Đãi vàng, băm nát sông Ba
Việc khai thác vàng trái phép đã làm thay đổi dòng chảy của sông Ba, gây ra hiện tượng xâm thực đất sản xuất của người dân
Trong trận lụt năm 2010, hàng trăm hộ dân ở khu phố Đông Hòa (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên) bị sông Ba “nuốt” mất hàng chục ha đất vườn, đất sản xuất. Theo các cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này là do nạn khai thác vàng trái phép nơi đây đã làm thay đổi dòng chảy sông Ba, đoạn qua 2 huyện: Sông Hinh, Sơn Hòa.
Sà lan khai thác vàng trái phép trên sông Ba
Ông Đinh Văn Thành - người làm rẫy bên đoạn sông Ba đã hơn 3 năm nay cho biết, có một chiếc sà lan lớn quanh quẩn khai thác vàng trái phép ở đây. “Sà lan sử dụng hệ thống đãi vàng bằng dây chuyền tự động với 60 chiếc gàu sắt múc cát rất to, múc sâu gần 7m, được nối với băng chuyền tự động nên khai thác rất nhanh, một ngày bằng 800 người đào, đãi thủ công”, ông Thành nói: Dọc đoạn sông này khoảng 2km, phía bờ Nam (thuộc huyện Sông Hinh) ngổn ngang những cồn cát cao, hố sâu do sà lan múc cát thải ra; trong khi đó, phía bờ bắc (thuộc huyện Sơn Hoà), nước sông xâm thực gần 5m đất vườn của người dân do sông Ba thay đổi dòng chảy.
Ông Nguyễn Văn An, Trưởng khu phố Đông Hòa cho biết, chiếc sà lan này của ông Phạm Ngọc Toản (người Nam Định). Ban ngày, sà lan đậu ở giữa dòng sông, đợi đến đêm vào gần bờ khai thác. “Cách đây chừng 6 tháng, người dân quá bức xúc đã kéo nhau ra sông chặt đứt dây neo sà lan nên đã xảy ra va chạm giữa người dân với người làm công trên sà lan, ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương”.
Ngược dòng sông Ba, đoạn dưới thuỷ điện sông Ba Hạ, giữa xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) và khu phố Tịnh Sơn (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa), những người đào đãi vàng trái phép đã băm nát hai bên bờ sông. Ông Phạm H (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa) than: “Việc khai thác cát đãi vàng ở bãi sông này hầu hết diễn ra vào ban đêm để tránh các cơ quan chức năng. Do có việc kỷ niệm Phú Yên 400 năm hình thành và phát triển, các cơ quan chức năng làm “riết” quá nên bãi vàng này tạm thời ngừng hoạt động”.
Ông Cao Minh Hoà, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa giải thích: “Người dân bức xúc nhưng chính quyền chưa can thiệp được là vì ban ngày sà lan thường nằm giữa dòng sông. Huyện Sơn Hoà lập đoàn để xử lý thì sà lan lại di chuyển lên huyện Sông Hinh và ngược lại. Hai huyện cũng đã có phối hợp, nhưng khi đến thì sà lan không hoạt động, nên rất khó xử lý”.
Mới đây, huyện Sơn Hòa cùng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Phú Yên đã lập biên bản vi phạm và thu giữ sà lan do ông Toản làm chủ cùng toàn bộ máy móc chờ xử lý. Thượng tá Lê Chí Lượng, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Phú Yên cho biết: “Chúng tôi đang hoàn tất thủ tục để trình UBND tỉnh Phú Yên xử lý. Trục xuất hay tịch thu phương tiện vi phạm là thuộc thẩm quyền của tỉnh”. Trong khi đó, UBND huyện Sơn Hòa kiến nghị, ngoài phạt hành chính, cần tịch thu sà lan nhằm tránh trường hợp chủ sà lan lại di chuyển đến nơi khác để tiếp tục hoạt động trái pháp luật.
Ngày 7-4, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự đã ký quyết định xử phạt trường hợp khai thác vàng trái phép bằng sà lan trên sông Ba. Theo Quyết định này, ông Phạm Ngọc Toản, trú ở thôn Trung Lao, xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định bị xử phạt 70 triệu đồng và bị tịch thu toàn bộ tang vật vì hoạt động khai thác vàng trái phép trên sông Ba, thuộc khu vực Cồn Mướp, thôn Chí Thán, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Cùng với đó, toàn bộ thiết bị hành nghề khai thác vàng trái phép trên sông Ba của ông Toản đều bị tịch thu, gồm: một sà lan bằng sắt rộng 6m, dài 17m; một băng chuyền 54 gàu sắt; 4 máy nổ; một mô tơ phát điện và một ghe máy rộng 1,5m, dài 7m.
Theo VOV