Đảm bảo đưa vắcxin COVID-19 an toàn nhất đến với người dân
(BDO)
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phát biểu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
“Vấn đề vắcxin COVID-19 được Cục Y tế dự phòng thực hiện, phối hợp với Cục Dược cấp phép, lên kế hoạch phân phối và Cục Đào tạo (Bộ Y tế) theo dõi đánh giá hiệu quả. Sẽ không tiêm vắcxin ồ ạt mà không theo dõi. Đây là cách làm khôn ngoan để vừa chống dịch vừa kiểm soát độ an toàn, để đảm bảo đưa vắcxin COVID-19 an toàn nhất đến người dân.”
Chuyên gia Trần Đắc Phu, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc, Bộ Y tế, đã khẳng định như vậy tại cuộc họp trực tuyến Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương, diễn ra vào sáng 23/2, tại Trụ sở Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Vắcxin Astra Zeneca có thể tiêm được ngay khi về Việt Nam
Liên quan đến việc Bộ Y tế đã phê duyệt ban hành hướng dẫn về việc vắcxin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022, trong đó nêu rõ có 11 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắcxin COVID-19 đầu tiên, phát biểu tại cuộc họp, các chuyên gia cho biết, vắcxin Astra Zeneca đang được nhập về Việt Nam, đã được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định chất lượng, khi về đến Việt Nam vắcxin có thể tiêm được ngay.
Vắcxin COVID-19 sẽ được triển khai tiêm chủng trên phạm vi cả nước, mức độ ưu tiên từ nguy cơ cao đến nguy cơ thấp dựa trên các tiêu chí: Các khu vực/tỉnh/huyện ghi nhận ca mắc hoặc tử vong do COVID-19 trong cộng đồng; Các đô thị lớn, có mật độ dân số cao; các tỉnh có đầu mối giao thông quan trọng; 11 nhóm đối tượng nguy cơ cao được ưu tiên tiêm vắcxin COVID-19.
Bộ Y tế cũng cho biết chỉ chọn mua các vắcxin an toàn, có hiệu lực bảo vệ cao, được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định, đã được phê chuẩn bởi một cơ quan quản lý dược nghiêm ngặt (SRA), giá cả phù hợp.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đề xuất mở rộng đối với nhóm ngoại giao và một số lực lượng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.
Theo chuyên gia Trần Đắc Phu, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc, Bộ Y tế, các loại vắcxin khi về Việt Nam trước đây như Quinvaxem hay ComBE Five, đều được thử nghiệm đánh giá an toàn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, được xác định là tình huống khẩn cấp nên Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị để tiêm vắcxin cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng nguy cơ theo đúng kế hoạch.
Chuyên gia Trần Đắc Phu nhấn mạnh dù có vắcxin ngừa COVID-19 song người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà.
Ở những nước nước đã tiêm vắcxin COVID-19 trên diện rộng như Israel, vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp khử khuẩn và giữ khoảng cách…
Ông Trần Đắc Phu giải thích: “Virus SARS-CoV-2 lây theo giọt bắn, do đó, đeo khẩu trang vẫn luôn là các biện pháp phòng dịch hữu hiệu đầu tiên. Trong khi đó, việc tiêm vắcxin sẽ không tạo ra miễn dịch ngay, chúng ta còn phòng ngừa biến chủng mới của virus.”
Các thành viên Ban Chỉ đạo khẳng định, Chính phủ cũng đang chỉ đạo để triển khai vắcxin COVID-19 sản xuất trong nước, sẽ rút ngắn các thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo các khâu an toàn và hiệu quả trong sản xuất, phát triển vắcxin.
Ưu tiên vắcxin cho lực lượng tuyến đầu chống dịch
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch tổng thể qua các bước: Tập huấn, tuyên truyền, lập danh sách các đối tượng được tiêm vắcxin. Đối với vắcxin từ nguồn chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới, dự kiến cuối quý 1-đầu quý 2/2021 sẽ có 4,8 triệu liều đầu tiên về Việt Nam.
“Vắcxin từ nguồn của COVAX là một nhánh trong kế hoạch tổng thể này, bên cạnh đó có còn nguồn vắcxin đặt mua của nước ngoài và vắcxin sản xuất trong nước,” Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Về khả năng ứng phó các tai biến tiêm chủng có thể xảy ra khi tiêm vắcxin ngừa COVID-19, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam tuân thủ theo các thông báo của Tổ chức Y tế thế giới cũng như các cơ quan y tế quốc tế có thẩm quyền trong việc đánh giá hiệu quả, độ an toàn, liều lượng tiêm.
Việt Nam đang cho phép nhập và lưu hành, triển khai tiêm vắcxin ngừa COVID-19 trong điều kiện khẩn cấp để phòng, chống dịch bệnh.
“Trong kế hoạch tổng thể Bộ Y tế sẽ ban hành, bên cạnh những lợi ích, tác dụng của vắcxin, chúng ta cũng phải tuyên truyền về những tác dụng, phản ứng không mong muốn có thể xảy ra để người dân biết và đồng hành cùng ngành Y tế,” Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý.
Với dự kiến sẽ tiêm chủng cho hàng triệu người trong một thời gian ngắn, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, việc ứng phó, xử lý những tai biến có thể xảy ra sau tiêm chủng hoàn toàn trong nằm khả năng của ngành Y tế từ kinh nghiệm trong quá trình triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng những năm qua.
Việc lập danh sách các đối tượng tiêm vắcxin miễn phí đầu tiên sẽ theo nguyên tắc ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và thực hiện trước ở những địa phương đang có dịch.
“Dù tiêm miễn phí hay theo diện xã hội hóa, đều phải theo lộ trình, kế hoạch tổng thể của Bộ Y tế,” Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam đang hết sức nỗ lực để sớm có vắcxin COVID-19. Tuy nhiên, không thể có ngay một lúc số lượng vắcxin để cung cấp đủ cho người dân; do vậy, vắcxin phải được phân phối theo các đối tượng ưu tiên.
“Tới đây, vắcxin COVID-19 cả nguồn từ nước ngoài và sản xuất trong nước sẽ được hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ, cơ bản như chương trình vắcxin mở rộng như vắcxin Quinvaxem,” Phó Thủ tướng khẳng định./.
Theo TTXVN