Thực hiện thông tư 30 của Bộ Giáo dục – Đào tạo:
Đánh giá năng lực, khích lệ tinh thần của học sinh
(BDO)
Năm học 2014- 2015 vừa qua có nhiều đổi mới, riêng đối với tiểu học, việc thực hiện đánh giá học sinh (HS) bằng nhận xét thay cho điểm số, theo tinh thần Thông tư 30 của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã giúp HS học tập nhẹ nhàng, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng giáo dục.
Thực hiện đánh giá bằng nhận xét, GV trường TH Bình Quới (TX.Thuận An) quan tâm sâu sát từng HS
Kết thúc năm học, HS tiểu học tỏ ra phấn khởi, vui tươi, những em học trung bình không còn so sánh với các bạn học giỏi để rồi buồn tủi, bởi theo quy định của Thông tư (TT) 30 không còn đánh giá kết quả học tập qua điểm số như trước. Tuy nhiên, ngày tổng kết, những HS học nổi trội vẫn được khen thưởng. Điều đó cho thấy, để nhận xét, đánh giá đúng năng lực học tập của HS, giáo viên (GV) cần quan tâm sâu sát các em hơn so với đánh giá bằng điểm số.
Việc thay đổi cách đánh giá HS tiểu học giúp GV điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học, giáo dục; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của HS để động viên, khích lệ và phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của HS để hướng dẫn, giúp đỡ; đưa ra nhận định đúng những ưu điểm nổi bật và những hạn chế của mỗi em để có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của HS; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học.
Cô Nguyễn Thị Kim Thoa, GV trường Tiểu học Hiệp Thành (TP.Thủ Dầu Một) cho rằng, để HS không học tập lơ là do không cho điểm số như trước, GV phải tích cực hơn trong giảng dạy, nhằm tạo hứng thú cho HS. Riêng cô, tùy theo môn học mà cô đã có sự sáng tạo trong cách dạy. Ví dụ như đối với bài tập đọc cô biến thành câu chuyện kể cho HS nghe, hoặc cho mỗi em đọc 1 câu. Cô cũng thường đưa những bài đồng dao vào giáo dục cho HS.
Để có những lời nhận xét chính xác từng HS, buộc GV phải theo sát từng em. GV có tâm, tận tụy, chu đáo, gần gũi HS thì việc đánh giá bằng nhận xét rất tích cực. Quan sát của chúng tôi ở một số trường, GV rất chịu khó đưa ra những lời nhận xét sâu sắc như: “Em đọc bài to, rõ, giọng đọc tốt, biết ngắt đúng nhịp. Em cần phát huy nhiều hơn nữa. Hoặc: em làm đúng, làm đủ. Tuy nhiên, không được gạch xóa nhiều trong bài…”. Với những lời nhận xét ấy, về nhà phụ huynh nhìn vào sẽ biết được con em còn khiếm khuyết ở chỗ nào để cùng nhà trường rèn luyện thêm cho các em. Mặt tích cực khác, từ những lời nhận xét, GV nhớ HS và quan sát HS kỹ hơn, để kịp thời bồi dưỡng các em theo năng lực học tập của từng em. Theo cô Võ Thị Thùy Hoa, GV trường Tiểu học Hưng Định (TX. Thuận An), trước đây chủ yếu GV giảng trò nghe, nay phương pháp giảng dạy chú trọng đến HS, kết hợp vừa giảng vừa tổ chức các hoạt động học mà chơi. Những em trả lời đúng cô tuyên dương trước lớp, tạo sự hứng thú học tập cho các em. Thực hiện đánh giá bằng nhận xét, nhưng cuối học kỳ và cuối năm học vẫn có 2 lần đánh giá HS bằng điểm số, qua đó GV biết được năng lực học tập của HS.
Tính tích cực của TT 30 là những HS yếu không còn tâm lý nặng nề về điểm kém và không còn đánh giá xếp loại HS theo các bậc giỏi, khá, trung bình hay yếu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chúng tôi ghi nhận những ý kiến phản hồi từ việc thực hiện thông tư này. GV thì cho rằng họ gặp nhiều khó khăn, mỗi buổi học phải ghi nhận xét đánh giá hàng chục HS. Ngoài ra, GV vất vả hơn vì số lượng sổ sách quá nhiều. Về phía phụ huynh thì than phiền một bộ phận GV nhận xét còn qua loa, khiến phụ huynh không đánh giá được đầy đủ năng lực học tập của con. Một phụ huynh đã nói, nếu GV không nhiệt tình, không có tâm, ngại khó do áp lực về những công tác khác dẫn đến việc nhận xét chưa đến nơi, đến chốn, còn sơ sài, làm cho phụ huynh chưa thỏa mãn trong việc nắm bắt tình hình học tập của con em mình.
Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Phó phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT:
Phụ huynh nên tin tưởng vào hiệu quả TT 30
Thực hiện theo TT 30, chúng tôi mong GV tận tụy, yêu nghề để nhận xét chính xác, kịp thời, đánh giá đúng năng lực HS. Ban giám hiệu cần tạo mọi điều kiện để GV thực hiện tốt việc giảng dạy trong lớp, đủ thời gian để gần gũi, quan sát, nhận xét HS. Tạo mối liên hệ giữa gia đình - nhà trường - xã hội thật tốt, thông tin, tuyên truyền ý nghĩa thiết thực của TT 30 đến HS.
Phụ huynh nên an tâm, tin tưởng vào hiệu quả TT 30, vì TT góp phần tích cực đánh giá HS, chứ không cản trở quá trình giảng dạy của GV và học tập của HS. Phụ huynh nên thường xuyên liên hệ với GV chủ nhiệm để nắm bắt kết quả học tập của con em, kịp thời giúp đỡ các em học tập, rèn luyện nhằm nâng cao chất lượng học tập.
HỒNG THÁI