Văn hóa tên đường Thủ Dầu Một

Đại lộ Bình Dương - Con đường huyết mạch

Thứ bảy, ngày 06/05/2017

LTS: Thủ Dầu Một là thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương với nhiều con đường được đặt tên của những danh nhân có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; các anh hùng liệt sĩ địa phương; di tích lịch sử văn hóa; địa danh đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân... Trong số báo thứ bảy mỗi tuần, Báo Bình Dương dựa trên những ghi chép của tác giả Nguyễn Minh Đức, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sông Bé trong quyển “Lược sử tên đường thị xã Thủ Dầu Một” xuất bản năm 2008 để giới thiệu tên các đường Thủ Dầu Một đến với bạn đọc.

(BDO) Đến với Bình Dương, người ta nhận ra diện mạo của Bình Dương trẻ trung, năng động và một tỉnh đang trên đà phát triển ngay khi bước vào con đường đại lộ Bình Dương. Bắt đầu từ km 13+004 (cống Suối Cát, phường Phú Hòa) đến đường Nguyễn Văn Thành (phường Tân Định, TX.Bến Cát) nhưng đại lộ ấy đã “ôm” trên mình đầy đủ các dịch vụ cần cho cuộc sống, tuyến lưu thông huyết mạch trong và ngoài tỉnh.

Đường đại lộ Bình Dương đầy đủ các dịch vụ tiện ích. Ảnh: X.THI

Quốc lộ lịch sử

Nói về con đường đại lộ Bình Dương, ông Nguyễn Minh Đức, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sông Bé kể lại, tiền thân của đại lộ Bình Dương là quốc lộ 13 đã xây dựng trước đây 90 năm (1916-2006). Trong thời gian đó đây là con đường giao thông huyết mạch phục vụ kinh tế - xã hội dưới thời Pháp thuộc (1916-1945) và phục vụ 30 năm chiến tranh (1945-1975) dưới 2 chế độ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Trong 3 thập niên khói lửa đạn bom, xuyên qua các vùng dân cư, thị trấn, thị xã và nông thôn nhất là vùng rừng căn cứ kháng chiến, quốc lộ 13 mang tên “con đường máu và nước mắt”, trở thành trận địa ta đánh địch, địch đánh ta. Trong đó, nổi lên những chiến công vẻ vang, ta triệt hạ đồng Cầu Định (7-1954) của Pháp kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp; trận đánh Bàu Bàng (tháng 11-1965), một chiến công lừng lẫy của quân dân tỉnh Thủ Dầu Một được Bác Hồ biểu dương thành tích diệt Mỹ trước toàn thể đồng bào cả nước: “Mừng miền Nam rực rỡ chiến công/ Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Playme, Đà Nẵng…”. Cũng trên con đường này, ngày 30-4-1975, tàn quân Sư đoàn 5 ngụy chạy từ Bến Cát về Sài Gòn, giữa đường bị quân dân Lái Thiêu chặn đánh làm tan rã. Hơn thế nữa, trên quốc lộ lịch sử này, quân chủ lực của ta tiến về giải phóng Sài Gòn. Vẻ vang nhất là vào lúc 11 giờ ngày 30-4 trên quốc lộ lịch sử này rừng cờ Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam trên tay đồng bào vẫy chào lực lượng cách mạng, kết thúc chiến tranh, đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào.

Phát triển xứng tầm

Sau chiến tranh, đại lộ ấy là một trong những tuyến đường huyết mạch của thành phố, trở thành trung tâm nối liền với các vùng kinh tế quan trọng trong và ngoài tỉnh. Đại lộ Bình Dương là tuyến đường “xương cá” bởi sự giao thoa với nhiều tuyến đường quan trọng khác. Từ đại lộ Bình Dương rẽ qua đường 30-4, đi khoảng độ 1km đến bến xe Bình Dương; hoặc rẽ theo hướng ngược lại, theo đường Phú Lợi về Biên Hòa (Đồng Nai); hay chạy thẳng qua quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn. Thêm vào đó, đây là nút giao thông có lưu lượng xe cộ qua lại nhiều, thành phần dòng xe phức tạp. Ngoài lượng xe máy, đại lộ Bình Dương còn là tuyến đường lưu thông của các loại xe buýt, xe đường dài nối các tỉnh Tây nguyên.

Không những là tuyến đường lưu thông quan trọng, đại lộ Bình Dương còn “ôm” trong mình tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống thường nhật của con người. Từ địa điểm vui chơi như Trung tâm thương mại Becamex, khu mua sắm như Siêu thị Big C, Điện máy Xanh, Điện máy Chợ Lớn… có cả gần chục ngân hàng đến các cửa hàng tạp hóa, cơ khí, nội thất, vật liệu xây dựng… Chỉ cần đi từ đầu đường đến cuối đường, người ta có thể mua bất cứ thứ gì mình muốn mà không cần phải đi đâu xa. Sống, chứng kiến sự đổi thay của đại lộ Bình Dương, ông Nguyễn Văn Duy (phường Hiệp Thành) nói, trước đây đường này còn ít xe cộ qua lại, giờ lượng xe tăng gấp nhiều lần. Bộ mặt đường cũng thay đổi nhiều khi xuất hiện các trung tâm thương mại, nhà hàng, ngân hàng, cửa hàng… Là một người con đất Thủ, sống và chứng kiến sự đổi thay của con đường trước nhà mình, ông càng tự hào khi Bình Dương ngày một phát triển giàu đẹp, đẹp từ nhà ra phố.

Hơn 10 năm có tên đại lộ Bình Dương, cho dù hôm nay hay mãi về sau, có lẽ, đường đại lộ ấy mãi ghi dấu trong tim người dân Bình Dương về một cuộc đổi thay ngoạn mục được làm nên từ sự đồng sức, đồng lòng của người dân và chính quyền. Nhìn đại lộ Bình Dương hôm nay với những tòa nhà cao tầng san sát nhau, chúng ta tin rằng, đại lộ này sẽ ngày càng phát triển để khẳng định được tầm vóc, sứ mệnh của mình.

MINH ĐỨC - THIÊN LÝ