Đalat House: Vì một cuộc sống xanh, sạch
(BDO) 4 năm đi vào hoạt động kinh doanh, Đalat House luôn năng động tìm tòi hướng đi cho sản phẩm xanh, sạch, an toàn để phục vụ người tiêu dùng. Không những thế, Đalat House còn chung tay bảo vệ môi trường bằng việc vận động người dân sử dụng túi vải thay túi nylon…
Đalat House đầu tư kinh phí để hỗ trợ túi vải và hệ thống phun sương cho rau tươi để phục vụ khách hàng
Từ ý tưởng kinh doanh
Đalat House giờ đây rộng rãi, thông thoáng hơn trước. Từ khuôn viên đến sản phẩm kinh doanh của cửa hàng được trưng bày phong phú, đa dạng, bắt mắt hơn. Bắt đầu trải nghiệm từ chuyên bán rau quả Đà Lạt, đến nay, Đalat House đã kinh doanh các mặt hàng thịt, thức uống và trái cây của Đà Lạt và nhập khẩu… Kể về quá trình hình thành ý tưởng đến hiện thực, bà Lê Nguyễn Trà My, đại diện cửa hàng nói, để giữ vững kinh doanh các mặt hàng này không hề đơn giản. Với phương châm vì cuộc sống xanh, sạch, Đalat House suy nghĩ làm sao nâng chất bữa ăn sạch trong từng gia đình, vận động người dân tiếp cận sản phẩm sạch, không sử dụng sản phẩm độc hại của Trung Quốc tràn lan trên thị trường? Nói là làm! Đalat House bắt đầu tìm hiểu thực địa tại Đà Lạt, ký hợp đồng trực tiếp với các trang trại bảo đảm sản phẩm đầu ra sạch, an toàn. Nhờ đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt này nên đến nay, Đalat House là một địa chỉ đáng tin cậy đối với người tiêu dùng.
Từ kinh doanh rau sạch, đến cuối năm 2017, Đalat House tiếp tục mở rộng các mặt hàng thịt, cá, gà, bò, hải sản… “Dù khó khăn đến đâu, nếu được khách hàng tin tưởng, Đalat House vẫn cố gắng phục vụ hết mình”, bà My cho biết những sản phẩm kinh doanh đều có xuất xứ thương hiệu, như thịt gà Gò Công, thịt bò Úc, cá hồi đều được nhập khẩu trực tiếp từ Na Uy, thịt heo hữu cơ, trứng gà Omega 3… Ngoài ra, Đalat House còn chú trọng kinh doanh thêm những sản phẩm chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng, gồm các loại hạt, mì hữu cơ… để phục vụ kể cả khách nước ngoài. Hiện nay, Đalat House có 2 cửa hàng ở Sora Garden và Becamex. Sản lượng tiêu thụ không thể thống kê được, chỉ biết doanh thu mỗi ngày từ 30 triệu - 55 triệu đồng, giải quyết cho 7 lao động có việc làm với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Theo đó, Đalat House thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội và thưởng theo quý, tạo động lực cho nhân viên gắn bó lâu dài với cửa hàng.
Đến ý tưởng sử dụng túi vải để bảo vệ môi trường
Trao đổi với chúng tôi khi đề cập đến bảo vệ môi trường, bà My trăn trở khi kinh doanh về ngành nghề sức khỏe thì ý thức kinh doanh phải thay đổi bởi khách hàng là thượng đế. Vì thế, Đalat House đã bắt đầu tham gia vận động, tuyên truyền, thay đổi hành vi người tiêu dùng.
Trên facebook của Đalat House đã mở chương trình chung tay bảo vệ môi trường. Bà My phân tích trước đây, bình quân mỗi đơn hàng trị giá 500.000 đồng thì sử dụng từ 7 - 10 túi phân hủy các loại. Cứ như vậy mỗi tháng, Đalat House tốn khoản kinh phí không nhỏ để mua 30kg túi phân hủy loại 10kg, 135kg túi phân hủy loại 5kg, 60kg túi phân hủy loại 2kg và 120kg túi phân hủy loại 1kg… Đây là loại túi gây tác hại đến môi trường rất lớn, làm ảnh hưởng sức khỏe của người dân.
Sau một tháng thực hiện chương trình, Đalat House từ hỗ trợ đến bán túi vải cho khách hàng, giá từ 4.000 đồng/cái đến 40.000 đồng/cái tùy loại. Mục đích cuối cùng mà Đalat House hướng đến không phải kinh doanh túi vải mà chỉ mong muốn người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng túi vải thay thế túi nylon khi đến cửa hàng. Riêng đối với Đalat House cũng bắt đầu thay đổi cách trưng bày rau tươi bằng hệ thống phun sương, thay đựng vào túi nylon trước đây. Bà My một lần nữa khẳng định, đây là chương trình sẽ áp dụng lâu dài mà Đalat House cam kết sẽ đồng hành cùng người tiêu dùng để bảo vệ môi trường vì một cuộc sống xanh, sạch.
MINH HIỀN