Dân Campuchia sôi sục phản đối phe đối lập xuyên tạc lịch sử
Các nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ bị xúc phạm và tổn thương vì tuyên bố của lãnh đạo đối lập
Tại thủ đô Phnom Penh, cuộc tuần hành diễn ra với sự tham gia của khoảng 10.000 người, nhiều người trong số này từng là tù nhân trực tiếp hoặc có người thân bị giết hại trong thời gian cầm quyền gần 4 năm của Khmer Đỏ tại Campuchia, từ 1975 đến 1979.Những người biểu tình giương cao các khẩu hiệu và biểu ngữ mang nội dung “Kem Sokha còn hèn nhát hơn cả Duch,” “Chúng tôi vô cùng phẫn nộ vì tuyên bố của Kem Sokha rằng nhà tù Toul Sleng là một sản phẩm dàn dựng,” “Kem Sokha là người đầu tiên dám xúc phạm đến linh hồn các nạn nhân đã chết vì Khmer Đỏ”…
Sau cuộc biểu tình rầm rộ tại khu vực trung tâm thủ đô Phnom Penh, những người tham gia tiếp tục tập trung trước trụ sở của Đảng Cứu quốc Campuchia gửi đến lãnh đạo đảng này một bản kiến nghị.
Dẫn đầu đoàn là ông Chhum Mey, 83 tuổi, một trong 7 người may mắn sống sót khỏi nhà tù S-21 khét tiếng trong tổng số gần 17.000 tù nhân của nhà tù này. Ông Chhum Mey cho biết, các nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ muốn ban lãnh đạo Đảng Cứu quốc Campuchia phải làm rõ quan điểm của đảng này trước những tuyên bố của Quyền Chủ tịch Kem Sokha.
Ông Chhum Mey nói: “Chúng tôi muốn biết đây là lập trường của Đảng Cứu quốc Campuchia hay chỉ là quan điểm cá nhân của ông Kem Sokha. Thái độ ngang ngược của ông Kem Sokha là vấn đề mà Đảng Cứu quốc Campuchia cần xem xét, xem ông ta có đủ tư cách là ứng cử viên nghị sĩ Quốc hội hay không, trong trường hợp ông ta nhất định không chịu xin lỗi công khai như đề nghị của chúng tôi.”
Người biểu tình giơ cao hình ảnh về tội ác của Khmer Đỏ
Trước đó, trong hai ngày 17 và 18-5 vừa qua, khi phát biểu vận động tranh cử tại các tỉnh Takeo và Prey Veng, Kem Sokha, Quyền Chủ tịch Đảng Cứu quốc Campuchia đối lập đã cho rằng, các hiện vật và hình ảnh nạn nhân được trưng bày trong Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng ở thủ đô Phnom Penh là giả, và chính Việt Nam đã dựng lại nhà tù S-21, tức Bảo tàng Toul Sleng, như ngày nay.Những tuyên bố của Kem Sokha được đưa ra trong khi Tòa án đặc biệt của Liên Hợp Quốc về xét xử tội ác của Khmer Đỏ tại Campuchia vẫn đang diễn ra. Năm 2010, Tòa án này kết án chung thân đối với Kaing Guek Eav (hay còn gọi là Duch), cựu chỉ huy nhà tù S-21. Quá trình xét xử đang được thực hiện với các lãnh đạo Khmer Đỏ còn sống là Nuon Chea và Khieu Samphan. Ieng Sary, nhân vật số 3 của chế độ Khmer Đỏ đã chết ở tuổi 88 ngày 14-3 vừa qua.
(VOV)