Đại tá “Hai Cà” trong lòng người dân Thạnh Hội
(BDO) “Ai về xứ sở miền Đông/ Đều nghe danh tiếng của ông Hai Cà”. Đó là 2 câu thơ nói về Anh hùng lực lượng vũ trang, đại tá Trần Công An (tên thật là Trần Văn Kìa) - người khai sinh lối đánh đặc công. Chỉ bằng hai câu thơ ấy thôi đã khái quát lên chân dung của một con người ưu tú, là niềm tự hào của người dân Thạnh Hội trên mảnh đất Cù lao Rùa thuộc TX.Tân Uyên.
Triển lãm hình ảnh về đại tá Trần Công An nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (20.12.1920 - 20.12.2020)
Hào khí miền Đông
Cù lao Rùa có địa thế đặc biệt, được dòng sông Đồng Nai chẻ làm 2 nhánh ôm trọn vào lòng. Nhìn từ trên cao, Cù lao Rùa chập chờn giữa dòng Đồng Nai như linh quy đang giỡn nước. Qua cầu Thạnh Hội, Cù lao Rùa với một không gian yên ả hiện ra. Dù đã phát triển hơn trước rất nhiều nhưng Cù lao Rùa vẫn giữ được nét riêng vốn có của nó. Không ồn ào xe cộ, chỉ có tiếng gió rì rào. Chạy dọc theo những con đường quê được tô điểm bằng những hàng cây, bông hoa đủ màu sắc... là những ruộng lúa, bạc hà, hành lá xanh ngát.
Nhắc đến ông Hai Cà, người dân Thạnh Hội rất đỗi tự hào, cả ở phẩm chất và hành động. Người ta nói ông là “con người đặc biệt, phẩm chất đặc biệt”. Như tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, phân tích thì nơi đây, người Việt đã vào khẩn hoang lập ấp từ rất sớm. Cù lao Rùa nằm giữa một vùng văn hóa Việt nổi tiếng là xứ Đồng Nai, nơi tinh hoa Việt phương Nam kết tụ hình thành một truyền thống lịch sử nổi bật, được các nhà khoa học gọi là “hào khí miền Đông”. Và như một lẽ tự nhiên, là con của vùng đất này nên ông Hai Cà hấp thụ được truyền thống tự hào của quê hương, hình thành trong mình lòng yêu nước với khát vọng độc lập, tự do và có những đặc tính của “Hào khí miền Đông”.
Còn với ông Mai Sông Bé (nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Đồng Nai, quê xã Thạnh Hội) qua nghiên cứu tìm hiểu lịch sử về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của đại tá Trần Công An, ông chỉ ra ở vị đại tá này có đến 7 điều đặc biệt. Trong đó nổi bật là vào ngày 20-12-1946, sau khi bằng tay không bắt một tên lính Pháp giải lên rừng Ông Đông – Bà Tri giao cho Bí thư Huyện ủy Tân Uyên Huỳnh Văn Đính nhờ chuyển đến “Thi tướng rừng xanh Huỳnh Văn Nghệ- Chi đội trưởng Chi đội 10”; ông quay trở về nhà xin với mẹ được thắp ba nén nhang trên bàn thờ gia tiên với lời khấn đầy nước mắt “Nước Việt bị tước mất độc lập, dân Nam bị thực dân đè đầu cưỡi cổ nên con xin tổ tiên họ Trần được đốt nhà từ đường, đưa vợ con lên rừng kháng chiến. Vì có ở lại cũng không thể yên với giặc Pháp đóng ở bót Tân Ba”.
Được sự thuận tình của mẹ, ông Hai Cà nhờ thanh niên trai tráng trong làng và 4 chiến sĩ của Huyện đội cùng ông về nhà chất bã mía, rưới dầu hôi đốt ngôi nhà mới dựng cách đó không lâu mà không chút tiếc nuối. Trong bóng đêm của ngày gần cuối năm, ngọn lửa ngày càng bốc cao sáng rực cả một góc Cù lao Rùa, khiến cả làng cùng thức giấc. Đó là ngọn lửa của lòng yêu nước cháy lên từ trái tim của người thanh niên nông dân được cả làng yêu mến. Ngọn lửa ấy đã làm thức tỉnh nhiều thanh niên trong làng, như: Ba Đang, Hai Đa, Tư Cá, Năm Măng, Hai Bơi, Phát Trúc... thoát ly gia đình lên rừng Chiến khu Đ tham gia kháng chiến. Đó là ngọn lửa đặc biệt của phong trào tiêu thổ kháng chiến cháy lên từ Cù lao Rùa mà sau đó gần 1 tháng, ngày 16-1-1947 từ Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn dân thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Cho nên, có thể nói ngọn lửa cháy từ trái tim của ông Hai Cà của Cù lao Rùa hồi ấy là ngọn lửa đặc biệt của lòng yêu nước nhân dân Thạnh Hội, mà ông Hai Cà là người tiêu biểu.
Ông Mai Sông Bé còn tự hào nói: “Sau khi tự tay châm lửa đốt nhà, gửi mẹ cho bà con chăm sóc giúp, cả nhà ông đều lên rừng tham gia kháng chiến. Ông được phân công làm Huyện đội phó phụ trách dân quân của huyện Tân Uyên, sau này là Tỉnh đội trưởng tỉnh Biên Hòa và vợ của ông là bàTrương Thị Niếu, thượng sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, các con và các cháu của ông có nhiều người nối nghiệp tham gia lực lượng vũ trang. Có thể nói, gia đình của ông Hai Cà là “Phu thê, phụ tử, tử tôn đã thành đồng chí, chung câu quân hành”. Đây là một gia đình đặc biệt của xã Thạnh Hội mà cũng là gia đình đặc biệt của tỉnh Bình Dương”.
Trước sự tôn kính của người dân vùng Thạnh Hội đối với cha mình, ông Trần Văn Kỉa, con trai thứ ba, người đang lo hương khói của gia đình rất tự hào. Với ông, đây là một sự may mắn. Con cháu theo gương đó mà học tập.
“Ông tổ của lối đánh đặc công”
Đến với Phòng truyền thống của Lữ đoàn Đặc công bộ 429 ở huyện Phú Giáo, hình ảnh Đại tá Trần Công An được treo ở vị trí trang trọng nhất. Bởi ông là người có công đầu trong việc xây dựng, hình thành lối đánh đặc công.
“Thang tre lựu đạn tung đồn bót/ Mở lối đặc công cách đánh hay/ Sân bay Biên Hòa trên họng pháo/ Kho Long Bình trong túi đặc công/ Bao mùa chiến dịch ghi chiến tích/ Hòa cùng truyền thống đất miền Đông”. Đó là hình ảnh một thời của chàng trai trẻ Hai Cà. Ông là người dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, luôn tìm mọi cách vượt lên những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đóng góp của ông không chỉ dừng lại ở những con số địch bị tiêu diệt, số lượng vũ khí trang bị thu được của địch... mà bằng hành động thực tiễn, ông đã tạo ra bước “đột phá” về lý luận, khai sinh ra lối đánh đặc biệt và là cơ sở, tiền đề để xây dựng một đội quân thực sự tinh nhuệ, thiện chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này, đó chính là bộ đội đặc công.
Theo sử sách còn ghi lại, đêm 18 rạng sáng 19-3-1948, ông Hai Cà chỉ huy một tổ gồm 2 du kích Trần Văn Nguyên và Hồ Văn Lung bí mật xâm nhập tháp canh cầu Bà Kiên. Phía bên ngoài, ông cử 2 du kích Nguyễn Văn Ai và Trần Văn Hỏi làm nhiệm vụ cảnh giới. Nhờ ngụy trang tốt và giữ được yếu tố bất ngờ, cả 3 người xâm nhập thành công vào trận địa cùng với chiếc thang dùng để leo tường. Theo sự phân công, du kích Nguyên leo lên tầng tháp trên, du kích Lung leo lên tầng giữa, ông Hai Cà ở tầng dưới vừa đánh vừa chỉ huy, mỗi người thống nhất ném vào mỗi lỗ châu mai 3 quả lựu đạn. Sau khi ném 3 quả lựu đạn, nghi bọn địch chưa chết hết, ông Hai Cà “tặng” chúng thêm một khối thuốc nổ. Sức nổ quá mạnh khiến ông bị thương, nhưng trận đánh đã giành thắng lợi lớn, ta tiêu diệt 11 tên địch, thu 8 súng và 20 lựu đạn.
Từ kinh nghiệm đó, tháng 11-1949, Bộ Chỉ huy khu 7 tổ chức hội nghị chuyên đề về đánh tháp canh, ông Hai Cà được chọn báo cáo kinh nghiệm và cách đánh tháp canh của địch. Sau hội nghị này, Bộ Tư lệnh khu 7 rút ra được nhiều kinh nghiệm chỉ đạo và kết luận ta có thể đánh tháp canh với điều kiện phải làm tốt công tác điều nghiên, áp sát tháp canh một cách bí mật, đồng thời phải có vũ khí có sức công phá mạnh để đánh tháp. Trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên ngày 19-3-1948 thắng lợi và sau này, ngày 19-3 hàng năm trở thành ngày truyền thống của Binh chủng Đặc công anh hùng.
Ông “Hai Cà” đã để lại tấm gương anh dũng, mẫu mực, kết tinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương Cù lao Rùa. Người dân Cù lao Rùa rất tự hào về ông.
“Sau khi tự tay châm lửa đốt nhà, gửi mẹ cho bà con chăm sóc giúp, cả nhà ông đều lên rừng tham gia kháng chiến. Ông được phân công làm Huyện đội phó phụ trách dân quân của huyện Tân Uyên, sau này là Tỉnh đội trưởng tỉnh Biên Hòa và vợ của ông là bà Trương Thị Niếu, thượng sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, các con và các cháu của ông có nhiều người nối nghiệp tham gia lực lượng vũ trang. Có thể nói, gia đình của ông Hai Cà là “Phu thê, phụ tử, tử tôn đã thành đồng chí, chung câu quân hành”. Đây là một gia đình đặc biệt của xã Thạnh Hội mà cũng là gia đình đặc biệt của tỉnh Bình Dương”. (ông Mai Sông Bé) |
THU THẢO