Đánh thức tiềm năng du lịch Núi Cậu

Thứ tư, ngày 03/08/2022

(BDO) UBND tỉnh vừa tổ chức cuộc họp nghe các đơn vị tư vấn báo cáo “Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí rừng phòng hộ Núi Cậu gắn liền với hồ Dầu Tiếng” giai đoạn 2021-2030. Đây là đề án trọng điểm trong chiến lược quy hoạch phát triển nhóm ngành thương mại - dịch vụ chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ quy hoạch quần thể di tích Núi Cậu có tổng diện tích khoảng 1.600 ha, gồm 21 ngọn núi lớn nhỏ ở khu vực xã Định Thành (huyện Dầu Tiếng) thành khu du lịch sinh thái gắn liền hồ Dầu Tiếng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết mục tiêu của đề án là tận dụng tiềm năng, lợi thế thiên nhiên của khu vực để phát triển mô hình kinh tế du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Mô hình này hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho địa phương và người dân; từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong và lân cận khu vực quần thể Núi Cậu.

Sau đại dịch Covid-19, lãnh đạo tỉnh đã có những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt tới các sở, ngành, địa phương về việc xem xét mở lại các hoạt động du lịch trên địa bàn. Để kích thích ngành du lịch phát triển trở lại, tỉnh cũng đang nghiên cứu phương án hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi và từng bước hình thành, kiện toàn các mô hình du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết theo kế hoạch từ nay đến năm 2030, địa phương sẽ triển khai các hạng mục bao gồm: Quy hoạch và triển khai xây dựng du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao (leo núi, xe đạp địa hình); du lịch khám phá thiên nhiên, khám phá lịch sử vùng Núi Cậu; du lịch văn hóa, tâm linh chùa Thái Sơn; du lịch cắm trại về nguồn, sinh hoạt tập thể… ở khu vực quần thể khu di tích Núi Cậu. Địa phương cũng sẽ tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp, như: Du lịch cộng đồng với sản phẩm cây rừng, cây ăn quả, thủy sản trên đất rừng phòng hộ của hộ được khoán, có thể theo phương thức du lịch homestay hoặc farmstay.

Để dự án thật sự hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, lãnh đạo tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn và các sở ngành, địa phương liên quan có giải pháp quy hoạch bảo đảm về an ninh phòng thủ quốc gia. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cần được thực hiện công bằng, minh bạch, thỏa đáng, tránh khiếu nại, khiếu kiện của người dân gây mất an ninh trật tự… Việc đầu tư phát triển dự án cần bảo đảm chủ trương không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, có sự đồng thuận của cộng đồng.

ĐÌNH THẮNG