Đảm bảo tối đa quyền được tiếp cận thông tin của công dân
(BDO)
Chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 12-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tiếp cận thông tin.
Về sự cần thiết ban hành luật, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, về mặt thể chế, pháp luật hiện hành quy định chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ và chưa thống nhất về bảo đảm quyền được thông tin của công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 1992 và quyền tiếp cận thông tin của công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; chưa quy định đầy đủ về cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước và giám sát của xã hội đối với việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Về thực tiễn, việc tiếp cận thông tin của công dân còn hạn chế. Nhu cầu thông tin của công dân đang ngày càng gia tăng, nhất là các thông tin liên quan trực tiếp đến việc thực hiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trong khi đó, việc công khai và cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người dân, chưa tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin một cách chủ động, nhanh chóng và thuận tiện. Công dân chưa được bảo đảm cung cấp thông tin một cách chính thống bởi các cơ quan nhà nước tạo ra thông tin.
Theo Ban soạn thảo, dự thảo Luật tiếp cận thông tin gồm 6 chương, 31 điều. Dự án Luật đã thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về "mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người," "tạo cơ chế nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp," "bảo đảm quyền được thông tin" của công dân đồng thời cụ thể hóa đầy đủ tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan; Bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật trong điều kiện kinh tế-xã hội Việt Nam.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin là điều kiện cần thiết để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội và phục vụ cuộc sống của mình; góp phần nâng cao tính minh bạch của chính sách, nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, để Luật tiếp cận thông tin có tính khả thi cao thì cần phải giải quyết một cách thỏa đáng các vấn đề về thông tin được tiếp cận; người được quyền tiếp cận; người có trách nhiệm cung cấp thông tin; điều kiện, phương thức, trình tự, thủ tục để thực hiện quyền tiếp cận thông tin; trường hợp cơ quan nhà nước được từ chối yêu cầu cung cấp thông tin đồng thời, cũng cần nghiên cứu, rà soát để luật hóa một số quy định về tiếp cận thông tin trong các văn bản dưới luật.
Cho rằng người dân có nhiều cách để tiếp cận thông tin, không chỉ từ cơ quan nhà nước mà có thể từ các nguồn thông tin ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá dự thảo luật mới chỉ quy định tiếp cận thông tin của công dân và người cung cấp thông tin là nhà nước.
Ồng Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi, liệu những thông tin liên quan tới kinh doanh độc quyền như điện, xăng dầu…, công dân muốn biết thì có được tiếp cận hay không bởi dự luật không quy định về việc này.
Dự thảo luật chỉ điều chỉnh việc cung cấp thông tin giữa cơ quan nhà nước với công dân, không “ điều chỉnh việc cung cấp thông tin giữa các cơ quan nhà nước với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức trong hệ thống chính trị.”
Theo ông Phùng Quốc Hiển, nếu vậy thì tên gọi của dự án luật cần thay đổi thành Luật tiếp cận thông tin của công dân. Một số ý kiến khác trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với đề nghị này.
Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đặt vấn đề cần mở rộng phạm vi điều chỉnh để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan khác ngoài nhóm cơ quan nhà nước.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ những thông tin nào sẽ được công khai cung cấp; những thông tin nào bị hạn chế cung cấp một phần và những thông tin nào bị cấm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị dự thảo cần quy định rõ ràng về vấn đề này, tránh tình trạng quy định chung chung, sẽ dẫn tới khiếu kiện, gây phức tạp tình hình.
Điều 22 về chi phí tiếp cận thông tin quy định “Người yêu cầu cung cấp thông tin phải trả chi phí in ấn, sao chép, chụp, gửi hồ sơ, tài liệu qua đường bưu điện”. Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị dự luật cần phải cụ thể hóa các khoản mà người nhận thông tin sẽ phải trả; những nội dung thông tin nào khi cung cấp sẽ phải trả tiền, những nội dung nào không cần trả tiền. Việc quy định chi phí tiếp cận thông tin cần phù hợp với các quy định trong Luật phí và lệ phí...
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn bởi nếu luật này đi vào cuộc sống sẽ tăng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tăng thêm bao nhiêu thì chưa được Ban soạn thảo đưa ra số liệu cụ thể. Vấn đề này được nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần phải làm rõ.
Theo chương trình, chiều 12-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật khí tượng thủy văn và Luật an toàn thông tin.
Theo vietnam+