Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương: Dấu ấn 40 năm

Thứ hai, ngày 02/10/2017

Hòa chung cùng tiến trình đổi mới, phát triển của đất nước và của tỉnh nhà, sau 40 năm xây dựng và trưởng thành, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương đã và đang có những bước phát triển khá toàn diện, ngày càng đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển, đi lên của vùng đất Bình Dương giàu truyền thống cách mạng và năng động; đồng thời, tạo nên nhiều dấu ấn tốt đẹp trong ngành phát thanh - truyền hình cả nước.

(BDO)

 Các phát thanh viên chương trình Thời sự của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương

 Những bước đi đầu tiên…

Ngày 2-10-1977, Đài Phát thanh Sông Bé chính thức thực hiện buổi phát thanh đầu tiên truyền làn sóng phát thanh trong khắp địa bàn tỉnh Sông Bé (nay là 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước). Đây là sự kiện quan trọng, là mốc son đánh dấu sự ra đời của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương sau này.

Lúc mới thành lập, 15 cán bộ, viên chức của đài được chia thành 2 ban là Ban Biên tập và Ban Kỹ thuật. Trong đó, Ban Kỹ thuật đã tận dụng 1 máy phát thanh 1 KW do Trung Quốc sản xuất có từ thời chống Mỹ, 1 máy ghi âm cũ và xây dựng cột ăng ten cao 50m, chằng néo bằng dây thép. Còn phòng thu âm và nhà làm việc thì sửa lại những căn phòng từ một khu trại gọi là “Trại gia binh” của chế độ cũ để lại. Với nguồn nhân lực và hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật khiêm tốn như thế nên trong những ngày đầu mới gầy dựng sự nghiệp, Đài Phát thanh Sông Bé có tổng thời lượng phát sóng từ 2 đến 3 giờ mỗi ngày.

Trong điều kiện tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ vừa phải khôi phục sản xuất, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, Đài Phát thanh Sông Bé đã đáp ứng cơ bản nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền những chủ trương, định hướng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sông Bé.

Năm 1982, một nhóm cán bộ, viên chức thuộc Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Sông Bé được cử đi học lớp quay phim và biên tập tin, bài và được điều về Đài Phát thanh Sông Bé. Kể từ đây, Đài Phát thanh Sông Bé có thêm Tổ Truyền hình. Lúc bấy giờ, nhiệm vụ của Tổ Truyền hình thực chất chỉ là làm cộng tác viên cho Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh. Lúc đó, gọi là truyền hình nhưng quay bằng phim nhựa. Mỗi tuần thực hiện từ 1 đến 2 tin, bài. Sau khi quay và viết xong, mang tất cả “băng thô”, “bài mộc”, nhanh chóng “chạy” xuống gửi cho Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh để biên tập, dựng lại rồi phát sóng. Vất vả là thế, nhưng Tổ Truyền hình chính là “hạt nhân”, là nền tảng để 12 năm sau (năm 1994), Đài Phát thanh Sông Bé chính thức phát sóng những chương trình truyền hình đầu tiên.

Những năm cuối thập niên 80, khi làn sóng phát thanh - truyền hình Việt Nam về cơ bản đã phủ sóng trên phạm vi cả nước thì nhân dân ở 5 huyện phía bắc của tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ phải rất chật vật, khó khăn trong việc dò tìm làn sóng phát thanh - truyền hình do địa hình đồi núi che chắn. Trước thực trạng này, những năm 1989-1990, lãnh đạo tỉnh Sông Bé chỉ đạo Đài Phát thanh Sông Bé cử một số cán bộ, viên chức nghiên cứu, lập dự án xây dựng Đài Tiếp vận phát thanh - truyền hình Bà Rá (nay thuộc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước) với mục tiêu tiếp và phát các làn sóng phát thanh - truyền hình Việt Nam và cả làn sóng phát thanh - truyền hình của tỉnh Sông Bé. Tháng 12-1990, sau hơn một năm khẩn trương thi công, Đài Tiếp vận phát thanh - truyền hình Bà Rá chính thức được khánh thành. Kể từ đây, nhân dân 5 huyện phía bắc của tỉnh Sông Bé không còn là “vùng trắng” thông tin.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, nguyên Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương cho biết: “Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé là đài khai phá và phát sóng thành công trên băng tần UHF. Sự thành công của Đài Phát thanh- Truyền hình Sông Bé trên giải băng tần 25 UHF, ngay lập tức đã được nhiều đài phát thanh - truyền hình trong cả nước tham quan, học tập và ứng dụng”.

Ngày 2-9-1994, nhân kỷ niệm 49 năm Quốc khánh 2-9, Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé chính thức khánh thành Phim trường sản xuất các chương trình phát thanh - truyền hình và tháp ăng ten cao 108m; đồng thời, thực hiện phát sóng hàng loạt chương trình phát thanh - truyền hình do đài tự sản xuất. Bắt đầu từ thời điểm này, số lượng và chất lượng các chương trình phát thanh - truyền hình do đài tự sản xuất không ngừng được nâng cao. Làn sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé không chỉ đáp ứng được nhu cầu nghe và xem đài của nhân dân trong tỉnh, mà còn tỏa rộng ra nhiều tỉnh, thành thuộc miền Đông Nam bộ.

Tiên phong “số hóa” trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình

Ngày 1-1-1997, tỉnh Sông Bé được chia tách thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Theo đó, Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé cũng được chia tách thành hai đài: Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương và Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước.

Sau khi mang thương hiệu BTV, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương đã tiếp tục nghiên cứu, đưa vào ứng dụng phát hình kỹ thuật số mặt đất (gọi tắt là DVB-T) và là đài đầu tiên trong cả nước đưa vào ứng dụng hệ thống sản xuất chương trình phát thanh kỹ thuật số với phần mềm Dalet 6.1.

Năm 2002, đúng vào dịp kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Đảng (3.2.1930 - 3.2.2002), Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương chính thức công bố thực hiện “số hóa” trong lĩnh vực phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất và trong lĩnh vực sản xuất và phát sóng các chương trình phát thanh của đài. Kể từ đây, nhiều chương trình của đài, cả phát thanh, lẫn truyền hình đều thực hiện bằng phương thức “trực tiếp” nên mang đến cho khán, thính giả của mình những thông tin mang tính đồng thời với các sự kiện đang xảy ra. Trong đó, riêng việc sản xuất và phát sóng các chương trình phát thanh kỹ thuật số, phát thanh Bình Dương còn phát huy được thế mạnh sản xuất và phát sóng “mọi lúc, mọi nơi”. Còn việc phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất, người xem phải có thêm một bộ giải mã để thu sóng, nên quá trình “số hóa” của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương phải thực hiện theo kiểu vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, gặp khó khăn ở đâu, giải quyết ở đó.

Trong suốt 40 năm (2.10.1977 - 2.10.2017) hình thành, xây dựng và phát triển, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương luôn đồng hành cùng quá trình phát triển, đi lên của vùng đất năng động, giàu truyền thống cách mạng là Sông Bé - Bình Dương; thực sự là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và là diễn đàn của nhân dân. Ngoài việc làm tốt chức năng tiếp sóng một số chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, hiện nay Đài Phát thanh- Truyền hình Bình Dương thực sự là một cơ quan báo chí - truyền thông đa phương tiện với đầy đủ các loại hình báo chí với nhiều kênh thông tin như: Báo nói (FM Bình Dương, tần số 92,5 Mz), TH Bình Dương (các kênh BTV1, BTV2, BTV3…), báo điện tử (tên miền: btv.org. vn), báo in (Tạp chí BTV).

Có thể nói, chặng đường 40 năm xây dựng và trưởng thành của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương là chặng đường lưu dấu những bước chân không mệt mỏi của đội ngũ những người làm báo nói, báo hình trên vùng đất giàu lòng nhân ái và năng động Bình Dương. Và để có được những thành quả, những dấu ấn tốt đẹp đó, tập thể cán bộ, viên chức Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương mãi mãi trân trọng sự chăm lo, chỉ đạo sâu sát và kịp thời của các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Sông Bé - Bình Dương trong nhiều nhiệm kỳ; sự đóng góp công sức, trí tuệ bền bỉ của nhiều lãnh đạo, nhiều cán bộ, viên chức đài qua nhiều thế hệ; sự phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, chương trình của nhiều đồng nghiệp trong cả nước; nhất là sự quan tâm, theo dõi, cộng tác, góp ý… của giới doanh nghiệp và của quý khán, thính giả, độc giả trên khắp mọi miền.

Hiện nay, trước yêu cầu của bạn nghe và xem đài, cùng sự phát triển mạnh mẽ của các kênh truyền thông trong khu vực và cả nước, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương đang tiếp tục thực hiện việc đổi mới về nội dung và hình thức thể hiện các chương trình theo hướng có chiều sâu, có sức thuyết phục, có nhiều đề tài mới, phản ánh chân thực và sinh động cuộc sống đã và đang đổi mới từng ngày tại Bình Dương.

 Năm 2005, đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2005), sau 10 tháng khẩn trương thi công, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương chính thức đưa vào sử dụng công trình “Tháp ăng ten cao 252 mét”. Sự kiện này - trong năm 2005 - đã được Trung tâm Kỷ lục quốc gia công nhận là “Tháp truyền hình cao nhất Việt Nam”. Và quan trọng hơn là trong thực tế, việc đưa vào sử dụng công trình “Tháp ăng ten cao 252 mét” đã và đang giúp Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương mở rộng bán kính phủ sóng từ 60km lên 100km, chất lượng sóng truyền hình được nâng cao rõ nét, không bị “nhiễu”. Và qua bước đột phá về “số hóa” trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương một lần nữa ghi thêm thành tích là một trong những đài phát hình kỹ thuật số đầu tiên ở Việt Nam.

 ĐỨC DŨNG - QUANG HUY