Đam mê đồ cổ, đâu chỉ người già ?
(BDO) Yêu thích những đồ vật cổ làm từ gốm sứ từ khi còn nhỏ, chàng trai trẻ Lê Minh Thiện ở khu phố Nhị Đồng 2, phường Dĩ An (TX.Dĩ An) đã bén duyên với công việc sưu tầm những đồ vật cổ xưa. Dày công sưu tầm, niềm đam mê đồ gốm sứ cổ cùng với ước mơ lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử của anh Thiện đã được thực hiện…
Anh Thiện chăm sóc rau thủy canh trong khuôn viên quán để tạo không gian xanh
20 năm ấy biết bao nhiêu tình
Những ngày còn học tiểu học, nghe câu chuyện kể từ ba mẹ về vật dụng gốm sứ có giá trị và gắn bó với đời sống hàng ngày từ thời ông bà, Lê Minh Thiện đã rất yêu thích và bắt đầu giữ gìn các đồ vật gốm sứ trong gia đình. Đến năm học trung học phổ thông, tiền ba mẹ cho đi học tiêu vặt, anh dành dụm để mua những món đồ gốm sứ. Anh kể: “Hồi đó mua mấy cái bình mà sợ ba mẹ không đồng ý nên cất giữ ở nhà các cô, các chú, lâu ngày sau tôi mới dám đem về nhà”.
Tốt nghiệp phổ thông trung học, anh Thiện tham gia công tác trong lực lượng dân quân ở địa phương và sau đó công tác ở Hội Nông dân phường. Để thỏa niềm đam mê, anh đi nhiều nơi vùng gốm sứ nổi tiếng trong tỉnh như Lái Thiêu (TX.Thuận An), Tân Phước Khánh (TX. Tân Uyên), Chánh Nghĩa (TP. Thủ Dầu Một), các điểm bảo tàng và những người sưu tầm đồ cổ ở TP.Hồ Chí Minh để tìm hiểu và sưu tầm.
Trong quá trình đi tìm sưu tầm đồ gốm cổ, anh Thiện có một kỷ niệm về bình gốm cổ đẹp, yêu thích ngay từ cái nhìn đầu tiên. Anh kể: “Năm 2004, tôi đi xe đạp ngang một nhà gần cầu Ông Bố (TX.Thuận An). Nhà này có đám giỗ nên đem bình ra bàn thiên ngoài sân để cắm hoa dâng cúng trời đất. Tình cờ tôi thấy rồi đứng lại nhìn bình. Cảm giác thấy được bình hoa đẹp, tôi rất vui thích. Bình hoa cao 38cm, có tích Phúc - Lộc - Thọ, dấu mộc của lò Thái Dương; vừa ý nghĩa, vừa có dáng đẹp, chất men lại tốt. Vài ngày sau, tôi đến nhà hỏi mua mà không nghĩ đến việc có đủ tiền mua hay không. Nhưng khi tôi hỏi mua thì gia đình không bán vì là bình cổ gia truyền có tuổi thọ nhiều đời ông bà nên để làm kỷ niệm. Cứ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng tôi lại đến xin vào nhà để được nhìn ngắm cái bình. Tôi đi như thế khoảng hơn 3 năm, gia đình thấy vậy nên mở lời bán với giá 1,4 triệu đồng. Khi có được cái bình này, niềm vui trong tôi cứ luôn dâng trào một cách khó tả”.
Anh Lê Minh Thiện (trái) trao đổi thông tin về hiện vật cho các bạn trẻ đến quán “Gĩ An” tìm hiểu về văn hóa, truyền thống lịch sử
Sau gần 20 năm tìm kiếm và sưu tầm, đến nay, anh Thiện có khoảng 300 hiện vật với số lượng hơn 1.000 cái. Các món đồ cổ gốm sứ anh sở hữu được có tô, chén, đĩa, bình, chum… Bên cạnh đó, anh còn có bộ sưu tập tem qua các thời kỳ, tiền giấy Việt Nam qua các thời kỳ, huy hiệu đeo áo nhiều năm của các trường, những cây viết do các công ty sản xuất có dấu mộc kính tặng, đèn măng xông, các vật dụng gia đình, bàn ghế, tủ gỗ cổ…
Những đồ gốm sứ anh sưu tầm được đa số ở Lái Thiêu (TX.Thuận An) có giá trị lịch sử lâu năm. Trong số đó có bình “Lưỡng long chầu nhật” được sản xuất vào khoảng năm 1930, dáng bình bá huê tôn, vẽ 2 con rồng giao nhau giữa mặt trời và bình “Rồng giáo tử”, vẽ 1 con rồng lớn trên trời và 1 con rồng con dưới nước bay lên…
Sở hữu được hiện vật nào anh đều tìm hiểu lịch sử, văn hóa gắn liền với hiện vật. Anh Thiện cho chúng tôi xem nhiều bình gốm được sản xuất tại quê hương Dĩ An và cho biết: “Những sản phẩm gốm ở Dĩ An tôi sở hữu được là của lò Ceram Di An do ông Lê Bá Đáng làm chủ. Các hiện vật gốm Dĩ An đa số làm thủ công và được làm khoảng từ 1960-1980 thì ngưng sản xuất và hiện nay không còn dấu tích của lò gốm nữa. Trước đây, lò gốm này nằm trên địa bàn phường Tân Đông Hiệp cách ngã ba Cây Điệp khoảng 200m. Sản phẩm gốm Dĩ An sản xuất ra đa số là hàng xuất khẩu; do đó, hiện vật gốm Dĩ An không nhiều như những hiện vật của các dòng gốm Lái Thiêu, Tân Phước Khánh, Thành Lê. Hiện nay, tôi rất vui vì được sở hữu 5 hiện vật của địa phương mình đang sống”.
Theo kinh nghiệm, tìm hiểu của anh Thiện thì những sản phẩm gốm sứ trang trí vẽ thủ công có nét đậm - nhạt, không đều, nhìn sống động; còn dùng máy in thì hình ảnh nét đều màu như nhau và có điểm - đường kết nối. Thú vị hơn là khi vẽ thủ công, nhiều sản phẩm gốm sứ có tích lạ và hay hơn... “Gặp và mua được đồ cổ cũng là cái duyên, vì vậy tôi rất quý và trân trọng những món đồ cổ mà mình sưu tầm được. So với các bậc đàn anh đi trước và nhiều người khác sưu tầm thì những hiện vật tôi sưu tầm được không là bao”, anh Thiện chia sẻ.
“Gĩ An” lưu giữ văn hóa lịch sử
Anh Thiện tiết lộ, hiện anh đã mở quán cà phê “Gĩ An” để tự lập và mong muốn trưng bày những món đồ cổ xưa, cùng trao đổi với những người cùng sở thích; đồng thời là nơi gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống để các bạn trẻ tìm hiểu, cảm nhận ngôi nhà ngày xưa. Từ cái tên quán “Gĩ An” được anh Thiện chọn đặt đã có ấn tượng lịch sử. Anh Thiện cho biết: “Gĩ An là địa danh có từ thời Nguyễn. Khi ấy, làng Gĩ An thuộc hạt Gia Định, rồi quận Dĩ An thuộc Thủ Đức vẫn còn sử dụng Gĩ An và Dĩ An. Sau này, khoảng năm 1950 quận Dĩ An thuộc Biên Hòa thì tên Gĩ An không còn sử dụng nữa”.
Ý tưởng mở quán cà phê theo lối cổ xưa, trưng bày những vật cổ đã có trong anh từ hồi còn đi học. Để thực hiện mong muốn và ước mơ này, cách đây 5 năm, khi sưu tầm được nhiều đồ cổ anh bắt đầu gầy dựng mô hình quán bằng việc tìm mua ngôi nhà gỗ, bàn ghế gỗ xưa để chuẩn bị cơ sở vật chất hình thành. Năm 2017, anh định mở quán nhưng gia đình không đồng ý. Anh Thiện lại tiếp tục sưu tầm những đồ vật cần thiết cho quán và vẫn ấp ủ, từng bước thực hiện ước mơ của mình. Đến năm 2019, anh Thiện tự tin xây dựng và quán đã đi vào hoạt động vào những ngày đầu tháng 7-2019 tại 129 Nguyễn Tri Phương, khu phố Nhị Đồng 2, phường Dĩ An.
Quán Gĩ An của anh Thiện được Phường đoàn Dĩ An chọn là Hội quán thanh niên để sinh hoạt, chi đoàn, chi hội, sinh hoạt chính trị và tìm hiểu lịch sử. Đến với quán Gĩ An, chúng tôi được hòa mình trong không gian mộc mạc của chất xưa từ bàn, ghế, tủ, các vật trang trí thân thiện; ngắm nhìn những đường nét, hoa văn đẹp mắt trên các hiện vật gốm sứ và chiêm ngưỡng đồ vật cổ được trưng bày. Không gian cổ xưa của quán còn được anh Thiện gắn với mô hình nông nghiệp xanh. Trong thời gian tới, anh Thiện sẽ bày trí trong quán thêm nhiều tư liệu, hình ảnh, bài viết về những di tích, văn hóa, lịch sử của địa phương. Anh Thiện bảo, anh cảm thấy rất vui khi tự lập và tạo việc làm cho các bạn sinh viên có thêm thu nhập trang trải trong học tập.
“Gĩ An” quán là thành quả có được từ sự quyết tâm và ý chí của anh Thiện - người sưu tầm đồ cổ và góp phần lưu giữ, giới thiệu văn hóa, lịch sử địa phương.
KIM TUYẾN