Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Dương lần thứ II: Ngày hội đoàn kết, tôn vinh văn hóa

Thứ ba, ngày 23/12/2014

(BDO) Ðại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh lần thứ II diễn ra trong 2 ngày 22 và 23- 12. Những năm qua, được Ðảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa các hình thức khuyến nông, chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc… chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS được nâng lên.

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Sáng sớm 22-12, tại Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao huyện Dầu Tiếng, hơn 200 đại biểu đại diện cho 17.000 người DTTS trên địa bàn tỉnh đã có mặt về tham dự đại hội. Họ đến sớm không chỉ để gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng của bà con dân tộc mình đến đại hội mà còn để gặp gỡ, trao đổi những kinh nghiệm hay trong bảo tồn; phát huy những nét đẹp truyền thống của dân tộc, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần của bà con.

Ban tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đơn vị tham dự đại hội. Ảnh: Đ.TUÂN

Sau phần khai mạc long trọng, Ban tổ chức đã đến thăm, chấm điểm phần thi trại đẹp của đồng bào DTTS 9 huyện, thị, thành phố. Mỗi trại mang một nét riêng thể hiện nét văn hóa trong cách xây dựng nhà ở của các dân tộc. Nổi bật nhất là trại TX.Dĩ An với thiết kế mang đậm kiến trúc người Chăm, huyện Phú Giáo đem đến đại hội ngôi nhà sàn xinh xắn… Đại biểu La Văn Sự, người Sán Chỉ tại Phú Giáo, nói: “Trước đây người DTTS chủ yếu sống trên rừng nên phải làm nhà sàn để tránh thú dữ. Từ đó, ngôi nhà sàn đã ăn sâu trong tâm thức của mỗi người. Đến với đại hội, chúng tôi đem đến giới thiệu, qua đó giúp mọi người hiểu thêm về phong tục, tập quán trong cách xây dựng nhà ở, sinh hoạt của bà con người đồng bào DTTS xưa”.

Song song với phần thi dựng trại, đại biểu các đồng bào DTTS còn tranh tài qua các trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố. Trong khí trời êm dịu của những ngày cưối năm, đến đại hội bà con đồng bào DTTS ai nấy đều phấn khởi vì được vui chơi, giao lưu văn hóa. Bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Ban chỉ đạo đại hội cho biết, đây là hoạt động văn hóa - thể thao nhằm bảo tồn, phát huy và nhân rộng các di sản văn hóa và phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc. Đồng thời là dịp để các đồng bào DTTS trong tỉnh giao lưu, học hỏi, bảo tồn và phát huy những nét đẹp truyền thống, mở rộng sự đoàn kết giữa các dân tộc, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh.

Những nghệ nhân và diễn viên của các đơn vị đã đem về ngày hội nhiều tiết mục đặc sắc, mang đậm bản sắc của các dân tộc, như: Hát Then của dân tộc Tày, tiếng cồng chiêng của người Khmer, âm nhạc của người Sán Chỉ... Trong ngày hội cũng đã diễn ra cuộc thi hát đối đáp các dân tộc, giao lưu văn hóa, thi mặc trang phục dân tộc đẹp, biểu diễn ca múa nhạc dân tộc, thu hút hàng trăm lượt người tham gia.

Đại biểu Âu Đại Mong, dân tộc Nùng, huyện Bắc Tân Uyên, tâm sự: “Đại hội thực sự là ngày hội của đồng bào DTTS chúng tôi. Tại đại hội, chúng tôi đã được đề xuất, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình trong việc phát triển kinh tế, văn hóa. Đồng thời, học hỏi những cách làm hay, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Qua đại hội, chúng tôi cũng tự nhận thấy trách nhiệm làm gương cho con cháu, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”.

Các vận động viên thi nhảy bao bố. Ảnh: Đ.TUÂN

Chăm lo cho đồng bào DTTS

Tự hào nói về sự đổi thay ở gia đình mình, đại biểu Bế Văn Hậu (SN 1970, dân tộc Tày, xã Long Hòa, Dầu Tiếng) kể, những năm đầu đến Bình Dương mưu sinh anh gặp không ít khó khăn. Không nản chí, anh nỗ lực khai hoang được 1,5 ha đất trồng hoa màu. Năm 2011, được hỗ trợ vay vốn của Nhà nước, anh chuyển sang trồng cao su, nuôi gà và heo thịt. Đến nay, gia đình khá giả với 2 ha cao su đang cho thu hoạch, nhà cửa xây mới khang trang, mua sắm đầy đủ phương tiện và các thiết bị nội thất trong gia đình. Có điều kiện kinh tế, anh cố gắng chăm lo cho 3 đứa con học tập. Để bà con dân tộc thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đại biểu Hậu mong muốn trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tăng cường tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi.

Với việc trao “cần câu” để đồng bào DTTS thoát nghèo, vươn lên làm giàu, tỉnh đã hỗ trợ cho hộ đồng bào nghèo, hộ cận nghèo vay tín chấp để đầu tư sản xuất, bình quân số dư nợ hàng năm 1,71 tỷ đồng; mở các lớp đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp thông qua các lớp khuyến nông; giới thiệu mô hình trồng, chăn nuôi đạt hiểu quả kinh tế, hỗ trợ kỹ thuật trong chủ động phòng ngừa dịch bệnh, thiên tai… Bên cạnh đó, tỉnh còn chăm lo sức khỏe cho đồng bào qua việc cấp, phát thẻ bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh miễn phí. Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng đến việc nâng cao dân trí cho con em đồng bào DTTS bằng cách miễn giảm học phí, tặng quà, trao học bổng. Số học sinh, sinh viên người DTTS không ngừng tăng lên. Cụ thể, năm 2009 có 72 em học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, đến năm 2014 tăng lên 534 em.

Kinh tế ổn định đã tạo điều kiện cho đời sống văn hóa, tinh thần của DTTS không ngừng được nâng cao, văn hóa truyền thống của các đồng bào DTTS được bảo tồn và phát huy. Cụ thể, duy trì tổ chức lễ hội rước cộ của dân tộc Hoa ở nhiều huyện, thị, thành phố; đón tết truyền thống của người Sán Chỉ ở xã Tam Lập, huyện Phú Giáo; Lễ Ramadan của người Chăm ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng... Phong trào tập luyện thể dục thể thao được khuyến khích, duy trì và phát triển.

Tỉnh cũng đã huy động một lượng lớn người DTTS tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 114 đảng viên là đồng bào DTTS, 532 đoàn viên, 16 người tham gia HĐND các cấp và 956 người hoạt động trong các hội, đoàn thể; bầu “già làng” có uy tín cho các ấp nơi có nhiều đồng bào DTTS sinh sống... Tất cả lực lượng này đã và đang góp phần rất lớn vào việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, những nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ông Lê Đình Ngọc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, Bình Dương không có dự án phát triển riêng cho đồng bào DTTS. Tuy nhiên tỉnh đã vận dụng một số chính sách quy định cho đồng bào tại vùng đặc biệt khó khăn để giúp đỡ hộ đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Mặt khác trên địa bàn tỉnh đang thực hiện một số chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo hiểm y tế… với việc thực hiện hỗ trợ từ các dự án, chương trình từ trước năm 2009 như giao đất sản xuất, cày ủi đất, cung cấp con giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp. Đến nay đã phát huy tác dụng, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của bà con đồng bào DTTS.

Tính đến hết năm 2013, Bình Dương có 20 DTTS với hơn 17.000 người (chiếm 1% dân số toàn tỉnh). Nhiều nhất là dân tộc Hoa, Khmer… ít nhất là dân tộc Mạ với 1 hộ. DTTS hầu hết sống đan xen với người Kinh trên khắp các địa phương trong tỉnh. Riêng có 2 dân tộc sống tương đối tập trung là người Chăm tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng; người Hoa nhiều nhất tại TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An.

 

T.LÝ – Đ.TUÂN