Đại tướng và những người lính Cụ Hồ
Những ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp ốm nặng, đã mấy lần tôi đề nghị với anh Nam, con trai của Đại tướng xin phép được vào thăm cụ nhưng đều bị từ chối. Anh Nam nói rằng, sức khỏe cụ không được tốt nên các giáo sư, bác sĩ hạn chế tối đa người vào thăm. Từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trở về, lòng tôi cứ nao nao. Kỷ niệm về những lần gặp Đại tướng vẫn còn y nguyên trong ký ức của tôi.
Anh cả ơi, chúng em thương anh lắm!
Đó là một buổi gặp đầy xúc động cách đây 13 năm. Không chỉ là cuộc gặp gỡ giữa vị Đại tướng, “khai quốc công thần” nguyên Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam với những người lính của ông mà thực sự là cuộc gặp giữa những người anh em, cha con ruột thịt đã cùng nhau chia sẻ những tháng ngày chiến đấu gian khổ, ác liệt.
Trung tướng Lê Nam Phong, Hiệu trưởng và cán bộ, chiến sĩ Trường Sĩ quan Lục quân 2 quân phục chỉnh tề sắp hàng đứng chờ Đại tướng từ sáng sớm. Ai cũng háo hức được đón vị Tổng tư lệnh tối cao một thời mà mình hằng kính trọng, ngưỡng mộ. Đợi mãi, rồi cũng đến lúc xe của Đại tướng xuất hiện.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Trung tướng Lê Nam Phong tại Trường Sĩ quan Lục quân 2 năm 1997.
Từ trên xe, Đại tướng bước xuống. Mái tóc bạc trắng như cước, những nếp nhăn trên vầng trán có dày thêm, hai tay run run nhưng ánh mắt và nụ cười thì vẫn thế. Sau khi đứng nghiêm trang báo cáo Đại tướng với nghi thức quân đội, không kìm lòng được, Trung tướng Lê Nam Phong chạy đến ôm chầm lấy Đại tướng:
- Anh cả ơi, chúng em thương anh lắm! Giọng Trung tướng Lê Nam Phong nghẹn ngào. Và tôi thấy ông khóc thực sự. Đại tướng vỗ về:
- Bình tĩnh nào. Anh cả vẫn khỏe mà! Rồi giọng Đại tướng vui hẳn lên:
- Thế nào, dạo này còn để đầu trọc không? Khi nghe Đại tướng hỏi thế, Trung tướng Lê Nam Phong xúc động:
- Báo cáo anh, đã hơn nửa thế kỷ rồi mà anh vẫn còn nhớ…
Câu chuyện trọc đầu cách đây hơn nửa thế kỷ mà Đại tướng nhắc đến, tôi đã được nghe Trung tướng Lê Nam Phong kể lại. Đó là những ngày tháng 4-1954 khi chiến dịch Điện Biên Phủ đang diễn ra ác liệt. Lúc đó ông Lê Nam Phong là Đại đội trưởng Đại đội 211 làm nhiệm vụ mở cửa để đánh vào đồi Độc Lập và sân bay Mường Thanh. Suốt ngày đào hào, đánh lấn, anh em bùn đất từ đầu đến chân.
Để có thể luồn sâu qua các hàng rào chằng chịt mìn, lựu đạn của địch và tiện cho khi đánh giáp lá cà không bị bọn lính Pháp cao to hơn nắm tóc, đại đội trưởng Lê Nam Phong nghĩ ra sáng kiến vận động toàn đơn vị cạo trọc đầu. Sáng kiến của ông được cả đơn vị đồng tình. Thế là người này cạo đầu, cắt tóc cho người kia. Cả đơn vị đầu trọc lóc như nhà sư. Nhờ thế, đại đội của ông liên tiếp lập chiến công. Chiến công ấy được Đại tướng biết đến. Đại tướng đã đặt tên cho ông là “Đại đội trưởng đầu trọc”.
Quân đội ta có biết bao nhiêu đại đội trưởng, nhưng Đại tướng vẫn nhớ đến ông, theo sát từng bước đi của ông và lần nào gặp, Đại tướng cũng nhắc lại kỷ niệm ấy. Buổi nói chuyện của Đại tướng với các sĩ quan cao cấp Trường Sĩ quan Lục quân 2 hôm ấy thật đặc biệt. Đại tướng kể về những kỷ niệm của mình với bộ đội và đặc biệt ông dành nhiều thời gian nói về tình cảm của Bác Hồ với quân đội ta.
Khi Đại tướng dứt lời, các sĩ quan ùa lên tặng hoa và ôm lấy Đại tướng như những đứa con lâu ngày gặp lại người cha thân yêu. Riêng Trung tướng Lê Nam Phong vẫn thế, tôi thấy mắt ông đỏ hoe và giọng ông cứ méo đi: “Anh cả ơi, chúng em thương anh lắm!”.
Ông khóc như chưa bao giờ được khóc
Đúng dịp mừng sinh nhật lần thứ 90 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tại TPHCM đã diễn ra những cuộc gặp gỡ thật cảm động. Đại tá Lê Kích, một chiến sĩ du kích Ba Tơ năm xưa đang nằm điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 nghe tin Đại tướng và phu nhân từ Hà Nội vào đã đi xe ôm đến nhà khách Trung ương Đảng trên đường Lý Chính Thắng để chúc mừng Đại tướng.
Khách đến rất đông, hết đoàn này đến đoàn khác, Đại tá Lê Kích phải chờ thật lâu. Nhưng sự chờ đợi ấy của ông cũng được Đại tướng đáp lại. Gặp Lê Kích, Đại tướng nói anh em phục vụ bố trí để có nhiều thời gian tâm sự với người cán bộ cấp dưới mà mình đã nhiều lần trực tiếp giao nhiệm vụ, trong những khoảnh khắc khác nhau của lịch sử. Gặp Đại tướng, ông Lê Kích không giữ được xúc động, ôm chặt vị Tổng tư lệnh một thời của mình. Ông không khóc mà nước mắt cứ trào ra. Giọng ấm áp, vỗ về, Đại tướng nói:
- Tôi luôn nhớ Lê Kích nhưng gần đây không biết đồng chí đang ở đâu. Bây giờ gặp lại, thấy Lê Kích vẫn còn minh mẫn, nói năng rõ ràng, tôi mừng lắm.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện cùng Đại tá Lê Kích.
Rồi hai vị lão thành cách mạng dìu nhau ngồi xuống ghế. Nhìn sang bà Đặng Thị Bích Hà, người bạn đời thân yêu của mình, Đại tướng nói:
- Gặp Lê Kích, tôi nhớ lại mấy lần trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí ấy. Tôi nhớ nhất là 436, lúc đó vấn đề này có liên quan đến phân tán lực lượng của Nava. Nava tập trung 40 tiểu đoàn ở đồng bằng Bắc bộ. Ta phải kéo địch ra khỏi sào huyệt của chúng. Bộ Tổng tư lệnh lúc đó nhận định, một trong hai hướng quan trọng là Trung Lào và Hạ Lào. Trung Lào đã có Trần Sâm. Hạ Lào tôi chọn Lê Kích. Tôi gặp Lê Kích và bảo anh phải tổ chức một tiểu đoàn, có máy liên lạc nhưng không được phát sóng. Khi Lê Kích chọn 436, tôi xuống tận nơi kiểm tra đến từng tiểu đội, từng chiến sĩ. Đó là những người dũng cảm và kiên quyết. Tôi chọn Lê Kích chỉ huy mũi thọc sâu này, vì tôi biết anh là người biết xung trận lúc nào là để giành thắng lợi cao nhất. Tôi nói với Lê Kích, hướng này địch hoàn toàn bất ngờ, ta đánh trong thế địch không bao giờ ngờ tới. Đến khi tôi nhận được điện của Lê Kích thì đơn vị của anh đã giải phóng xong Mường Mày, một tỉnh lỵ lớn của Nam Lào. Bản thân tôi cũng chưa nghĩ sẽ giải phóng hoàn toàn được Mường Mày và các tỉnh lỵ, vì vậy, tôi nhớ mãi Lê Kích ở điểm đó...
Đại tá Lê Kích ngồi nghe vị Tổng tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam nhắc đến mình, cổ họng ông nghẹn lại, không nói nên lời. Đại tướng nói tiếp:
- Sau này, tôi lại trực tiếp giao nhiệm vụ cho Lê Kích, khi anh vừa đi học pháo binh ở Trung Quốc về. Đó là cuối năm 1960. Việc giúp bạn ở mặt trận cánh đồng Chum (Lào), Quân ủy có hai ý kiến. Tôi đề nghị cử anh Chu Huy Mân sang giúp bạn về mặt chính trị, còn Lê Kích được giao nhiệm vụ giúp bạn về mặt quân sự. 15 giờ chiều ngày 28-12-1960, lễ xuất quân tiến về cánh đồng Chum được tổ chức trọng thể tại thị trấn Văng Viêng.
Chỉ 3 ngày đêm tấn công địch trong hành tiến trên quãng đường 300 cây số, đúng 1 giờ ngày 1-1-1961, ta đập tan căn cứ quân sự lớn nhất của Pháp ở Bắc Lào, giải phóng tỉnh Xiêng Khoảng, khai thông đường số 7. Sự kiện này làm chấn động cả châu Á. Do đó, tôi cho rằng Lê Kích là một con người kiên cường, có quyết tâm lớn, không lùi bước trước khó khăn, là một người luôn tìm cách hoàn thành nhiệm vụ trong những điều kiện khó khăn, gian khổ nhất. Anh là một người con của dân tộc Việt Nam, một đảng viên Cộng sản luôn vượt khó làm được những việc khó khăn mà tưởng như không làm được.
Đoạn, tôi thấy Đại tướng đứng dậy, xúc động ôm lấy Đại tá Lê Kích. Giọng Đại tướng hào sảng:
- Dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ đã làm nên những việc mà người ta cho rằng khó có thể làm được, coi đó như là huyền thoại. Lê Kích cũng là một trong những con người ấy - người lính Cụ Hồ làm nên huyền thoại.
Đến đây, tôi thấy Đại tá Lê Kích không thể nào kìm được xúc động nữa. Ông khóc như chưa bao giờ được khóc. Vị đại tá đã sang tuổi bát tuần như muốn ngã vào vòng tay thân yêu, ấm áp của vị Tổng tư lệnh tối cao của mình. Trong đầu ông thoáng hiện những cuộc gặp gỡ, nhận chỉ thị từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở Trung bộ. Đúng dịp ông được kết nạp vào Đảng, ngày 27-1-1946 ông đã được gặp và nhận chỉ thị trực tiếp từ Đại tướng để bảo vệ mặt trận Nha Trang.
Sau này, chính Đại tướng đã giao nhiệm vụ cho ông tổ chức lực lượng giúp bạn ở Hạ Lào và mở đường Tây Trường Sơn vào đầu năm 1961. Cả 81 ngày đêm ác liệt ở mặt trận Quảng Trị 1972 nữa, ông thường xuyên nhận được lời động viên và chỉ thị của Đại tướng. Lần nào cũng vậy, những cuộc gặp Đại tướng đã tiếp thêm cho ông sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
* * *
Bây giờ Đại tướng đã bước sang tuổi 100, còn Đại tá Lê Kích thì đã ra đi về cõi vĩnh hằng từ ngày 20-3-2004. Riêng Trung tướng Lê Nam Phong thì vẫn còn khỏe mạnh, tráng kiện ở tuổi bát tuần... Đó là quy luật của muôn đời. Tre già măng mọc. Lớp cha trước, lớp con sau. Những thế hệ người lính bộ đội Cụ Hồ đang nối tiếp con đường mà Đại tướng và các ông đã đi, vững vàng tay súng bảo vệ và xây dựng đất nước.
Trần Thế Tuyển
TP Hồ Chí Minh, 23-8-2010
Theo SGGP