Đại tá Cao Tiến Thuận, Giám đốc ICD Tân cảng Sóng Thần: Phát triển các khu công nghiệp gắn liền với khu vui chơi, dịch vụ
“Bình Dương đã thu hút và phát triển mạnh về công nghiệp nhưng mảng dịch vụ - thương mại thì phát triển chưa xứng tầm”, Đại tá Cao Tiến Thuận, Giám đốc ICD Tân cảng Sóng Thần cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương. Ông Thuận nói:
(BDO)
Hoạt động tại ICD Tân cảng Sóng Thần
- Thực tế cho thấy, khách tham quan, nhà đầu tư đến Bình Dương tìm hiểu cơ hội làm ăn, làm việc nhưng không lưu trú tại Bình Dương mà di chuyển về TP.HCM hay nơi khác để nghỉ ngơi, vui chơi. Điều này vừa góp phần gây quá tải lên hệ thống giao thông vừa tăng chi phí hoạt động và làm thất thoát “nguồn tài nguyên” có được từ quá trình thu hút đầu tư của tỉnh.
- Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông, cần làm như thế nào để quản lý, khai thác tốt tiềm năng thương mại - dịch vụ của Bình Dương?
- Để khai thác tốt tiềm năng, nâng cao hơn nữa sự hấp dẫn của Bình Dương, đồng thời góp phần làm tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ - đô thị trong cơ cấu kinh tế theo chủ trương của tỉnh, theo tôi tỉnh cần bổ sung quy hoạch theo hướng đi liền các khu công nghiệp là những khu vui chơi, sinh hoạt, dịch vụ. Phát triển những khu dân cư vừa phục vụ chuyên gia vừa đáp ứng nhu cầu chung của người lao động như lưu trú, sinh hoạt, khám chữa bệnh và cả việc học tập cho con cái họ một cách lâu dài, bền vững. Có nơi ở, việc làm ổn định thì người lao động sẽ chuyên tâm gắn bó với công việc. Có thể thấy, việc an cư của người lao động sẽ trực tiếp góp phần nâng cao sự ổn định trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp và gián tiếp tác động đến lĩnh vực thương mại - dịch vụ của tỉnh; trong đó có lĩnh vực bất động sản, nhà ở, cùng các sinh hoạt khác.
Với đội ngũ chuyên gia, nhà đầu tư đông đảo hiện nay thì nhu cầu ăn ở, sử dụng dịch vụ cao hơn, kéo theo đó là tăng cao về chi tiêu. Điều này không chỉ mở ra nhiều cơ hội cho mảng thương mại - dịch vụ và đô thị mà còn góp phần nâng cao năng lực và sức hấp dẫn của Bình Dương trong mắt các nhà đầu tư.
- Bình Dương được xem là một trong những địa phương có hệ thông giao thông phát triển mạnh và đồng bộ. Để giao thông phát triển xứng tầm với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?
- Theo tôi, tỉnh cần nhanh chóng khai thông các điểm ách tắc trên các trục giao thông chính như quốc lộ 13, đường ĐT743, đường Mỹ Phước - Tân Vạn… Đây là những cung đường chiến lược mà tỉnh đã thiết kế, quy hoạch nhằm góp phần rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Tiếp tục phát huy lợi thế này, Bình Dương cần quy hoạch và phát triển khu hậu cần sau cảng hoặc khu công nghiệp Logistic quy mô lớn, đủ sức đáp ứng nhu cầu của tỉnh và khu vực nhằm tập trung hàng hóa, tổ chức điều phối, vận chuyển một cách nhanh nhất, hợp lý và tiết kiệm nhất. Yêu cầu này gắn liền với việc xây dựng và phát triển cảng nước với quy mô tương ứng, phù hợp nhu cầu hiện có. Bởi vì giao thông đường thủy vừa an toàn, tiết kiệm so với giao thông đường bộ, lại dễ dàng kết nối nhanh với các cảng biển, thành phố lớn khác trên thế giới.
Có thêm những khu dân cư dịch vụ trong khu công nghiệp và khu công nghiệp logistic sẽ giúp Bình Dương hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở mức cao, tương xứng với việc phát triển Bình Dương là thành phố văn minh, hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới.
- Xin cảm ơn ông!
DUY CHÍ (thực hiện)