Danh hiệu cao quý của Nhà nước tạo động lực để nghệ sỹ tận tâm cống hiến
(BDO) Lễ trao tặng danh hiệu "Nghệ sỹ Nhân dân", "Nghệ sỹ Ưu tú" lần thứ 10 đã được tổ chức trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội sáng 6-3.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” cho các nghệ sĩ.
Sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức nhằm tôn vinh các nghệ sỹ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Với người nghệ sỹ, danh hiệu là động lực thúc đẩy họ tiếp tục rèn luyện, tận tâm cống hiến cho đất nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới dự buổi lễ và trao danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân tặng 125 nghệ sỹ.
Nhiều điểm mới ở lần xét tặng thứ 10
Việc trao tặng danh hiệu cao quý Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú được thực hiện lần đầu vào năm 1984. Trải qua 9 lần tổ chức, cả nước đã có 452 người được trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân; 2.621 gương mặt được trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: So với các kỳ trước, công tác xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú lần thứ 10 có nhiều điểm mới. Nghị định số 40/2021/NĐ-CP ngày 30/3/2021 của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nghệ sỹ.
Trong đó, quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn giải thưởng trong danh hiệu; cách tính quy đổi giải thưởng; bổ sung xem xét, xét tặng danh hiệu cho đối tượng có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc, được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Đồng thời, Nghị định đưa ra quy định về cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của cá nhân hướng tới những nghệ sỹ hoạt động nghệ thuật tự do; tỷ lệ phiếu bầu…
Hội đồng cấp Nhà nước đã nhận được 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú.
Hội đồng đã họp, bỏ phiếu, thống nhất 136 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân; 347 hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú đủ điều kiện báo cáo Thủ tướng xem xét trình Chủ tịch nước tặng danh hiệu đợt thứ 10.
Chủ tịch nước đã ký các Quyết định phong tặng danh hiệu, trong đó, có 125 Nghệ sỹ Ưu tú được tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân; 264 nghệ sĩ được tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, phối hợp với các bên liên quan rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng cải cách hành chính, bảo đảm điều kiện thuận lợi nhất cho các cá nhân trong quá trình xét tặng danh hiệu. Các hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu được thực hiện qua 3 cấp: Hội đồng cấp cơ sở; Hội đồng cấp Bộ/tỉnh và Hội đồng cấp Nhà nước. Hội đồng cấp trên chỉ xét các hồ sơ do Hội đồng cấp dưới trình.
Động lực cho nghệ sỹ không ngừng rèn luyện, cống hiến
Nhiều nghệ sỹ được trao tặng danh hiệu lần này chia sẻ: Danh hiệu cao quý của Nhà nước đã tạo động lực cho họ không ngừng rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm với xã hội.
Nghệ sỹ Phạm Thị Thanh Vân (sinh năm 1984), được công chúng biết đến với nghệ danh Ốc Thanh Vân, nữ diễn viên, người dẫn chương trình truyền hình. Chị được trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú lần này. Chia sẻ bên thềm lễ trao giải, Ốc Thanh Vân cho biết, chị vô cùng vinh hạnh khi được đứng ở Nhà hát Lớn trong sự yêu thương và cổ vũ của nhiều bạn bè, đồng nghiệp.
Nghệ sỹ Phạm Thị Thanh Vân nói: Trong đoạn đường hoạt động nghệ thuật, chị đã may mắn gặp nhiều người hỗ trợ, giúp đỡ. Chị tin rằng những nỗ lực của mình trong suốt thời tuổi trẻ là thực sự xứng đáng. Chị chưa từng nghĩ rằng mình làm nghệ thuật chỉ để dạo chơi mà luôn làm cho tới cùng, làm ở mức độ tốt nhất. Khi được trao tặng danh hiệu cao quý, nghệ sỹ Ốc Thanh Vân đã nghĩ ngay đến mẹ, gia đình và đặc biệt là đàn chị - Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Vân (Sân khấu kịch Hồng Vân) mà mình đã gắn bó từ năm 2005. Dù đã nhiều lần mặc áo dài trang trọng, đứng trong Nhà hát Lớn Hà Nội nhưng hôm nay Ốc Thanh Vân trào dâng cảm giác rất tự hào và hạnh phúc. Nghệ sỹ cho biết, khi có bất cứ cơ hội nào dù nhỏ, chị đều bằng nhiều cách giới thiệu về văn hóa, nghệ thuật của quê hương đến bạn bè khắp nơi trên thế giới.
Nghệ sỹ Thanh Lam là nữ ca sỹ tự do đầu tiên được trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú năm 2007 và lần này là Nghệ sỹ Nhân dân. Nữ nghệ sỹ tên đầy đủ là Đoàn Thanh Lam (sinh năm 1969 tại Hà Nội), là con gái của cố nhạc sỹ Thuận Yến nổi tiếng và Nghệ sỹ Ưu tú Thanh Hương chuyên về âm nhạc dân tộc. Ca sỹ Thanh Lam được công chúng cả nước biết đến với giọng ca đầy nội lực, sáng tạo và phong cách nổi bật.
Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Lam chia sẻ, với một người nghệ sỹ, dù có được trao tặng danh hiệu hay không, chị vẫn luôn luôn đi trên con đường đã chọn với niềm tin vào chính bản thân, tận hiến cho âm nhạc và công chúng. Thanh Lam cho rằng, danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân vừa là niềm tự hào cũng là một áp lực với mình, đòi hỏi người nghệ sỹ phải tiếp tục trau dồi, rèn luyện cho xứng đáng với danh hiệu Nhà nước trao tặng, tình yêu của công chúng dành cho mình. Với nghệ sỹ trẻ, Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Lam mong muốn các bạn tiếp tục làm nghề với một cái tâm trong sáng, tận hiến với đam mê của mình thì chắc chắn sẽ có những sản phẩm âm nhạc đẹp nhất.
Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam Lê Tuấn Cường cho rằng, việc trao tặng danh hiệu cao quý Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú là sự động viên rất lớn của Đảng, Nhà nước dành cho các nghệ sỹ. Để đạt được danh hiệu này, điều đầu tiên là các nghệ sỹ phải cống hiến hết mình cho nghệ thuật, hướng tới công chúng.
Nghệ sỹ Ưu tú Lê Tuấn Cường được trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân đợt này. Anh đã từng là diễn viên có lối diễn tự nhiên, biểu đạt được ngôn ngữ đặc thù của sân khấu chèo, bền bỉ sáng tạo trong từng vai diễn. Anh đã ghi dấu ấn với các vai Trần Phương trong "Súy Vân giả dại", lý trưởng trong "Quan âm Thị Kính"... Là một đạo diễn, anh đã thử sức và giành được nhiều giải thưởng với các vở diễn "Điều còn lại", "Chuyện tình hàn sĩ - đào nương", "Huyền thoại sông và núi", "Tiếng chuông"...
Đặc biệt, anh đã tích cực tham gia các dự án đưa nghệ thuật chèo đến với người trẻ bởi lẽ nghệ thuật truyền thống quý báu của cha ông muốn tồn tại, phát triển, thu hút khán giả thì phải có hơi thở thời đại. Trong đó, dự án "Chèo 48" đã góp phần đưa giới trẻ đến với loại hình văn hóa dân tộc đặc sắc thông qua các hoạt động tương tác hấp dẫn, mới lạ, hòa hợp giữa truyền thống và hiện đại.
Theo TTXVN