Đảng ủy phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một: Luôn quan tâm đến lợi ích thiết thực của dân
Trong phong trào thi đua dân vận khéo trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, Đảng ủy phường Phú Thọ đã có những cách làm hay, sáng tạo. Từ đó, đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân và huy động sức dân cùng chung tay xây dựng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương…
(BDO)
Các đoàn thể phường Phú Thọ trồng cây xanh bảo vệ môi trường. Ảnh: H.THUẬN
Những chủ trương hợp lòng dân
Để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó có hướng chỉ đạo kịp thời trong công tác dân vận, Đảng ủy phường Phú Thọ đã phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành (BCH) thường xuyên xuống các chi bộ để theo dõi, kiểm tra cũng như đôn đốc các hoạt động tại khu phố.
Ông Võ Đức Phong, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Phú Thọ, cho biết nhiều năm trước, khi có triều cường hay mùa mưa đến, bà con nhân dân sống ven sông Sài Gòn thuộc địa phận khu phố 5 và 6 thường phải chịu cảnh “sống chung” với lụt. Cuộc sống sinh hoạt của bà con vì thế bị xáo trộn rất nhiều. Từ đồ đạc trong nhà đến cây cối, hoa màu ngoài vườn đều bị ảnh hưởng. Để giúp dân, Đảng ủy, UBND phường đã huy động, vận động các lực lượng địa phương phối hợp khuân vác đồ đạc lên cao khi nước tràn vào nhà và dọn dẹp nhà cửa khi nước rút. Đến năm 2013, với sự hỗ trợ của Nhà nước, đoạn bờ bao ven sông Sài Gòn trên địa bàn khu phố 5 và 6 được đầu tư xây dựng và đã hoàn thành vào năm 2014. “Trước khi triển khai dự án, địa phương đã tổ chức họp dân, thông báo rộng rãi về mục đích, ý nghĩa công trình. Để người dân thấu hiểu, cấp ủy và Ban điều hành khu phố 5, 6 đã đến tận nhà dân vận động bà con chấp hành chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thực hiện tự tháo dỡ các công trình ảnh hưởng đến tiến độ cơi đắp bờ bao. Đây là một chủ trương hợp lòng dân, nên công tác vận động có nhiều thuận lợi, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đến nay, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Người dân khu phố 5, 6 bây giờ đã yên tâm hơn khi mùa mưa lụt đến”, ông Phong nói. Lợi ích mà công trình cơi đắp bờ bao mang lại có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân khu phố 5 và 6, nên bà con càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và chính quyền địa phương.
Một trong những mô hình được đánh giá cao, có ý nghĩa thiết thực đối với người dân trên địa bàn phường Phú Thọ là mô hình “Tiếng kẻng an ninh” đang triển khai trên địa bàn khu phố 8. Trước đây, nhiều hộ dân ở khu phố 8 do thiếu ý thức cảnh giác trong việc phòng chống tội phạm nên nạn trộm cắp thường hay xảy ra trên địa bàn. Trước thực trạng đó, song song với công tác tuyên truyền, vận động, Chi bộ và Ban điều hành khu phố đã thống nhất triển khai mô hình “Tiếng kẻng an ninh” để nhắc nhở bà con trên địa bàn nâng cao ý thức cảnh giác phòng chống tội phạm, đồng thời thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn. Từ 1 - 2 điểm kẻng ban đầu, đến nay, trên địa bàn khu phố 8 đã hình thành hơn 10 điểm kẻng. Sau một thời gian triển khai, âm thanh “Keng! Keng! Keng!” vào lúc 20 giờ hàng đêm đã trở thành thứ âm thanh quen thuộc đối với mỗi gia đình, mỗi người dân trên địa bàn. Với sự đồng tình của người dân, mô hình “Tiếng kẻng an ninh” hàng đêm đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn an ninh trật tự. Nạn trộm cắp trên địa bàn khu phố 8 vì thế cũng giảm đáng kể.
Huy động sức dân tham gia xây dựng địa phương
Ông Võ Đức Phong cho biết trong thời gian qua, ở các khu phố tuy có thực hiện việc tổ chức họp dân theo định kỳ để phổ biến, hướng dẫn nhân dân tích cực tham gia đóng góp và xây dựng chính quyền nhưng chưa được thường xuyên và hiệu quả chưa cao theo yêu cầu đề ra. Một số hạn chế trong việc tổ chức họp dân đã bộc lộ nhưng chưa được khắc phục đó là: Không huy động được nhân dân tham gia họp đều đặn tất cả các cuộc họp; số lượng dân cư trên địa bàn chỉ tham gia chưa đến 50% tổng số hộ dân cần tập hợp; nội dung của cuộc họp còn nghèo nàn về thông tin đưa đến người dân, những ý kiến của nhân dân chưa được người chủ trì giải quyết kịp thời; người chủ trì cuộc họp còn thiếu kiến thức về pháp lý để trả lời khi có những thắc mắc của người dự họp…
Xuất phát từ thực tế đó, Đảng ủy, UBND phường Phú Thọ đã xây dựng đề án “Nâng cao chất lượng họp dân ở khu phố” giai đoạn 2015-2018 với mục tiêu thông qua công tác tổ chức họp dân ở khu phố nhằm nâng cao ý thức của nhân dân trong việc chấp hành các quy định, pháp luật của Nhà nước tại địa phương, tạo được tiếng nói gần gũi giữa Đảng, Nhà nước và dân dân. Việc xây dựng đề án để triển khai thực hiện còn nhằm giáo dục, phát huy sức mạnh của toàn dân trong công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và một điều quan trọng nữa là qua đó sẽ trưng cầu được ý kiến, hiến kế, giám sát của nhân dân trong mọi hoạt động của địa phương. Bởi chính sự đồng tình, hưởng ứng tích cực từ phía nhân dân sẽ góp phần rất lớn trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Sau khi xây dựng, Đảng ủy đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở từng khu phố. Kết quả lấy ý kiến cho thấy, người dân trên địa bàn rất quan tâm và thống nhất cao với đề án trên. Hiện nay, Đảng ủy phường đang triển khai tập huấn kiến thức, kỹ năng thực hiện đề án cho các đồng chí trong BCH Đảng bộ, Bí thư chi bộ, Mặt trận, các hội đoàn thể, Ban điều hành khu phố, tổ trưởng tổ nhân dân tự quản để triển khai thực hiện. Đảng ủy cũng đã phân công mỗi thành viên BCH chịu trách nhiệm phụ trách một vấn đề và có phân công cán bộ chuyên trách theo dõi thực hiện đề án. Ban đầu, chọn khu phố 5, 6 và 8 để triển khai thí điểm, sau đó sẽ tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng ra toàn phường.
Sinh thời Bác Hồ đã từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Một địa phương muốn phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, chính quyền, rất cần có sự chung tay góp sức của toàn thể nhân dân. Đề án “Nâng cao chất lượng họp dân ở khu phố” của phường Phú Thọ đã thể hiện địa phương rất coi trọng sức dân và muốn huy động sức dân cùng tham gia xây dựng địa phương.
HỒNG THUẬN