Đằng sau chuyến thăm Hy Lạp của Ngoại trưởng Mỹ
(BDO) Chuyến thăm Hy Lạp của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo giữa lúc quan hệ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang căng thẳng được giới quan sát đánh giá là có những mục đích riêng, không chỉ nhằm dàn xếp căng thẳng mà còn nhiều vấn đề khác.
Chuyến thăm bắt đầu từ ngày 28-9 và sẽ kéo dài đến cuối tháng 9. Nơi đầu tiên ông Pompeo đặt chân đến là thành phố cổ kính Thessaloniki thuộc vùng Đông Bắc Hy Lạp và sau đó là thị trấn nhỏ Chania trên hòn đảo Crete nằm trong vùng biển đang có tranh chấp. Sang ngày 29-9, ông Pompeo đến Athens và hội đàm với lãnh đạo Hy Lạp để bàn về chuyện tăng cường hợp tác quân sự với nước này. Đây là một động thái có nhiều ẩn ý.
Theo trang tin điện tử EurActiv, việc ông Pompeo chọn 2 nơi đến đầu tiên trong chuyến thăm Hy Lạp là hoàn toàn không ngẫu nhiên. Đặt chân đến Thessaloniki là hành động tượng trưng cho mối quan tâm của nước Mỹ đến miền Bắc Hy Lạp, một vị trí có ý nghĩa khá đặc biệt trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ với Nga tại Hy Lạp và vùng Balkan kế cận. Ở một góc độ khác, miền Bắc Hy Lạp lâu nay vốn là nơi trú ngụ của các tỉ phú Nga giàu ảnh hưởng và họ cũng là những người có thể can dự vào chính trị tại địa phương. Đặt chân đến đây, ông Pompeo muốn cho người Nga thấy bắt đầu có sự xuất hiện của người Mỹ tại vùng đất này.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Còn trên đảo Crete, Mỹ có một căn cứ hải quân mạnh và hiện đang có ý định củng cố thêm. Ý định này lại trùng hợp với câu chuyện đang được bàn tán râm ran ở Washington về việc sẽ di dời căn cứ quân sự của Mỹ từ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Crete. Việc di chuyển này có liên quan đến quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ do nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề người Kurd, cuộc nội chiến tại Syria, việc Ankara mua tên lửa S-400 của Nga và tranh chấp trên vùng biển Đông Địa Trung Hải. Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh NATO quan trọng nhất trong khu vực, do đó Mỹ dù muốn cũng khó lòng triển khai các biện pháp mạnh tay với nước này. Trong cuộc xung đột nội bộ đó, Ankara cũng đã vài lần hăm dọa sẽ trục xuất quân đội Mỹ khỏi căn cứ ở Incirlik.
Về phía Hy Lạp, giới quan sát cho rằng chuyến thăm của ông Pompeo mang ý nghĩa rất quan trọng. Trải qua nhiều cuộc khủng hoảng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập niên qua, người Hy Lạp giờ đây đang thấm nhuần câu ngạn ngữ mà phái diều hâu tâm đắc: "Nếu bạn muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh". Athens đã thông báo sẽ tăng cường, củng cố năng lực quân đội để sẵn sàng ứng phó với tình hình an ninh đối ngoại mới đầy căng thẳng. Và Athens được cho là đang triển khai một chương trình nâng cấp trang bị vũ khí lớn chưa từng có, với nhiều máy bay chiến đấu, tàu chiến, trực thăng và các hệ thống tên lửa.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết, bên cạnh 18 chiếc máy bay chiến đấu do Pháp sản xuất và 4 chiến hạm đa năng, Hy Lạp cần phải nâng cấp ngay những chiếc chiến hạm và máy bay chiến đấu cũ kỹ. Bên cạnh đó, nhiều loại vũ khí hạng nhẹ và vũ khí công nghệ cao cũng được lên danh sách mua sắm. Ông Mitsotakis đã công bố kế hoạch tăng cường quốc phòng trị giá 6,8 tỉ euro (khoảng 8 tỉ USD).
Việc ông Pompeo chọn thăm căn cứ trên đảo Crete là một tín hiệu tích cực cho Athens, một mặt nó củng cố niềm tin rằng Washington đang muốn can thiệp để dập tắt xung đột đang diễn ra, mặt khác đó là sự bảo đảm cho mối quan hệ quân sự lâu dài và chắc chắn hơn nữa, nếu Washington thật sự di chuyển quân đội đồn trú từ Incirlik đến đảo Crete.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, chuyến thăm của ông Pompeo đến Hy Lạp khác chuyến thăm đảo Cyprus cách đây khoảng nửa tháng. Nó là minh chứng cho việc Washington tiếp tục không đứng về phía đồng minh NATO và tiếp tục gây áp lực mạnh hơn đối với Ankara nhằm buộc Ankara phải chấm dứt những yêu sách trên vùng biển đặc quyền của Hy Lạp. Ông Pompeo để ngỏ khả năng sẽ ghé sang Ankara để hội đàm với Tổng thống Erdogan về nhiều vấn đề liên quan nhưng việc đó hiện vẫn chưa thể khẳng định.
Quan hệ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên không êm thấm kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đánh chiếm đảo Cyprus vào năm 1974. Sau 16 lần đàm phán thăm dò nhằm giải quyết mâu thuẫn với sự can thiệp của cộng đồng quốc tế, quan hệ hai nước lại căng thẳng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ký kết hiệp định phân định ranh giới lãnh hải với Lybia hồi đầu năm 2019, trong đó bảo trùm cả những vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Hy Lạp. Căng thẳng đã bùng phát leo thang sau khi Ankara điều tàu thăm dò Oruc Reis với sự hộ tống của nhiều tàu chiến đi sâu vào vùng biển tranh chấp ngoài khơi đảo Cyprus để khoan thăm dò khí đốt từ hôm 10-8.
Đến ngày 13-9, dưới sức ép từ EU và Mỹ, Ankara rút tàu Oruc Reis về để tạo điều kiện cho hoạt động ngoại giao, căng thẳng tạm thời không còn leo thang thêm nữa nhưng vẫn chưa thể gọi là hạ nhiệt. Liên minh châu Âu tạm thời thở phào nhẹ nhõm.
Tuy nhiên, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vẫn chưa “chịu thua”. Ông tuyên bố, việc rút tàu Oruc Reis về chỉ là hành động nhằm đáp ứng lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, đồng thời khẳng định Ankara sẽ không từ bỏ quyền lợi của mình trong vùng biển Đông Địa Trung Hải. Ông đã gửi thư cho 25 nước thành viên EU tố cáo Hy Lạp và Cyprus cố tình làm căng thẳng leo thang. Ngày 1-10 tới, EU dự kiến sẽ họp thượng đỉnh, trong đó việc áp dụng các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ được thảo luận.
Ngày 13-9, ngay sau khi tàu Oruc Reis rút đi, Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellarropoulou đã đến thăm hòn đảo Kastellorizo. Ngày 25-9, một chiếc thiết bị bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ bay lượn bên trên hòn đảo này mở nhạc quốc ca Thổ Nhĩ Kỳ và thả sơn màu đỏ lên hình quốc kỳ Hy Lạp được khắc trên mặt đá trên đảo. Như vậy, có thể thấy chỉ hành động rút tàu Oruc Reis ra khỏi vùng biển tranh chấp là chưa đủ để làm hạ nhiệt căng thẳng mà cần phải có thêm những hoạt động ngoại giao mạnh mẽ hơn nữa.
Theo CAND