“Đạo chích” trong bệnh viện

Thứ hai, ngày 27/10/2014

(BDO) Hiện nay, tình trạng trộm cắp, lừa đảo tại các bệnh viện đã biến tướng với nhiều chiêu thức, thủ đoạn khôn lường, mọi người nên cảnh giác để không rơi vào “mê hồn trận” của các đối tượng bất lương.

Các đối tượng bất lương thường trà trộn vào nơi có nhiều người bệnh để ra tay trộm cắp, lừa đảo. Ảnh: NGỌC HOÀNG

Trộm cắp, lừa đảo

Thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo, trộm cắp thường sử dụng là rảo quanh các phòng khám, trà trộn đóng giả người nhà của bệnh nhân, lợi dụng sơ hở là ra tay trộm cắp. Tiền và điện thoại di động là tài sản mà nạn nhân thường bị mất. Các đối tượng trộm cắp, lừa đảo trong bệnh viện đa số là những kẻ không nghề nghiệp ổn định, thuộc mọi lứa tuổi, từ già đến trẻ, chúng có thể “hóa thân” để “vào vai” thân nhân của người bệnh đang nằm điều trị tại bệnh viện để lân la làm quen với các nạn nhân; khi đã tạo được lòng tin, chúng bắt đầu tung chiêu, giở quẻ như: Mời họ ăn cơm, uống nước... đã tẩm thuốc mê, thuốc ngủ và cuối cùng là đợi nạn nhân ngủ say thì ra tay hành động.

Chị Nguyễn Thị Hồng (huyện Phú Giáo) chia sẻ: “Lúc trước, ba tôi nằm ở phòng cấp cứu ở một bệnh viện tư nhân để điều trị dài ngày. Sau nhiều đêm chăm sóc cho ba, tôi mệt quá ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Đến khi thức giấc thì chiếc điện thoại tôi sạc pin ở đầu giường đã “không cánh mà bay”. Anh Nguyễn Trọng Ngân (quê Tiền Giang), hiện đang làm công nhân cho một công ty ở huyện Dầu Tiếng tâm sự: “Đầu năm nay, khi vợ tôi trở dạ sắp sinh, tôi lật đật chuẩn bị tiền bạc, đồ đạc và các vật dụng cần thiết chở vợ vào bệnh viện. Trong lúc chờ vợ sinh, có một người đàn ông lạ mặt đến làm quen, tâm sự là anh ta cũng có vợ đang nằm chờ sinh trong bệnh viện. Lấy cớ là đêm đã khuya, người này mời tôi uống cà phê cho đỡ buồn ngủ. Do chủ quan nên tôi đã uống ly cà phê và giấc ngủ ập đến với tôi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy thì toàn bộ tư trang, tiền bạc bị mất sạch. Cũng may là tôi có người bạn cùng quê ở trọ gần bệnh viện chạy ra giúp đỡ, nếu không tôi cũng không biết xoay xở như thế nào nữa’’.

Cách phòng tránh bị trộm, lừa đảo

Bà Thái Cẩm Vân, Trưởng phòng Hành chính Quản trị Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, hiện nay bệnh nhân nhập viện có chiều hướng gia tăng, số lượt người trung bình ra vào bệnh viện khoảng 5.000 người/ ngày; do đó việc phát hiện và truy bắt các đối tượng trộm cắp, lừa đảo gặp rất nhiều khó khăn do chúng đã có sự tính toán đối phó với lực lượng bảo vệ và người dân từ trước. Nếu bị phát hiện thì lập tức chúng thay đổi quần áo, tư trang nhằm đánh lạc hướng, gây khó cho lực lượng bảo vệ trong việc truy tìm. Vì vậy, nếu người dân trình báo về việc mất trộm thì bệnh viện thường chỉ lập biên bản xử lý tạm thời, rồi chuyển đến chính quyền địa phương điều tra. Trong khi đó, ông Huỳnh Hữu Phước, Trưởng phòng Hành chính Quản trị Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Bình Dương cho biết, để hạn chế tình trạng trộm cắp, lừa đảo trong bệnh viện, lực lượng bảo vệ luôn túc trực 24/24 và được bố trí từ ngoài vào trong. Các phòng khám và phòng nội trú điều trị được sắp xếp theo hướng khoa học riêng biệt nhau. Bệnh viện cũng có bộ phận chăm sóc khách hàng hoặc hộ lý dẫn khách ra vào, vì thế việc các đối tượng bất hảo trà trộn vào bệnh viện để ra tay trộm cắp là rất khó.

Đề cập đến cách thức phòng chống lừa đảo, trộm cắp trong Bệnh viện tỉnh, bà Thái Cẩm Vân, nói hàng ngày bệnh viện có rất nhiều lượt người ra vào, bệnh viện lại trong quá trình cơi nới sửa chữa, xây mới, trong khi đó lực lượng bảo vệ còn mỏng nên công tác duy trì an ninh trật tự bệnh viện gặp một số khó khăn. Tuy nhiên không vì thế mà nhân viên, lực lượng bảo vệ lơ là, mất cảnh giác đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự trong bệnh viện. Biện pháp tuyên truyền, phổ biến các thủ đoạn của bọn lừa đảo, trộm cắp và nâng cao ý thức của mọi người được chú trọng. Hàng ngày vào lúc 10 giờ sáng và 18 giờ chiều bệnh viện có phát loa phóng thanh tuyên truyền nhắc mọi người phải luôn cảnh giác và tự ý thức bảo vệ tài sản của bản thân và những người xung quanh. Bên cạnh đó, việc tuần tra của lực lượng bảo vệ được duy trì thường xuyên, nhất là vào ban đêm nhằm bảo đảm an ninh, an toàn, tạo tâm lý an tâm, thoải mái cho bệnh nhân và người vào thăm nuôi.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Quản trị Bệnh viện Vạn Phúc, TP.Thủ Dầu Một nói, để đối phó với nạn trộm cắp, lừa đảo, bệnh viện đã trang bị hệ thống camera quan sát, mỗi giường bệnh đều được trang bị một tủ để bệnh nhận đựng đồ dùng cá nhân. Giờ thăm bệnh cũng được quy định trong quy chế của bệnh viện; người bán vé số, người bán hàng rong không được vào trong để buôn bán. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ cũng được sắp xếp bố trí hợp lý và liên tục tuần tra, kiểm tra.

 NGỌC HOÀNG - HUY BÌNH