Dám ước mơ, dám thực hiện
Thiếu thốn tình cảm của cha từ nhỏ, sống cuộc sống nghèo khổ cùng mẹ, thế nhưng cô học trò Ngưu Thị Thu, người đồng bào dân tộc Khmer, hiện là học sinh (HS) lớp 12A, trường THPT Phước Vĩnh, Phú Giáo vẫn gắng vượt khó học tập, suốt 12 năm liền là HS khá, giỏi. Theo Thu, tất cả mọi người đều có quyền được mơ ước, dám ước mơ, dám thực hiện con người mới tìm thấy chính mình. Không những là HS khá, Ngưu Thị Thu tại ấp Nước Vàng, xã An Bình, Phú Giáo còn được mọi người biết đến như là một tấm gương về lòng hiếu thảo, siêng năng, luôn giúp đỡ mọi người.
Thu đọc sách cho mẹ nghe
Chị Ngưu Thị Thà (mẹ Thu) kể, chị lấy chồng và theo chồng về Bình Phước sinh sống tại vùng nông thôn nhưng hai vợ chồng không có nổi một mảnh đất cắm dùi, phải đi làm thuê, làm mướn. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi Thu ra đời. Không chịu nổi cảnh khổ cực, bố Thu đã bỏ hai mẹ con đi lấy vợ khác khi Thu được 7 tháng tuổi. Nhà cửa không, nghề nghiệp không, chị đã đưa con về nhà bà ngoại ở nhờ.
Đến tuổi đi học, nhìn bạn bè tung tăng đến trường mà em không khỏi tủi thân và chạnh lòng. Bất cứ lúc nào, khao khát lớn nhất của Thu vẫn là được đi học, được học chữ. Nhiều lúc thấy các bạn trong xóm đi học về, ê a cầm sách đọc bài, em đứng nghe và đọc theo. Nhìn cảnh đau lòng đó, mẹ Thu đã cố gắng tiết kiệm để mua cho con cuốn sách, bộ đồ mới và dẫn Thu đến lớp. Chị Thà tâm sự: “Tôi nghĩ trước đây gia đình quá khó khăn, buôn làng ít ai được đi học nên không biết chữ là chuyện thường. Hiện giờ, cuộc sống khá hơn trước chẳng lẽ lại cam chịu cảnh để con mình thất học. Bởi vậy, tôi đã cố gắng tìm mọi cách cho con đi học. Tôi chỉ mong con tôi đi biết đọc lấy cái chữ, ký được cái tên”.
Thương mẹ một nắng hai sương, sớm tối tần tảo làm lụng vất vả, ngoài việc phụ giúp mẹ nhặt củi bán, thổi cơm quét nhà, Thu chăm chỉ học tập luôn phấn đấu đạt được những thành tích xuất sắc. Không chỉ học để đọc được chữ mà Thu còn liên tục đạt HS khá, giỏi 12 năm liền. Khi được hỏi điều gì là động lực giúp em học giỏi? Thu tâm sự: “Vì hoàn cảnh gia đình em khó khăn, nhiều đêm giật mình tỉnh giấc thấy má mình ươn ướt, em biết đêm đó mẹ lại không ngủ. Mẹ khóc vì quá lo cho tương lai của em. Những giọt nước mắt của mẹ đã thôi thúc em phải cố gắng học tập thật nhiều, nhiều hơn nữa để không phụ lòng mong mỏi và vất vả của mẹ”.
Một mình nuôi con đã khó, giờ lại cho con đi học, kinh tế gia đình càng khó khăn hơn. Được sự quan tâm của UBND xã, gia đình em đã được xây tặng căn nhà tình thương với tổng trị giá 7 triệu đồng trên đất của bà ngoại. Ngoài ra, em còn được miễn học phí, được tặng quà vào những dịp lễ, tết... những món quà tuy nhỏ nhưng cũng đã là động lực, động viên Thu học tốt, sống cho ích cho xã hội.
Học cấp I, Thu may mắn được cô giáo chủ nhiệm nhận đỡ đầu. Buổi sáng đi học, buổi chiều trông con giúp cô. Cô đã lo cho em từng miếng ăn, sách vở, quần áo. Trên lớp cũng như ở nhà, những bài toán khó, bài văn nhiều nghĩa... bạn nào chưa hiểu, cô đều ân cần chỉ dẫn lại. Những đức tính của một giáo viên gương mẫu đã “in hằn” vào tâm trí Thu và cũng từ lúc đó ước mơ trở thành cô giáo được hình thành trong em.
Thu tâm sự: “Em rất biết ơn cô giáo chủ nhiệm, cô là người giúp em học tốt hơn và “thắp lửa” đam mê nghề giáo trong em. Cô thường xuyên động viên em, dù có khó khăn cũng không lùi bước, nếu vấp ngã phải biết đứng dậy đi tiếp. Trước cuộc sống khó khăn, chỉ có học thành tài mới mong thoát nghèo, đền đáp công ơn nuôi dưỡng của mẹ, công ơn dạy dỗ của thầy cô. Những lời dạy của cô đã tăng thêm nghị lực, định hướng tương lai cho em”.
Sang cấp II, III cuộc sống khó khăn hơn khi em phải học xa nhà. Hàng ngày em phải đi bộ gần 5 cây số để đến trường. Để kiếm tiền mua sách vở, quần áo, đồ dùng học tập cần thiết, Thu đã theo mẹ lên lô cao su mót mủ, chặt sắn thuê... Nhìn những tấm giấy khen, giấy chứng nhận được dán cẩn thận trên tường, chúng tôi thật sự ngưỡng mộ trước tấm gương vượt khó học giỏi. Trong hàng loạt giấy khen, tôi đặc biệt chú ý đến giấy chứng nhận học bổng “Đèn đom đóm” cho HS nghèo vượt khó, học giỏi; giấy chứng nhận Cháu ngoan Bác Hồ tại TP.HCM năm 2002... Khi chúng tôi hỏi em về bí quyết để học giỏi, Thu chia sẻ: “Em thường xem bài trước ở nhà, lên lớp chú ý nghe giảng để nắm bài, chỗ nào không hiểu tranh thủ giờ ra chơi em hỏi thầy cô và trao đổi cùng bạn bè để chia sẻ kiến thức. Về nhà tranh thủ làm tất cả bài tập để hiểu sâu và củng cố kiến thức đã học”.
Để hiện thực ước mơ và thuận tiện cho việc đi học, em đã đăng ký thi đại học tại trường Đại học Thủ Dầu Một. Khi nói về ước mơ của con, trong ánh mắt chị Thà thoáng hiện một niềm vui xen lẫn nỗi băn khoăn. Hỏi ra mới biết, chị đang lo lắng tiền học phí, ăn ở của con trong suốt 4 năm học đại học. Anh đồng nghiệp tôi an ủi chị, “hiện nay đã có chính sách quan tâm của Đảng, chính quyền dành cho những em HS người đồng bào dân tộc thiểu số học giỏi. Các em đi học sẽ được sắp xếp ở ký túc xá của trường và cấp tiền ăn”. Nghe những lời đó, gương mặt hai mẹ con Thu như bừng sáng. Qua đôi mắt sáng long lanh của em, chúng tôi tin rằng em sẽ học thật tốt để biến ước mơ thành hiện thực.
Q.TÁM - T.LÝ