Đánh thức tiềm năng du lịch

Thứ hai, ngày 13/05/2024

(BDO)  Bên cạnh tiềm năng lợi thế về quỹ đất, huyện Dầu Tiếng còn có nhiều thế mạnh về phát triển đô thị, phát triển du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn, núi Cậu, rừng Kiến An. Đây sẽ là một trong những mũi nhọn trong những năm tới để huyện kêu gọi đầu tư, phát huy các tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương.

 Cảnh quan thiên nhiên của Dầu Tiếng là lợi thế để phát triển du dịch sinh thái, nghỉ dưỡng

 Phát triển hài hòa đô thị, dịch vụ

Sau khi công bố Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040, huyện tập trung xây dựng khu vực thị trấn Dầu Tiếng đạt các tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025. Để đạt các chỉ tiêu liên quan, huyện sẽ triển khai 2 khu trung tâm thương mại - dịch vụ tại thị trấn Dầu Tiếng.

Ông Nguyễn Phương Linh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết thời gian tới theo quy hoạch huyện sẽ đầu tư phát triển khu trung tâm thương mại - dịch vụ - khu dân cư thị trấn Dầu Tiếng, địa điểm tại khu phố 4B, thị trấn Dầu Tiếng với diện tích 27,78 ha, dự kiến triển khai giai đoạn 2025-2030. Cùng với đó là khu trung tâm thương mại - dịch vụ - dân cư phía tây bắc thị trấn Dầu Tiếng, với diện tích 60,9 ha, dự kiến triển khai giai đoạn 2025- 2030. Các xã Thanh Tuyền, Minh Hòa, Long Hòa phấn đấu đạt đô thị loại V, đồng thời phát triển các khu đô thị Thanh An, An Lập, Long Tân, Định Hiệp.

Bên cạnh chú trọng nâng cấp chất lượng đô thị, để tạo những đột phá mới trong phát triển kinh tế, huyện chú trọng quy hoạch phát triển 4 điểm du lịch lớn. Theo đó, tại khu vực ven hồ Dầu Tiếng đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh hồ là núi Cậu với nhiều cảnh quan thiên nhiên và các công trình tôn giáo, có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái kết hợp sân golf - du lịch thể thao, kết hợp du lịch văn hóa với quy mô 1.500 ha.

Trên lưu vực ven sông Sài Gòn qua địa bàn các xã Thanh Tuyền, Thanh An, thị trấn Dầu Tiếng sẽ phát triển các dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe, văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp sân golf với quy mô khoảng 350 ha.

 Chùa Thái Sơn (núi Cậu), một trong những địa danh du lịch hấp dẫn của Dầu Tiếng

Tại khu vực ven sông Thị Tính, đập Thị Tính tại xã An Lập, Định Hiệp, Long Tân, Long Hòa với lợi thế cảnh quan ven bờ sông kết hợp với các nông trại trồng cây ăn trái phù hợp phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái cao cấp kết hợp sân golf, du lịch giải trí… quy mô khoảng 580 ha.

Tại khu vực hồ Cần Nôm, xã Thanh An với lợi thế có cảnh quan đẹp tự nhiên sẽ có nhiều điều kiện để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái kết hợp sân golf, du lịch trải nghiệm khu nông nghiệp công nghệ cao, quy mô khoảng 1.150 ha. Đồng thời, huyện tăng cường phát triển vùng chuyên canh cây có múi khu vực sông Sài Gòn, sông Thị Tính và các hồ, kênh suối trên địa bàn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho bà con nông dân của huyện.

Doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tân, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Charm Group, chia sẻ quy hoạch vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040 là phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của huyện nhà. Khu vực hồ Dầu Tiếng, ven sông Sài Gòn, Thị Tính có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, những vùng khác có khả năng phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại. Việc kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các tuyến đường giao thông trọng điểm của huyện sẽ giúp cho Dầu Tiếng khai thác tiềm năng, phát triển mạnh mẽ hợn trong thời gian tới. “Tập đoàn Charm Group hiện đang xúc tiến tìm hiểu, đầu tư vào huyện Dầu Tiếng. Kinh nghiệm, thế mạnh chúng tôi đó là đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao”, ông Lê Văn Tân nói.

Trong khi đó tại hội nghị xúc tiến đầu tư huyện Dầu Tiếng, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng đã đặt nhiều kỳ vọng vào phát triển du lịch - “ngành công nghiệp không khói” với mục tiêu bền vững. Nhiều doanh nghiệp cũng đánh giá tiềm năng, thế mạnh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của huyện Dầu Tiếng giống như “viên ngọc thô”, nếu được đầu tư lớn sẽ mang lại nguồn lực phát triển kinh tế không nhỏ cho địa phương.

Ông Leo Lâm Vương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn - Thiết kế - Xây dựng Vertical Studio (Hồng Kông), cho biết tại Việt Nam Vertical Studio đã tư vấn cho nhiều đồ án. Trong tổng thể phát triển của huyện Dầu Tiếng có những điều kiện khác biệt với các địa phương khác. Trong đồ án quy hoạch của huyện đến năm 2040 đã tận dụng, khai thác triệt để điều kiện tự nhiên, cũng như các tiềm năng thế mạnh của huyện. Tiềm năng về phát triển du lịch của huyện là rất lớn, bên cạnh hồ Dầu Tiếng là sông Sài Gòn, sông Thị Tính…

“Với 3.500 ha để phát triển du lịch là tiềm năng để Dầu Tiếng tạo được sự bứt phá. Bên cạnh đó, đồ án quy hoạch của huyện đã khai thác triệt để về điều kiện tự nhiên, hệ thống giao thông kết nối. Dầu Tiếng có vùng cây ăn trái đặc trưng, tiềm năng du lịch sông nước, du lịch sinh thái, lịch sử… đó là những điều kiện rất tốt để phát triển du lịch. Bên cạnh những lợi thế về điều kiện tự nhiên, theo tôi thời gian tới huyện cần tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối. Cùng với đó các sở, ban, ngành của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm đến với huyện cũng như tỉnh Bình Dương”, ông Leo Lâm Vương kiến nghị.

 Có thể khẳng định, quy hoạch phát triển vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040 chính là cơ sở quan trọng để huyện tập trung cho công tác điều hành, quản lý, nhất là trong thu hút kêu gọi đầu tư. Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đều tin tưởng quy hoạch sẽ là tiền đề quan trọng để huyện phát huy các tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cũng như tìm các giải pháp để khắc phục những hạn chế, thúc đẩy tiến trình phát triển huyện bền vững trong thời gian tới.

 DUY KHANG - TÚ BÌNH