Đài truyền thanh thông minh phát huy hiệu quả

Thứ năm, ngày 04/03/2021

(BDO) Vic chuyn đổi, thay thế h thng đài truyn thanh cơ s thu, phát sóng trên tn s FM sang truyn thanh ng dng công ngh thông tin (CNTT - đài truyn thanh thông minh) đã mang li hiu qu tích cc, to bước đột phá trong lĩnh vc thông tin cơ s và phc v tt nhu cu ca người dân.

 Cán bộ công chức văn hóa - xã hội, UBND xã An Điền, TX.Bến Cát đang soạn thảo bản tin truyền thanh trên phần mềm truyền thanh thông minh, giúp tiết kiệm thời gian

 Tiết kiệm thời gian, chi phí

Trước đây, chẳng quản nắng mưa, hàng ngày, anh Đỗ Thanh Dân, cán bộ công chức văn hóa - xã hội, UBND xã An Điền, TX.Bến Cát phải thức dậy từ sớm tinh mơ, vội vã phóng xe đến trụ sở UBND xã để kịp giờ mở máy phát sóng tiếp âm bản tin thời sự của đài Trung ương và địa phương lúc 5 giờ sáng để phục vụ nhu cầu nghe đài của nhân dân. Buổi chiều, anh cũng phải ở lại trực phát sóng chương trình truyền thanh buổi chiều nên về nhà rất muộn. Từ cuối năm 2020, TX.Bến Cát đã triển khai thí điểm lắp đặt đài truyền thanh thông minh thay thế đài truyền thanh thu phát sóng FM mang lại hiệu quả tích cực, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí nên công việc của anh Dân cũng đỡ vất vả hơn.

Anh Dân phấn khởi chia sẻ, đài truyền thanh thông minh là ứng dụng CNTT vào thay thế hệ thống hoạt động của đài truyền thanh thu sóng FM nên đã giúp cán bộ phụ trách đài tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức. “Giờ đây, tôi có thể ngồi ở nhà, sử dụng điện thoại thông minh của mình, tải phần mềm Smart Life để cài đặt thời gian bật, tắt phát sóng truyền thanh mà không cần thiết phải đến cơ quan từ lúc sáng sớm như mọi khi nữa. Mặt khác, phần mềm truyền thanh thông minh có chức năng chuyển đổi từ văn bản giấy sang giọng nói tự động đã giúp cán bộ không phải mất công sức ngồi đọc bản tin, sau đó thu âm, xử lý tạp âm… một cách rườm rà như trước”, anh Dân chia sẻ.

Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TX.Bến Cát, cho biết hiện nay trên địa bàn TX.Bến Cát hầu hết vẫn đang còn sử dụng hệ thống truyền thanh không dây. Thực tiễn cho thấy, hoạt động vận hành đang mang tính thủ công, mất nhiều thời gian và công sức. Hệ thống truyền thanh phải sử dụng tần số và theo quy định chỉ sử dụng trong dải băng tần thấp nên đôi khi gây ra hiện tượng chất lượng sóng kém do gặp nhiều vật cản, trùng sóng, nhiễu sóng, chèn sóng (do sóng khác cùng tần số với cường độ lớn hơn), hoặc do thu nhiều tín hiệu FM, các loa phát thanh vẫn còn phát ra âm thanh lạ… “Những nhược điểm của đài truyền thanh tần số FM đã làm cho việc giám sát, quản lý thiết bị gặp nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt trong tình hình tinh giản biên chế như hiện nay. Thông qua áp dụng chuyển đổi ứng dụng CNTT trong hệ thống đài truyền thanh cấp xã đã cho thấy nhiều hiệu quả đáng mừng. Địa phương đã lên kế hoạch triển khai nhân rộng mô hình này trong thời gian tới”, ông Đăng nói.

Đột phá mới trong chuyển đổi số

Đài truyền thanh xã An Điền là một trong những đài truyền thanh cấp xã đầu tiên của tỉnh thực hiện thí điểm chuyển đổi từ đài truyền thanh tần số FM sang đài truyền thanh thông minh. Phòng thu âm của đài giờ đã được trang bị máy vi tính để bàn màn hình rộng, cán bộ công chức phụ trách chuyên môn chỉ cần soạn thảo bản tin hoặc các thông báo của địa phương trực tiếp trên phần mềm truyền thanh thông minh. Sau khi được lãnh đạo duyệt nội dung, cán bộ phụ trách chỉ cần một thao tác nhấp chuột vào phần chuyển đổi văn bản sang giọng nói, phần mềm sẽ tự động đọc văn bản rất “chuyên nghiệp” giống như một phát thanh viên đọc bản tin trên đài. Ông Lê Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND xã An Điền cho biết: “Việc ứng dụng CNTT trong hệ thống truyền thanh cơ sở tại địa phương đã thu gọn được hệ thống máy móc cồng kềnh, đồng thời nâng cao chất lượng tuyên truyền, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu nghe đài của nhân dân địa phương”.

Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Mobifone Bình Dương, cho biết công nghệ sử dụng trong đài truyền thanh thông minh là công nghệ mới, sử dụng CNTT - viễn thông với nhiều ưu điểm vượt trội trong truyền dẫn phát sóng, số hóa việc sản xuất, lưu trữ chương trình, đặt lịch phát sóng tự động, sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) để chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói tự động, có thể sử dụng giọng nói của nam hay nữ của 3 miền Bắc, Trung, Nam để phù hợp với chất giọng chuẩn của từng vùng miền... “Với những ưu điểm đó, mô hình truyền thanh thông minh (truyền thanh ứng dụng CNTT) là giải pháp quan trọng trong việc phát triển hệ thống thông tin cơ sở, khắc phục những hạn chế của các loại hình truyền thanh tần số FM như trước đây. Bên cạnh đó, hệ thống cũng được trang bị nhiều tầng bảo mật, như: Bảo mật hệ thống, bảo mật đường truyền, bảo mật thiết bị… nên rất tiện lợi trong việc giám sát, quản lý trong quá trình hoạt động của đài truyền thanh thông minh này”, ông Lợi nói.

 Thực hiện Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20-1- 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT”, trong đó có nhiệm vụ “Xây dựng, hoàn thiện hệ thống đài truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT - viễn thông phù hợp với điều kiện của địa phương, bảo đảm tránh lãng phí trong đầu tư”, Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá chất lượng thiết bị kỹ thuật các đài truyền thanh cấp xã nhằm có kế hoạch đầu tư, dự toán kinh phí chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông khi hệ thống cũ khấu hao hết hoặc hư hỏng nặng đến lúc cần phải thay thế.

 THU HƯỜNG