Đại hội XIII: Hóa giải 'điểm nghẽn' tạo đà phát triển nông nghiệp

Thứ sáu, ngày 29/01/2021

(BDO)

Các đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh: TTXVN)

Theo đại biểu Lê Minh Hoan (Đoàn Đồng Tháp), Hợp tác xã chính là mảnh ghép của kinh tế hộ. Do đó, vấn đề định vị lại Hợp tác xã trong tiến trình cơ cấu nông nghiệp phải đặt ở một vị trí cao hơn và đưa ra nhiều quyết sách cho Hợp tác xã.

Bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 29/1, đại biểu Lê Minh Hoan đã có một số trao đổi với phóng viên về vấn đề phát triển nông nghiệp cũng như tạo hướng đi bền vững trong lĩnh vực này.

- Từ dấu mốc của Đại hội XIII của Đảng cũng như các ý kiến thảo luận đóng góp cho văn kiện của đại hội, theo ông, đã có những định hướng như thế nào để tạo cú hích cho nền nông nghiệp của Việt Nam thời gian tới?

Đại biểu Lê Minh Hoan: Dự thảo văn kiện đã nói rõ nội dung này, theo đó sản xuất nhỏ, manh mún đã kéo dài nhiều năm, cùng đó với những mảnh đất cho nông nghiệp sẽ tiếp tục phải đối mặt với việc chia sẻ quỹ đất đai cho phát triển hạ tầng, cho công nghiệp, dịch vụ và cả phát triển đô thị… Vì vậy, đất đai cho nông nghiệp sẽ thu hẹp dần.

Để khắc phục việc này, dự thảo văn kiện tập trung vào việc tăng cường kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể mà nòng cốt là Hợp tác xã và tổ hợp tác.

Do đó, vấn đề định vị lại Hợp tác xã trong tiến trình cơ cấu nông nghiệp phải đặt ở một vị trí cao hơn và đưa ra nhiều quyết sách để chính Hợp tác xã là mảnh ghép của kinh tế hộ cũng như có thể làm cầu nối giữa người sản xuất nhỏ lẻ với thị trường thông qua các doanh nghiệp.

Trong thời gian vừa qua chúng ta đã làm được một bước về vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động của các Hợp tác xã hay là nhận thức của cấp ủy, chính quyền về kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác.

Tuy nhiên, dự thảo văn kiện cũng đánh giá những tồn tại về năng lực quản trị của Hợp tác xã, tính liên kết của Hợp tác xã với doanh nghiệp, do đó trong giai đoạn sắp tới chúng ta phải đưa kinh tế tập thể mà nòng cốt là Hợp tác xã ở một vị trí tương xứng với tiến trình cơ cấu lại nền nông nghiệp. Theo tôi, đây cũng xem như là “cứu cánh” để chúng ta vượt qua “lời nguyền” của nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ thời gian vừa qua.

Đáng chú ý, với những gì ở các tỉnh như Sơn La, Kon Tum, Đồng Tháp… làm được về phát triển nông nghiệp chất lượng cao, tôi tin rằng nếu cấp ủy, chính quyền địa phương thấy được điều bức thiết của Hợp tác xã và của kinh tế hợp tác trong vấn đề liên kết và đầu tư, hỗ trợ cho người trực tiếp là nông dân, thì chắc chắn phong trào Hợp tác xác thời gian tới sẽ phát triển một cách mạnh mẽ và bền vững hơn. Đây cũng là đòn bẩy để chúng ta kết nối những hộ sản xuất nhỏ lẻ lại.

Như vậy thì nông nghiệp tuần hoàn hay ứng dụng khoa học công nghệ… sẽ không chuyển dần từ hỗ trợ hộ cá thể mà hỗ trợ qua kinh tế tập thể, qua Hợp tác xã, thông qua cách làm này sẽ kích hoạt được sự hợp tác của những người nông dân để từ đó tạo ra sự liên kết giữa 3 nhà là: Nông dân-Hợp tác xã-doanh nghiệp.

Từ hợp tác và liên kết đó chúng ta sẽ xác định và định vị được thị trường và thị trường sẽ điều chỉnh lại sản xuất, qui mô và chất lượng của sản phẩm… đó là những vấn đề mà trong dự thảo văn kiện đã xác định.

- Vậy, những vấn đề về phát triển nông nghiệp công nghệ cao được chú trọng như thế nào, thưa ông?

Đại biểu Lê Minh Hoan, Đoàn Đồng Tháp: Những mô hình cũ mà chúng ta làm đậm nét hơn sẽ có tác dụng lan tỏa và những chính sách đồng bộ hơn để kích hoạt nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp số… những mô hình đó sẽ tạo ra giá trị trên từng đơn vị diện tích trên nền nông nghiệp của chúng ta.

Đó là đặc điểm mà chúng ta phải tạo ra giá trị gia tăng chứ không chỉ dừng lại ở việc gia tăng sản lượng mà là giá trị gia tăng ở từng công đoạn của chuỗi ngành hàng, trong đó có việc ứng dụng khoa học công nghệ và đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kể cả việc làm bao bì, đóng gói, chế biến hay thương mại điện tử để phân khúc ra những thị trường qua đó đáp ứng yêu cầu của thị trường đang mở với những FTA mà Việt Nam tham gia và ký kết.

Dù vậy, thông qua các hiệp định cũng đặt ra cho chúng ta, đó là làm thế nào để tương thích được các tiêu chuẩn của thị trường đó. Bản thân chúng ta cũng phải thay đổi rất nhiều, cụ thể là chuyển đổi nền nông nghiệp từ sản lượng qua chất lượng, rồi an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng các hàng rào kỹ thuật của các FTA.

Đại biểu Lê Minh Hoan, Đoàn Đồng Tháp trao đổi với phóng viên bên lề Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Do đó, cái gốc chính là vừa phát huy những giá trị và thành tựu của 5 năm qua đối với nền nông nghiệp, song cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để tạo ra những cú hích mới bằng những tư duy mới như: nông nghiệp chia sẻ và nông nghiệp thông minh…

Tất cả những vấn đề được kích hoạt trong từng cánh đồng, từng thửa ruộng, hơn nữa là kích hoạt người nông dân, doanh nghiệp và hệ thống quản lý Nhà nước nhằm hướng đến mục tiêu là tạo ra giá trị gia tăng đột biến hơn.

- Với nhiều chính sách đưa ra cho ngành nông nghiệp, song theo ông cần hướng đến những trọng tâm nào để có thể chấm dứt được vấn đề “rau 2 luống” ở khá nhiều nơi?

Đại biểu Lê Minh Hoan: Theo tôi trong thời gian qua, nhiều nông dân đã nhận thức được việc sản xuất theo hướng an toàn, bởi không nhận thức được chắc chắn sẽ nhận rủi ro về mặt thị trường.

Tuy nhiên, để thay đổi được cách sản xuất lạm dụng các yếu tố đầu vào (thuốc bảo vệ thực vật)… cũng là vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp.

Theo tôi, chúng ta không thể đánh đổi sự mất cân bằng sinh thái hay mất đi đa dạng sinh học kể cả thương hiệu nông sản, thậm chí là ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và sức khỏe nông dân.

Do vậy, sắp tới chúng ta sẽ có Chương trình để làm sao có thể cân đo đong đếm được sự chuyển đổi từ thuốc bảo vệ thực vật vô cơ sang thuốc sinh học, chứng minh được mặc dù phải mất thời gian ban đầu để chuyển đổi sang nền nông nghiệp tự nhiên thì dù năng suất có thể giảm, song năng suất giảm không đồng nghĩa với việc giảm thu nhập vì lúc đó chất lượng nông sản đã được nâng lên và có thương hiệu thì giá bán cũng sẽ cao hơn.

Vì vậy, việc tiếp tục kiên trì truyền thông để cùng với người nông dân có thể hóa giải được một thói quen lâu đời thì chắc chắn sẽ chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam thành nông nghiệp sinh thái, tạo ra được một thương hiệu uy tín cho nông nghiệp.

- Ông đánh giá thế nào việc nhiều tập đoàn lớn đẩy mạnh việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp?

Đại biểu Lê Minh Hoan: Một số tín hiệu vui đó là thời gian qua nhiều tập đoàn chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp dù họ xác định đây không phải là lĩnh vực sinh lợi ngay cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Song, rõ ràng nhiều doanh nghiệp đã tâm huyết với nông nghiệp để có thể tạo ra được một “cú hích” nhằm thay đổi nền nông nghiệp, đó mới chính là giá trị cao nhất của các doanh nghiệp đầu tư vào nông sản.

Từ giá trị đó, thời gian vừa qua đã tạo ra được một hướng giúp đưa nông sản Việt Nam vươn mạnh hơn ra thị trường quốc tế cũng như nâng giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp. Quan trọng hơn, để cơ cấu lai nông nghiệp phải có người dẫn dắt và sự dẫn dắt đó chính là các doanh nghiệp.

Tuy vậy, dù có những “đại bàng - tập đoàn lớn” để dẫn dắt thì chúng ta cũng không quên những “chim sẻ,” đó là những Hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đầu tư ở các địa phương dù giá trị không cao, nhưng với số lượng đông đảo thì việc hợp lực lại chắc chắn Chương trình đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là một lĩnh vực ưu tiên cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp và bạn trẻ từ những đô thị hấp thu được hàm lượng tri thức sẽ trở về quê khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại, chế biến, đóng gói, thương mại điện tử… chắc chắn sẽ tác động có tính lan tỏa ở cộng đồng và không kém gì các “đại bàng” để đầu tư, từ đó tạo ra nền kinh tế nông nghiệp ở địa phương, có một phân khúc nhất định so với các doanh nghiệp lớn.

- Xin cảm ơn ông./.

Theo TTXVN