Đậm đà truyền thống, vươn tầm tương lai - Kỳ 1

Thứ hai, ngày 05/04/2021
LTS: Song song với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, Bình Dương luôn quan tâm đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa xã hội và đã đạt được những kết quả tích cực. Luôn trân quý các giá trị truyền thống, Bình Dương đang tiếp tục dành sự quan tâm đúng mức cho lĩnh vực văn hóa xã hội để người dân thụ hưởng một cách nhanh chóng nhất các thành quả phát triển của tỉnh; xây dựng vùng đất Bình Dương nhân ái, nghĩa tình, hiện đại, văn minh.

(BDO) Kỳ 1: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

 Di sản văn hóa (DSVH) có giá trị vô cùng to lớn trong quá trình phát triển đi lên của xã hội. Với truyền thống lịch sử, bề dày văn hóa hơn 300 năm hình thành và phát triển, vùng đất Bình Dương cũng chứa đựng nhiều DSVH vật thể và phi vật thể quý báu đang được bảo tồn, phát huy một cách tích cực.

 Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh là 1 trong 3 cổ vật của tỉnh đã được công nhận là bảo vật quốc gia

 Mạch nguồn kết nối

Trong dòng chảy thời gian hơn 300 năm hình thành và phát triển, Bình Dương là một trong những vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Những giá trị đó được biểu hiện rõ nét thông qua hệ thống các DSVH vật thể và phi vật thể hiện hữu tại các di tích, bảo tàng và nhà truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Ngoài các hoạt động cấp tỉnh, tại các địa phương, công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH cũng nhận được sự quan tâm và chung tay góp sức của chính quyền các cấp, các ban, ngành địa phương, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH của tỉnh nhà; đặc biệt là việc phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các đề án về bảo vệ và phát huy giá trị các DSVH đã được UBND tỉnh phê duyệt, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, thu hút nguồn lực từ xã hội hóa cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH của tỉnh.

Tính đến tháng 4-2021, Bình Dương là 1 trong 21 tỉnh, thành ở Nam bộ có loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) được UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại. Bình Dương còn có 3 cổ vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia, gồm: Tượng động vật Dốc Chùa, mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh và bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh; 3 DSVH phi vật thể quốc gia, là: Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, nghề gốm ở Bình Dương và võ lâm Tân Khánh Bà Trà. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 62 di tích được xếp hạng gồm 13 di tích cấp quốc gia và 49 di tích cấp tỉnh. Theo ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, đây là những tài sản vô giá của dân tộc và của địa phương, được lớp lớp thế hệ cư dân Bình Dương gìn giữ và phát huy, trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.

Là đơn vị chuyên môn của ngành văn hóa trên lĩnh vực này, trong thời gian qua, Bảo tàng tỉnh rất chú trọng đến công tác khai thác, phát huy giá trị của các DSVH trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động nổi bật mà Bảo tàng tỉnh luôn quan tâm thực hiện là trưng bày, triển lãm và đón tiếp, thuyết minh phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng, tại các di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức các chương trình giáo dục, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhằm giới thiệu, quảng bá DSVH đến với công chúng... “Những hoạt động này đã góp phần đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập và hưởng thụ văn hóa của công chúng trong và ngoài tỉnh. Số lượng khách tham quan đến với Bảo tàng và các di tích ngày càng tăng, trong đó có nhiều đoàn khách du lịch đến từ các tỉnh, thành khác”, ông Phước nói.

Phát huy giá trị di sản văn hóa

Để bảo vệ và phát huy giá trị DSVH trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, thời gian qua, tỉnh đã có những chủ trương, biện pháp cụ thể đối với lĩnh vực này, thông qua việc ban hành Đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”; quy chế quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020”. Trong năm 2020, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một”. Tất cả đã trở thành những cơ sở pháp lý quan trọng đối với lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị DSVH trên địa bàn tỉnh.

Thông qua các chủ trương, chính sách trên, công tác bảo vệ và phát huy giá trị các DSVH của tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Công tác lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích được thực hiện hiệu quả, đạt và vượt chỉ tiêu của đề án. Sau khi được xếp hạng, hầu hết các di tích đều được tỉnh và địa phương chú trọng đầu tư thực hiện công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi từ nguồn vốn ngân sách địa phương, vốn chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn xã hội hóa. Điều này đã góp phần tu bổ, chống xuống cấp cho các di tích. Công tác khai thác, phát huy giá trị di tích với hình thức ngày càng phong phú đã đáp ứng nhu cầu của khách tham quan đến với di tích. Riêng với DSVH nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn tỉnh, công tác bảo tồn và phát huy giá trị cũng được quan tâm thực hiện hiệu quả. Từ đó, số lượng các câu lạc bộ ĐCTT ngày càng phát triển và duy trì hoạt động thường xuyên.

Có thể thấy, công tác bảo vệ và phát huy giá trị các DSVH trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cùng với những hoạt động nghiệp vụ chuyên môn của ngành chủ quản sự quan tâm của chính quyền các cấp, các ban, ngành của tỉnh và các đơn vị đã góp phần tạo điều kiện rất lớn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH của tỉnh nhà. (còn tiếp)

Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh: Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh sẽ tham mưu cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt 2 đề án, bao gồm: Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”; Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT tỉnh Bình Dương đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” nhằm góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Tấn Phát, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TX.Tân Uyên: Hiện nay, các di tích đình, miếu trên địa bàn vẫn duy trì hình thức lễ hội truyền thống từ xưa đến nay. Các địa phương tổ chức lễ hội đều thành lập Ban tổ chức có đầy đủ các cơ quan chức năng, có đăng ký, thông báo chương trình, lịch trình tổ chức lễ hội với địa phương, cơ quan chức năng. Ban tổ chức lễ hội luôn quan tâm khôi phục những thuần phong mỹ tục, loại bỏ những tập tục lạc hậu, ngăn chặn hành vi lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan. Những hoạt động lễ hội đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh.

Ông Nguyễn Văn Đảm, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP.Thuận An: Để tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH, đặc biệt là với 2 DSVH phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận mới đây đều có liên quan đến địa phương, thời gian tới, TP.Thuận An sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu 2 di sản này rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, đồng thời sẽ tiếp tục thực hiện công tác sưu tầm, lưu giữ các sản phẩm gốm sứ có giá trị; thường xuyên tổ chức các đợt trưng bày triển lãm chuyên đề về gốm sứ để giới thiệu những nét văn hóa, tinh hoa độc đáo của các sản phẩm gốm sứ Thuận An; tăng cường công tác giới thiệu và truyền dạy bộ môn võ lâm Tân Khánh Bà Trà rộng rãi đến các địa phương xã, phường nhằm bảo tồn và phát triển bộ môn võ thuật này.

 HỒNG THUẬN