Đăng ký xe máy điện từ ngày 1-6: Vẫn còn nhiều lúng túng
Theo số liệu của Bộ Công an, tính đến hết năm 2013 trong cả nước mới chỉ có 21 xe máy điện thực hiện việc đăng ký biển số theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (quy định này có hiệu lực từ ngày 1-7-2009). Sau nhiều năm quy định này bị bỏ ngỏ, gần đây được siết chặt kể từ ngày 1-6-2014 theo tinh thần Thông tư 15 của Bộ Công an.
Quê ở địa phương này, nhưng mua xe ở địa phương khác thì phải đăng ký xe ở đâu, vì phải có hộ khẩu thì mới đăng ký xe được; sau này nếu xảy ra chuyện “phạt xe không chính chủ” thì người mua sẽ bị “mệt” vì phần lớn khi mua xe đều do phụ huynh đứng tên mà đối tượng sử dụng thường là học sinh, sinh viên. Nhiều học sinh và cả phụ huynh cho đến nay vẫn còn chưa biết đến quy định mới này, ngay cả một số người đã biết qua thông tin báo, đài nhưng cũng chưa kịp đăng ký vì chưa rõ những điều kiện cần và đủ, những loại giấy tờ cần thiết khi làm thủ tục đăng ký là những thắc mắc hiện nay của những gia đình có mua xe máy điện.
Nếu như ở các thị xã, thành phố lớn, việc tiếp cận thông tin tương đối dễ dàng mà nhiều người còn chưa kịp biết Thông tư 15 của Bộ Công an quy định xe máy điện bắt buộc phải đăng ký biển kiểm soát mới được phép lưu thông, thì ở các huyện, xã... thông tin này có lẽ sẽ chưa đến được với các tầng lớp nhân dân. Ngay bản thân người viết, đã từng mua một chiếc xe máy điện cách đây vài năm, giờ không biết lấy đâu ra hóa đơn để đăng ký biển số xe.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, trong số những xe chạy điện đang được sử dụng có đến 70% là xe máy điện và 30% là xe đạp điện. Căn cứ vào các quy định hiện hành thì xe máy điện phải tuân thủ các quy định như xe máy dưới 50cm3 là phải có đăng ký, đăng kiểm, đội mũ bảo hiểm khi lưu thông và quy định về độ tuổi cho người điều khiển.
Chủ một cửa hàng bán xe đạp, xe máy điện ở chợ Thủ Dầu Một (phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, cho biết khi thực hiện quy định của Thông tư 15, nhiều người dân sẽ gặp phiền phức vì mua lại xe máy điện của chủ cũ mà không sang tên đổi chủ. Là chủ một cửa hàng kinh doanh, ông mong rằng những chủ cửa hàng buôn bán xe máy điện sẽ được cơ quan chức năng địa phương tổ chức phổ biến, tập huấn về Thông tư 15, giúp người bán hiểu rõ những quy định cụ thể, để có thể hướng dẫn khách hàng của mình tuân theo quy định của pháp luật.
Được biết, đối với xe máy điện được mua từ ngày 1-7-2009 trở về trước, nếu thiếu hoặc mất giấy tờ sẽ phải làm đơn và có cam kết. Trong trường hợp đó chính quyền, UBND xã hoặc phường sẽ xác nhận để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện đến đăng ký tại phòng cảnh sát giao thông hoặc công an quận, huyện. Đối với những trường hợp xe mua sau thời điểm 1-7-2009, cần phải có hồ sơ nhập khẩu hợp lệ, có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn đã được công bố. Ngoài ra, xe sản xuất, lắp ráp phải có phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải.
Tuy nhiên, để việc thực hiện quy định trên đạt hiệu quả cao, giúp người dân hiểu và tuân thủ quy định của Thông tư 15, cần phải có thời gian tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, mỗi cảnh sát giao thông phải là một tuyên truyền viên tích cực để người dân nhận thức, hiểu rõ và chấp hành việc đăng ký xe. Nếu không đăng ký thì đến thời điểm nào đó xe sẽ bị tạm giữ hoặc bị xử phạt...
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định đối với các phương tiện xe cơ giới phải đến cơ quan chức năng làm thủ tục đăng ký, phải gắn biển số theo quy định. Trường hợp xe máy điện không có đăng ký xe mà lưu thông ra đường sẽ bị cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý vi phạm theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Với hành vi vi phạm không có Giấy chứng nhận đăng ký xe, sẽ bị xử phạt theo Điểm a, Khoản 3, Điều 17 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng, biện pháp ngăn chặn tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.
BÌNH MINH