Đào tạo nghề: Cầu nối giữa ba nhà

Thứ sáu, ngày 26/10/2018

(BDO) Để bảo đảm nguồn lực phục vụ Đề án Thành phố thông minh Bình Dương, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) đã tổ chức ký kết đào tạo nghề các nhóm ngành với một số sở ngành, hiệp hội ngành nghề trong hợp tác nhằm cam kết việc xác định nhu cầu, đào tạo cung ứng đúng, đủ nguồn nhân lực theo yêu cầu của xã hội.

 Phối hợp giữa ba nhà

Đối với lĩnh vực đào tạo nghề của tỉnh, việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu bức thiết. Đây chính là nhiệm vụ của Sở LĐ-TB&XH cũng như đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tham gia đào tạo, trong đó không thể thiếu ngành nghề liên quan đến máy tính và CNTT. Với những thành quả đã đạt được và định hướng trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội thảo và ký kết đào tạo nghề các nhóm ngành, nghề máy tính và CNTT trên địa bàn tỉnh Bình Dương dựa trên sự tương tác của Nhà nước (LĐ-TB&XH, Sở Thông tin và Truyền thông), nhà trường (các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có tham gia đào tạo lĩnh vực CNTT) và nhà doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT cùng tham gia để tìm được những giải pháp tốt nhất cho công tác đào tạo nguồn lực phục vụ cho yêu cầu phát triển của tỉnh đáp ứng nguồn lực thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương trong thời gian tới.

Sinh viên trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương thực hành mô hình điện thân xe

Mục đích của việc hợp tác là giải quyết được bài toán định hướng nguồn nhân lực CNTT cần đào tạo trong thời gian tới ở các cấp trình độ, các trường cần xây dựng chương trình đào tạo như thế nào để phù hợp yêu cầu của doanh nghiệp và vai trò quản lý nhà nước của các đơn vị có liên quan. Qua đó, Sở LĐ-TB&XH sẽ cùng ký kết chương trình phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông thực hiện các công việc cụ thể trong thời gian tới.

Để bảo đảm nguồn lực phục vụ Đề án Thành phố thông minh Bình Dương trong thời gian tới, trong đó có nhóm ngành nghề cơ - điện, Sở LĐ-TB&XH và Hiệp hội Cơ - Điện Bình Dương cũng đã thống nhất nội dung phối hợp giai đoạn 2018-2020, nhằm tăng cường phối hợp giữa ba nhà (Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp) để bảo đảm việc đào tạo đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời tạo cơ chế phối hợp thường xuyên, phát huy vai trò quản lý nhà nước của Sở LĐ-TB&XH và vai trò của Hiệp hội Cơ - Điện Bình Dương.

Theo đó, hàng năm, Hiệp hội Cơ - Điện Bình Dương cung cấp cho Sở LĐ-TB&XH các văn bản có liên quan đến chiến lược, dự án phát triển, nhu cầu nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực cơ - điện gắn với tầm nhìn thành phố thông minh Bình Dương trong thời gian tới. Từ đó, làm cơ sở để Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cho các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đào tạo phù hợp.

Hiệp hội Cơ - Điện Bình Dương phối hợp với các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh (gọi tắt các cơ sở giáo dục nghề nghiệp) có đào tạo lĩnh vực cơ - điện cam kết giới thiệu cho nhau các chuyên gia, giảng viên có năng lực về chuyên môn, giỏi kỹ năng nghề nghiệp và phương pháp sư phạm, bảo đảm khả năng có thể thực hiện được các nhiệm vụ giảng dạy, năng lực hướng dẫn thực hành nghề; cử giảng viên có năng lực, đủ điều kiện tham gia giảng dạy các chương trình đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và bồi dưỡng nghiệp vụ phù hợp với chương trình đào tạo của các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH phối hợp cùng Hiệp hội Cơ - Điện Bình Dương tổ chức cho giáo viên, giảng viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham quan, học tập kinh nghiệm và đưa học sinh, sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực cơ - điện.

Cầu nối hiệu quả giữa nhà trường và doanh nghiệp

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều nội dung, hình thức phối hợp, gắn kết với các doanh nghiệp trong đào tạo như: Hỗ trợ học bổng của doanh nghiệp cho học sinh, sinh viên học nghề; hợp đồng đào tạo cho lao động của doanh nghiệp; hợp tác đưa sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp; tổ chức cho học sinh, sinh viên, giáo viên dạy nghề tham quan tìm hiểu về doanh nghiệp; hợp tác xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo; tham gia xây dựng chương trình đào tạo; cung cấp thông tin tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, thông tin phản hồi chất lượng sinh viên tốt nghiệp; doanh nghiệp đã hỗ trợ thiết bị thực hành nghề cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp; bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp… Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện các cam kết về việc làm với thu nhập tốt cho người học, hoàn trả học phí cho người học nếu không có việc làm sau khi tốt nghiệp…

Để công tác gắn kết, phối hợp giữa ba nhà trong thời gian tới thực hiện có hiệu quả hơn, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết sở sẽ tiếp tục phối hợp với báo, đài, các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, học nghề và giải quyết việc làm trong giai đoạn hiện nay, góp phần dần thay đổi tâm lý sính bằng cấp đại học của một bộ phận người dân. Tiếp tục phối hợp với các sở ngành, hiệp hội ngành nghề trong tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ trong hợp tác nhằm cam kết việc xác định nhu cầu, đào tạo cung ứng đúng, đủ theo yêu cầu của xã hội. Triển khai tốt các nội dung hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc làm, cụ thể phối hợp trong giới thiệu, cung ứng và tuyển dụng lao động phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp; hợp tác xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; hợp tác trong tổ chức đào tạo nghề nghiệp; hợp tác bồi dưỡng kỹ năng nghề cho các nhà giáo và cán bộ, nhân viên trong các doanh nghiệp; phối hợp hướng dẫn thực hiện pháp luật về an toàn lao động, việc làm, tiền lương và bảo hiểm xã hội.

 “Căn cứ Chương trình số 22/CTr-TU ngày 15-8-2016 của Tỉnh ủy Bình Dương về “Phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân”, ngày 21-11-2016, UBND tỉnh đã chính thức phê duyệt Chương trình chiến lược đột phá của Bình Dương đến năm 2021 (còn gọi là Bình Dương Navigator 2021) và là trọng điểm của dự án Thành phố thông minh Bình Dương. Mô hình thành phố thông minh sẽ tập trung vào sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp. Đây là chương trình giúp Bình Dương phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó từng bước chuyển hóa từ nền công nghiệp sản xuất truyền thống sang sản xuất công nghệ cao và dịch vụ có hàm lượng chất xám cao, ít thâm dụng lao động, nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế địa phương”.

(Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

 

T.VY