khu phố Bình Đáng, phường Bình Hòa. Sau khi được đào tạo nghề nấu ăn và thực hành trong thực tế, chị Yến đã áp dụng vào công việc hàng ngày, cụ thể là nhận nấu ăn cho một công ty. Công việc này đã giúp cho chị có thu nhập hàng tháng đạt 7 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình chị nay đã ổn định hơn.

Ngoài ra, tại phường Bình Hòa còn có 1 tổ hợp tác nấu ăn được thành lập cách đây 5 năm, có 12 thành viên do bà Nguyễn Thị Ngọt làm tổ trưởng. Tất cả các thành viên của tổ đều là học viên được đào tạo nghề từ các lớp đào tạo nghề LĐNT. Thông qua tổ hợp tác, các thành viên của tổ kiếm thêm được mỗi năm hơn 56 triệu đồng, bổ sung vào nguồn thu nhập chính của gia đình.

Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội TP.Thuận An, cho biết trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; công tác đào tạo nghề cho LĐNT bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và điều hành của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về vai trò của dạy nghề gắn với nâng cao chất lượng LĐNT, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế địa phương. Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đề án được ban hành tương đối đầy đủ và kịp thời. Qua 10 năm thực hiện đề án, tỷ lệ LĐNT có việc làm sau khi học nghề vượt so với mục tiêu kế hoạch. Chất lượng lao động trên địa bàn đã có bước cải thiện đáng kể. Công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần giúp hàng ngàn lao động có việc làm, cải thiện được đời sống gia đình.

Ông Nam cho biết thêm, trong thời gian tới, TP.Thuận An tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT, đáp ứng theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP.Thuận An; xác định được nhiệm vụ và nâng cao vai trò trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể thành phố và UBND các xã, phường trong việc phát triển lực lượng lao động ở địa phương. Thành phố tập trung đào tạo nghề cho LĐNT thuộc diện bị giải tỏa của các dự án đầu tư quy hoạch khu, cụm công nghiệp, khu dân cư đô thị, lao động thuộc diện hộ nghèo, chính sách, người có công cách mạng và LĐNT trên địa bàn thành phố có nhu cầu học nghề phù hợp với tình hình hiện nay.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, quy mô đào tạo ngày càng tăng, chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên, hình thức và phương pháp đào tạo ngày càng đa dạng theo hướng gắn với nhu cầu người học, nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Thành phố đã xây dựng được nhiều mô hình dạy nghề cho LĐNT có hiệu quả, phù hợp với thực tế phát triển kinh tế ở từng địa phương, đem lại việc làm bền vững cho người lao động”.

(Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Thuận An)

 T.VY