Đánh bạc “rất dễ”… đi tù!
Nhiều bạn đọc thắc mắc vì sao có người đánh bạc bị bắt, kêu án tù, có người thì chỉ nộp tiền phạt?
Điều 248 Bộ luật Hình sự quy định tội đánh bạc như sau:
1. Người nào đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào, được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại điều này và Điều 249 của bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Chính từ việc quy định về “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc”, ở khoản b: Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà “có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc” có thể giúp cho con bạc thoát được tù tội hay không, tùy thuộc vào “cách hiểu” của cơ quan công an
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Có tính chất chuyên nghiệp; b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn; c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Như vậy, nếu đánh bạc dưới hình thức được thua bằng tiền có giá trị lớn (theo quy định là từ 2 triệu đồng trở lên) hoặc đã bị xử phạt hành chính về tội đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc; hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc chưa được xóa án tích mà nay vi phạm thì sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng; hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Nếu hành vi đủ cấu thành tội quy định tại Khoản 2 Điều 248 thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
+ Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp theo Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP quy định đánh bạc từ 5 lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2 triệu đồng trở lên) và lấy tiền, hiện vật do đánh bạc mà có làm nguồn sống chính thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 248 của Bộ luật Hình sự.
+ Phạm tội với số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn khi xảy ra một trong các trường hợp sau: Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một lúc cho từ 10 người đánh bạc trở lên hoặc cho từ 2 chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng. Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên.
+ Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 Bộ luật Hình sự quy định như sau: Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc thì không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét; cụ thể như sau: a) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 2 triệu đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc.
b) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2 triệu đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc đối với lần đánh bạc đó.
c) Trường hợp đánh bạc từ 2 lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2 triệu đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự;
d) Trường hợp đánh bạc từ 5 lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2 triệu đồng trở lên) và lấy tiền, hiện vật do đánh bạc mà có làm nguồn sống chính thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 248 của Bộ luật Hình sự.
“Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc” bao gồm: a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc; b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc; c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
Luật gia MINH TÂM